• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa là phủ nhận lịch sử và giá trị văn học

Thời sự 07/12/2017 14:06

(Tổ Quốc) - Đề xuất có nên tiếp tục để tác phẩm Chí Phèo trong sách giáo khoa không của ông Nguyễn Song Hiền đã khiến dư luận nổ ra nhiều tranh cãi.

Bỏ tác phẩm Chí Phèo  khỏi sách giáo khoa là suy nghĩ hời hợt

Mới đây, thạc sĩ Nguyễn Song Hiền đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ trường ĐH Newcastle (Úc), đã đặt ra câu hỏi “có nên tiếp tục để tác phẩm Chí Phèo trong sách giáo khoa chương trình phổ thông hay không bởi có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh”. Đây là một ý kiến đầy áp đặt chủ quan và là sự lo lắng thừa.

Theo vị nghiên cứu sinh này thì Chí Phéo đơn giản chỉ là một đứa trẻ không được giáo dục, và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội ấy. Chí Phèo là con người xấu với việc ăn vạ, uống rượu say, cưỡng bức phụ nữ, giết người…

Trước hết, cần phải nói rằng, việc đưa ra ý kiến, quan điểm “khác với số đông” của một cá nhân nào đó là quyền của cá nhân. Tuy nhiên, mỗi cá nhân cũng nên cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi công bố trước công luận ý kiến của mình – nhất là trong khi mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay, bởi dù đúng hay chưa đúng thì chắc chắn sẽ nhận được những ý kiến khác nhau từ cộng đồng, đây cũng là một cách trao đổi sòng phẳng.

Tác phẩm Chí Phèo ngoài được in trong sách giáo khoa còn được nhiều NXB tái bản. Ảnh: internet

Tác phẩm văn học khi được lựa chọn vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh phổ thông là đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng của những nhà làm giáo dục. Không phải “tự nhiên” tác phẩm của tác giả này được lựa chọn in vào sách giáo khoa và tác giả khác thì không. Và dù không công cần mất công đi tìm hiểu tác phẩm phải có những tiêu chí cụ thể như thế nào mới được in trong sách giáo khoa thì nhiều người tự hiểu ngầm rằng hẳn đó phải là tác phẩm có giá trị văn học nghệ thuật, giá trị giáo dục, lịch sử…

Đồng tình với quan điểm “Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Xuất thân không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục, Chí được nhặt về nuôi và đi ở hết nhà này đến nhà khác”. Nhưng văn học là gì nếu không phải từ số phận, cuộc đời một con người được đặt trong một bối cảnh xã hội cụ thể, qua tài năng của nhà văn trở thành nhân vật điển hình, đại diện cho tầng lớp, ai soi chiếu vào đó cũng thấy bóng dáng tầng lớp ấy. Mỗi con người ai cũng có số phận riêng, nhưng để trở thành nhân vật điển hình trong văn chương thì không phải cuộc đời con người nào cũng dễ dàng trở thành nhân vật điển hình đi vào văn chương. Có khi một cá nhân cũng có thể hội tụ trở thành nhân vật điển hình, nhưng cũng có khi phải hàng trăm, hàng nghìn số phận con người cộng gộp lại, nhào nặn thành một con người với hình hài số phận cụ thể để trở thành nhân vật văn học điển hình.

Nam Cao viết tác phẩm Chí Phèo không cổ súy mọi người làm theo Chí Phèo, hay Bá Kiến… Nam Cao chỉ kể lại những bi kịch, số phận của một số nhân vật của cái làng Vũ Đại để từ đó làm thức tỉnh con người, đừng đẩy một người nông dân, bần cùng, với bản chất lương thiện thành tha hóa, dồn vào con đường cùng… Vì thế, sự lo lắng của vị nghiên cứu sinh là thừa và không cần thiết. Bởi tác phẩm có tính cảnh báo chứ không có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh.

Đừng “nhấc” Chí Phèo sống ở… thì hiện tại!

Văn học là nhân học, văn học giúp con người cảm nhận được cái hay cái đẹp thì cũng phải biết cảm thông với nỗi đau đồng loại, lên án cái xấu, sống nhân văn, nhân đạo. Học sinh không thể bị ru ngủ bằng những tác phẩm văn học lãng mạn mà tránh xa văn học hiện thực đời sống.

Hơn nữa, tác phẩm văn học ở thời đại nào cũng có tính lịch sử thời điểm đó. Có những tác phẩm của quá khứ khi đặt vào thời hiện đại thấy vô lý, thậm chí khó chấp nhận. Nhưng lịch sử vẫn mãi là lịch sử, dù cái đã xảy ra vô lý hay khó chấp nhận. Vì thế, là độc giả, lại là người sinh sau cần phải tôn trọng tác phẩm văn học được ra đời trong bối cảnh do nhà văn đã viết ra. Không thể “nhấc” Chí Phèo của thời Nam Cao sang cuộc sống hôm nay để phán xét, đánh giá và đòi thay đổi.

Nếu áp suy nghĩ của vị nghiên cứu sinh này, e rằng ngay cả Xuân tóc đỏ, Chị Dậu… cũng chỉ là nhân vật văn học với những bi kịch cá nhân mà không đại diện cho tầng lớp nào của quá khứ và cũng đáng bị lên án. Nhất là nếu áp suy nghĩ hiện nay thì nhân vật chị Dậu với việc bán con thì không thể chấp nhận được. Thậm chí, vì áp đặt suy nghĩ của thời đương đại mà đã có người từng đặt câu hỏi Chị Dậu có ích kỷ khi bán con nhưng nhất quyết không bán thân?.

Hình ảnh Chí Phèo và Thị Nở trong phim "Lãng Vũ Đại ngày ấy". Ảnh: vietnamnet

Giả sử áp đặt cái suy nghĩ của vị nghiên cứu sinh này vào tác phẩm Chí Phèo, sau khi Chí Phèo “cưỡng bức” Thị Nở xong bị lên án, bị nhốt vào tù và chấm hết. Không có cảnh Chí Phèo mơ ước có cuộc sống bình thường bên mái nhà cùng với Thị Nở, không có cảnh Chí giết Bá Kiến với câu nói đấy ám ảnh về lương thiện như trong truyện của Nam Cao. Và như thế tác phẩm chả khác gì một bài báo với tường thuật của mục pháp luật, ai cũng có thể tường thuật được chứ không chỉ riêng Nam Cao. Và như vậy báo chí đã là đủ mà không cần đến văn học. Chính vì không dừng lại ở sự mô tả, kịch tính thông thường mà Nam Cao đã đi xa hơn, đã gọi tên cho câu chuyện – có thể thật mà cũng có thể hư cấu của quá khứ thành truyện ngắn để đành hoàng bước vào văn chương.

Khi nghe tên một người Việt đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài bàn về Chí Phèo hẳn ban đầu nhiều người cảm thấy cũng có một chút tự hào và tò mò vào đọc. Nhưng tiếc thay với đề nghị và những lập luận của vị nghiên cứu sinh này bỗng cảm thấy như có sự xúc phạm với một tác giả được xếp vào hàng tác gia văn học hàng đầu của Việt Nam.

Kể ra, là người Việt Nam mà không tự hào vì tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao cũng là điều đáng tiếc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói rằng, để xem vị trí của một nhà văn đến đâu, quan trọng như thế nào thì cứ thử nhấc tên tuổi, tác phẩm nhà văn đó ra khỏi nền văn học Việt Nam xem có ảnh hưởng gì không, thì rõ ràng chúng ta thấy ngay kết quả của phép thử này nếu nhấc Chí Phèo và tên tuổi nhà văn Nam Cao ra khỏi nền văn học Việt Nam. Đó sẽ là một khoảng trống lớn và chưa biết nhà văn và tác phẩm nào sẽ lấp được khoảng trống nếu điều này xảy ra.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ