• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Bỏ quên” hệ thống mới, Indonesia vuột cơ hội ngăn cản thảm họa sóng thần?

Thế giới 01/10/2018 16:36

(Tổ Quốc) - Tại sao Indonesia, một trong những quốc gia phải hứng chịu động đất và sóng thần nhiều nhất thế giới, lại không có được một hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả?

Hãng AP đưa tin, một hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần sớm tại Indonesia đã bị trì hoãn ở quá trình thử nghiệm trong nhiều năm qua. Hệ thống tối tân sử dụng công nghệ đáy biển, thu thập dữ liệu âm thanh của sóng và cáp sợi này, đáng lẽ phải được thay thế cho hệ thống cũ sau thảm hỏa động đất và sóng thần năm 2004 khiến gần 250.000 người ở nhiều quốc gia khác nhau thiệt mạng.

Tuy nhiên những tranh cãi và trì hoãn nội bộ trong việc cung cấp 1 tỷ rupiah (tương đương 69.000 USD) để hoàn thành dự án, đã khiến hệ thống này mới chỉ dừng lại ở bước thử nghiệm sau khi được Quỹ khoa học quốc gia Mỹ phát triển với ngân sách lên tới 3 triệu USD.

Mọi thứ đã quá muộn cho vùng Sulawesi (Indonesia), khi cuối tuần qua, các đợt sóng thần cao 6m và một trận động đất 7,5 độ richter đã đổ ập vào hai thành phố Palu và Donggala. Thống kê mới nhất là hơn 1.200 người thiệt mạng và con số không ngừng tăng lên… đã cho thấy sự yếu kém của hệ thống cảnh báo hiện tại và sự nhận thức của người dân địa phương trước việc phản ứng lại các cảnh báo của cơ quan khí tượng.

“Đây là một bi kịch cho giới khoa học và người dân Indonesia”, Louise Comfort, một chuyên gia về quản lý thảm họa tại Đại học Puttsburgh, người từng dẫn đầu phía Mỹ trong dự án hệ thống cảnh báo mới được đề cập phía trên, cho biết. “Thật quá đau đớn nhất là khi lại đang có một mạng lưới cảm ứng được thiết kế phù hợp để đưa ra các thông tin quan trọng nhất”.

Sau thảm họa năm 2004, cộng đồng quốc tế đã cùng chung sức để cải thiện năng lực cảnh báo sóng thần, đặc biệt là tại Ấn Độ Dương và Indonesia – một trong những quốc gia hay bị động đất và sóng thần nhất thế giới.

Một trong những nỗ lực là thông qua nguồn tài trợ của Đức và một số nước khác, một mạng lưới gồm 22 phao (mỗi phao trị giá hàng trăm nghìn USD) kết nối với hệ thống cảm ứng đáy biển để truyền tải các cảnh báo sớm – đã được triển khai.

Tuy nhiên, một trận động đất tại đảo Sumatra năm 2016 lại phơi bày một thực trạng là không một chiếc phao nào trong số trên hoạt động. Nguyên nhân khá đa dạng, từ bị phá hủy, ăn trộm hay đơn giản là không có kinh phí để duy trì hoạt động, sửa chữa.

Sóng thần tấn công hai thành phố Palu và Donggala của Indonesia (ảnh: nbc)

Xương sống của hệ thống cảnh báo sóng thần Indonesia hiện tại là một mạng lưới gồm 134 trạm đo thủy triều, được hỗ trợ thêm bởi các máy ghi nhận địa chấn đặt trên đất liền, thiết bị báo động ở 55 địa điểm và một hệ thống truyền tải cảnh báo bằng tin nhắn.

Khi trận động đất 7,5 độ richter xảy ra vào 6h (giờ địa phương) tối thứ Sáu (28/9), cơ quan khí tượng và địa chất học Indonesia (BMKG) đã đưa ra cảnh báo sóng thần, trong đó nhắc tới khả năng sóng thần cao từ 0,5 tới 3m.Cảnh báo kết thúc vào lúc 6h36 phút. Điều này đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề, tuy nhiên người đứng đầu cơ quan trên cho biết, họ dỡ bỏ cảnh báo sau khi sóng thần ập vào. Hiện chưa rõ thời điểm mà các đợt sóng thần đổ vào thành phố Palu là lúc nào.

“Các trạm đo thủy triều vẫn hoạt động, nhưng khả năng cung cấp cảnh báo sớm khá hạn chế. Không cái nào trong số 22 phao hoạt động”, bà Comfort nói. “BMKG đã gỡ bỏ cảnh báo quá sớm bởi vì họ không có dữ liệu từ Palu. Đây là thông tin mà hệ thống phát hiện sóng thần mới có thể cung cấp [nếu nó đi vào hoạt động]”.

Tuy nhiên, theo Adam Switzer, một chuyên gia sóng thần khác tại Trạm quan sát Trái đất của Singapore, có hơi “bất công” khi nói BMKG làm sai. “Những gì xảy ra cho thấy, các mô hình sóng thần mà chúng ta có hiện nay quá đơn giản,” Switzer nói. “Họ không thể xem xét các sự kiện, các trận động đất cùng lúc trong một thời gian ngắn.”

Cho dù sử dụng hệ thống nào, thì tại các khu vực ven biển, ưu tiên hàng đầu sau khi xảy ra động đất nên là di chuyển tới một địa điểm cao hơn, và ở lại đó trong vòng vài giờ.

Còn  Harkunti P. Rahayu, một chuyên gia tại Viện Công nghệ Bandung phân tích, mất điện sau động đất đồng nghĩa với việc còi báo động người dân di tản không hoạt động. “Hầu hết mọi người đều bị sốc bởi động đất và không hề nghĩ tới khả năng có sóng thần”.

Các chuyên gia nói, hệ thống mới được triển khai thử nghiệm bên ngoài Padang – một thành phố rất dễ bị sóng thần tấn công – có thể cung cấp các thông tin về nguy cơ sóng thần trong vòng 1 tới 3 phút. Đây là một khác biệt vô cùng lớn so với thời gian từ 5 tới 45 phút mà loạt phao (đã bị hỏng) và các thông tin giới hạn được các trạm đo thủy triều đưa ra.

Để chính thức hoạt động, mạng lưới tại Padang chỉ cần thêm một vài km cáp quang nữa , giúp kết nối với một trạm điều khiển đặt ở một hòn đảo ngoài khơi. Từ đây, các dữ liệu sẽ được truyền tải bằng vệ tinh tới cơ quan địa chất học có nhiệm vụ đưa ra cảnh báo, và các quan chức phụ trách thiên tai.

AP lần đầu tiên đưa tin về hệ thống này vào tháng 1/2017 khi dự án đang chờ đợi nguồn vốn từ Indonesia để lắp đặt đường cáp. Tuy nhiên, kể từ đó, các đơn vị liên quan liên tục phải đối mặt với tình trạng cắt giảm ngân sách. Ngoài ra, theo bà Comfort, một số mâu thuẫn nội bộ cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc hệ thống không thể hoàn thành như dự kiến.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều tin rằng, một hệ thống phát hiện sóng thần là điều cần thiết nhất.

“Những gì mà các đồng nghiệp Indonesia chỉ ra đó là người dân không biết phải làm gì với thông tin cảnh báo,” Gavin Sullivan, một nhà tâm lý học tại Đại học Coventry, người từng làm việc trong một dự án về thiên tai của Indonesia, nói.

Việc người dân vẫn có mặt tại bờ biển Palu ngay cả khi các đợt sóng đang tiến vào, đã cho thấy những bài học thảm họa trước đây vẫn chưa thực sự được “thẩm thấu”.

“Điều này chúng tỏ việc huấn luyện phù hợp, và gây dựng niềm tin để mọi người biết được phải làm những gì sau khi nhận được cảnh báo – đã thất bại,” ông Sullivan kết luận.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ