• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bố mẹ đừng để con cô đơn với chiếc điện thoại

Văn hoá 28/06/2018 17:36

(Tổ Quốc) -Trong buổi tọa đàm “Con muốn bố mẹ chơi với con” do Phúc Minh Books phối hợp với UBND, Ban chỉ đạo hè, Đoàn thanh niên phường Kim Liên (Hà Nội) tổ chức, Th.s giáo dục mầm non Hoàng Mai có lời khuyên các bậc phụ huynh “vẽ đường cho hươu chạy nhưng hãy hướng theo con đường đúng”.

Cấm hay không cấm

Điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị công nghệ thông minh đang ngày càng xuất hiện nhiều trong gia đình và xung quanh trẻ và độ tuổi trẻ được tiếp xúc với các thiết bị này ngày càng được trẻ hóa. Tại tọa đàm “Con muốn bố mẹ chơi với con”, có rất nhiều bạn nhỏ ở lứa tuổi mầm non, tiểu học chia sẻ rằng “Nhà con có 4 người nhưng lại có đến 5 chiếc smartphone trong nhà”. Hay “Bố mẹ thường cho con mượn điện thoại chơi khi bố mẹ bận”…

Trẻ nhỏ tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính bảng vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối đối với các bậc phụ huynh thời hiện đại. Bởi nếu “cấm tiệt” thì sợ con không thích nghi được với cuộc cách mạng công nghệ số, mà không cấm thì lo lắng hại nhiều hơn lợi. Trong buổi tọa đàm, “Con muốn bố mẹ chơi với con” do Phúc Minh Books phối hợp với Quận đoàn Đống Đa, đoàn phường Kim Liên (Hà Nội) tổ chức, Th.s giáo dục mầm non Hoàng Mai có lời khuyên các bậc phụ huynh “vẽ đường cho hươu chạy nhưng hãy hướng theo con đường đúng”.

 

Ảnh minh họa/trí thức trẻ

Trước vấn đề nên hay không nên cho trẻ sử dụng smartphone, Th.s giáo dục mầm non Hoàng Mai chia sẻ ngày nay cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã thay đổi toàn bộ đời sống của chúng ta, không chỉ ngoài xã hội mà còn cả trong nhà trường, gia đình. Việc cấm tuyệt đối trẻ không được sử dụng điện thoại là rất khó. Bởi đây cũng là một thành tựu khoa học, thành tựu của nhân loại và chúng ta cũng đang hưởng những lợi ích tích cực mà nó đem đến. Vì vậy, chúng ta những bậc làm cha làm mẹ đừng đặt quá nặng việc nên hay không nên. Chiếc điện thoại di động không phải là vấn đề mà vấn đề ở chỗ cha mẹ hãy hướng đến làm thế nào để con sử dụng đúng mục đích và bảo vệ an toàn cho con trên mạng, trong thời đại công nghệ số.

Theo cô Hoàng Mai, trẻ nhỏ vẫn có thể sử dụng điện thoại thông minh nhưng dưới sự định hướng của bố mẹ và chỉ khi các bậc phụ huynh chắc chắn rằng họ biết cách kiểm soát hành vi của trẻ bên chiếc điện thoại của mình. Ví dụ như các bé rất thích chơi game thì bố mẹ hãy hướng con đến nhưng trò chơi mang tính trí tuệ, nên tránh những yếu tố bạo lực, phản giáo dục. Bố mẹ có thể chơi cùng con để vừa tạo sự kết nối cho gia đình vừa kiểm soát con. Quan trọng nhất là khi trẻ đòi chơi điện thoại thì đừng cấm cản con gay gắt mà hãy khéo léo đàm phán với con về quy định về thời gian mỗi ngày, mỗi tuần con có thể chơi khoảng bao nhiêu phút.

Nhiều thông tin cho rằng không nên cho trẻ chơi điện thoại di động vì sẽ ảnh hưởng đến thị lực, thần kinh... Tuy nhiên, theo một số chuyên gia cho rằng chỉ nên cấm trẻ chơi với điện thoại di động thời gian quá dài hoặc trong bóng tối. Theo nghiên cứu thì với trẻ nhỏ từ 3 – 6 tuổi thì các con có thể chơi 45 – 60 phút/ngày và nên giãn đều chứ không nên để con ngồi một chỗ trong thời gian quá lâu. Trẻ dưới 3 tuổi thì cố gắng hạn chế đến mức tối đa.

Bố mẹ đừng để con cô đơn với chiếc điện thoại

Trong buổi tọa đàm, Th.s giáo dục mầm non Hoàng Mai nhấn mạnh tầm qua trọng của việc định hướng trẻ của bố mẹ. Bố mẹ đừng để con cô đơn với chiếc điện thoại khi bố mẹ và con đang ở nhà. Ngoài việc làm thế nào để bảo vệ con trong thời đại công nghệ số, cô Hoàng Mai cũng chia sẻ thêm về việc làm thế nào để bố mẹ dành thời gian chất lượng bên con trong quỹ thời gian eo hẹp của mình.

Trong suốt thời gian còn giảng dạy, một trong những điều mà cô trăn trở nhất là các bố mẹ có tâm sự rằng cảm thấy thiếu thốn thời gian dành cho con, hay không chơi với con được nhiều. Cô chỉ góp ý cho các bậc phụ huynh là khi về đến nhà, nếu không cần thiết thì hãy bỏ điện thoại/máy tính bảng xuống, chơi và trò chuyện với con. Không nhất thiết là phải tốn hàng giờ liền nhưng hãy tranh thủ khi cả nhà ăn cơm nói chuyện với con về trưởng học, bạn bè một ngày của con có gì vui.

Ngoài ra, các bố mẹ hãy tăng cường cho con các hoạt động thực tế đơn giản như khi làm việc nhà hãy rủ con làm cùng như cùng nhặt rau, cùng dọn dẹp nếu như mẹ lau nhà, con hãy giúp mẹ lau bàn… Và với trẻ nhỏ, thì mỗi khi đi ngủ, hãy dành khoảng 15 phút đọc truyện cho con nghe. Bởi đọc sách không chỉ giúp các con phát triển tư duy, phát triển ngôn ngữ, phát triển cảm xúc mà còn giúp bố mẹ kết nối được với con cái nhiều hơn.

Th.s giáo dục mầm non Hoàng Mai chia sẻ tại buổi tọa đàm "Con muốn bố mẹ chơi với con"

Đọc sách không đơn giản chỉ là việc bố mẹ đọc, con ngồi lắng nghe mà bố mẹ còn có thể kích thích sự sáng tạo của con bằng cách chơi các trò chơi nhập vai, diễn kịch hay tương tác với con bằng các câu hỏi. Đừng lo lắng về việc không biết chơi gì với con hay chơi với con như thế nào. Bởi sau một thời gian bỡ ngỡ, bố mẹ sẽ biết con thích gì, cần gì và muốn gì để từ đó xây dựng việc học mà chơi chơi mà học cho trẻ.

Thật ra, với trẻ nhỏ không gì vui hơn bằng việc được chơi cùng những người thân trong gia đình. Thay vì cấm cản, dọa nạt con, các bậc phụ huynh nên đồng hành cùng con, hướng con đến những hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh. Đặc biệt, trẻ nhỏ luôn cần đinh hướng từ cha mẹ. Nếu như định hướng của cha mẹ đúng thì việc cấm hay không cấm cũng không quá khó khăn.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ