(Tổ Quốc) - Đối với chi phí lãi vay, Bộ Tài chính yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hóa, tránh tính trùng chi phí.
Về câu chuyện giá nước sạch của Công ty CP nước mặt Sông Đuống cao gấp đôi so với giá nước sạch thông thường, Báo Dân trí dẫn nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, Bộ vừa có công văn trả lời UBND thành phố Hà Nội về giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, do dự án chưa quyết toán, không có đủ cơ sở để xác định mức chi phí cụ thể. Vì vậy, nguyên tắc xác định mức giá là tạm tính. Nhưng riêng đối với chi phí lãi vay, bộ yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hóa, tránh tính trùng chi phí.
Về viện dẫn cụ thể điều khoản chi tiết tại Luật ngân sách Nhà nước để thực hiện và chi phí lãi vay, Bộ Tài chính cho biết, thẩm quyền quyết định chi ngân sách cho cấp bù giá nước sạch đề nghị thành phố Hà Nội căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà nước báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo quy định phù hợp khả năng cân đối của ngân sách địa phương.
"Trong quá trình đầu tư, xây dựng, trường hợp chi phí vay phát sinh trong giai đoạn này đã được vốn hoá vào tài sản thì đã tính trong nguyên giá để khấu khao. Vì vậy, khi xác định giá nước sạch, đối với chi phí lãi vay cần loại ra phần chi phí lãi vay đã vốn hoá tránh tính trùng chi phí", Bộ Tài chính cho biết.
Về việc cấp bù cho các đơn vị bán lẻ, Bộ đề nghị tính toán đúng quy định trên cơ sở phương án giá tiêu thụ nước sạch của đơn vị bán lẻ, không xem xét cấp bù riêng với khoản chi phí mua nước từ Công ty CP nước mặt Sông Đuống. UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm về số liệu, phương án giá theo đúng quy định.
Theo Bộ Tài chính, trường hợp địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều đơn vị cấp nước, Bộ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án giá nước sạch cho từng đơn vị. Đồng thời, thẩm quyền phê duyệt phương án giá nước sạch và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt thuộc UBND cấp tỉnh.
Vì vậy, Bộ đề nghị UBND thành phố Hà Nội căn cứ điều kiện thực tế trên địa bàn thành phố và thực tiễn thực hiện trong thời gian qua để quyết định giá nước sạch sinh hoạt áp dụng chung cho các đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch hoặc giá cho từng đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch.
Trên cơ sở đó, căn cứ phương án giá tiêu thụ nước sạch được phê duyệt, biểu giá nước sạch sinh hoạt cụ thể do UBND thành phố ban hành, đơn vị cấp nước quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác ngoài mục đích ngoài sinh hoạt và bình quân gia quyền các mức giá nước sạch cho các mục đích bằng giá tiêu thụ nước sạch bình quân được phê duyệt tại phương án giá.
Những ngày gần đây, truyền thông đưa tin về việc Công ty CP nước mặt Sông Đuống bán, phân phối nước sạch ở Hà Nội với lưu lượng hơn 100.000m3/ngày đêm.
Cụ thể, tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của Công ty CP nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc chấp thuận tạm tính giá này cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của TP Hà Nội đang áp dụng.
Vấn dề này cũng đã được đưa ra tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội ngày 12/11. Theo đó, trả lời câu hỏi về những thông tin liên quan đến giá nước của Công ty CP nước mặt Sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, việc xác định giá 10.246 đồng/m3 chỉ là mức tạm tính tối đa, còn mức cụ thể sẽ được xác định sau khi nhà máy đi vào hoạt động và được quyết toán chính thức, khi đó chi phí sẽ được xác định một cách chính thức.
Trong thời gian tới, khi nhà đầu tư phải thực hiện triển khai quyết toán dự án và sẽ có kiểm toán đối với dự án đầu tư này, sau khi đơn vị quyết toán sẽ xác định được các chi phí chính thức và khi đó sẽ xác định được chính xác giá thành sản xuất của Công ty sông Đuống.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao giá nước sông Đuống lại cao hơn sông Đà, ông Hà lý giải về nguyên tắc tính giá của các đơn vị là giống nhau, đều được thực hiện trên cơ sở Nghị định 117 và Thông tư 75, nhưng giữa các nhà máy có các yếu tố khác nhau. Thứ nhất là công nghệ của nhà máy khác nhau dẫn tới hiệu suất đầu tư của các nhà máy là khác nhau. Thứ hai là chất lượng nguồn nước thô vào khác nhau, chất lượng sông Đà khác và nước sông Đuống khác dẫn tới có sự lệch giá.
Nhà máy nước sạch sông Đuống có công suất 300.000m3/ngày đêm, nếu tính nhà máy này vận hành mỗi ngày 100% công suất thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ mỗi ngày 3 tỷ đồng. Nếu vận hành 50% công suất, thì Hà Nội bù lỗ khoảng 1,5 tỷ đồng/ngày.
Giá mua buôn của nhà máy nước sống Đuống là 10.264 đồng/m3 trong khi giá nước sạch tối thiểu hiện nay bán lẻ chỉ 5.973 đồng/m3. Như vậy, mỗi năm Hà Nội có thể phải bù lỗ lớn hơn nếu nhà máy Sông Đuống được vận hành tối đa công suất và giá bán lẻ nước không tăng.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nước sạch sông Đà cho biết, hiện công ty đang cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3. Như vậy, với giá bán lẻ hiện nay, Hà Nội thu lãi nếu tiêu thụ nguồn nước của sông Đà.