• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho báo chí trao đổi trực tiếp về hội nhập quốc tế và UNESCO

Thế giới 30/06/2020 20:39

(Tổ Quốc) - Phục vụ công tác thông tin tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật giai đoạn 2017-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị thường niên cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế và UNESCO ngày 30/6 tại Hà Nội.

Đến dự tại hội nghị, về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế Triệu Minh Long và Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Đinh Tiến Dũng và các diễn giả là Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương Phạm Quỳnh Mai; Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao Mai Phan Dũng và Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cùng đại diện nhiều bộ, ngành và các phóng viên, biên tập viên chuyên trách về hội nhập quốc tế và UNESCO.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định các diễn giả đều là các chuyên gia, nhà quản lý có kiến thức chuyên sâu, có bề dày kinh nghiệm, đã và đang tham gia trực tiếp trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại, phổ biến kiến thức và UNESCO nói riêng. Hội nghị này là là cơ hội để đại diện nhiều bộ, ngành và các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí gặp gỡ, giao lưu, trao đổi trực tiếp về cơ chế cung cấp, chia sẻ thông tin, từ đó góp phần tăng cường hiệu quả, làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập quốc tế và hoạt động của UNESCO.

Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho báo chí trao đổi trực tiếp về hội nhập quốc tế và UNESCO - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Kim Quý.

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chia sẻ về chủ đề Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Triển khai đối ngoại đa phương trong tình hình mới. Ông Đỗ Hùng Việt khẳng định việc tham gia Hội đồng Bảo an của Việt Nam là một quyết định mang tính chiến lược, phản ánh xu thế khách quan về nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam cũng như vị thế ngày càng đi lên của đất nước, là bước triển khai đường lối đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho báo chí trao đổi trực tiếp về hội nhập quốc tế và UNESCO - Ảnh 2.

Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Kim Quý.

Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt cũng cho biết, trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020, Việt Nam đã chủ trì, điều hành công việc định kỳ và đột xuất, trong đó có việc: xây dựng và thông qua chương trình làm việc; chủ trì các cuộc họp chính thức và tham vấn kín của HĐBA; thúc đẩy thương lượng và chủ trì thông qua các quyết định của HĐBA; chủ trì làm việc giữa các nước thành viên HĐBA với Tổng thư ký LHQ; Duy trì quan hệ phối hợp thường xuyên với báo chí sở tại và quốc tế; Thay mặt HĐBA thông tin cho báo chí sau các cuộc họp, duyệt ký và cho lưu hành các tài liệu, văn bản quan trọng của HĐBA trên cương vị Chủ tịch.

Đặc biệt, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức hai sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của LHQ, cộng đồng quốc tế và tạo dấu ấn của Việt Nam tại HĐBA gồm: Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề "Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình về an ninh quốc tế" và Phiên họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN.

Trong phần chia sẻ về tình hình đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương Phạm Quỳnh Mai đã cung cấp thông tin chung về các FTA của Việt Nam, nhấn mạnh 2 hiệp định quan trọng và có quy mô bao trùm rộng là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Nêu ra cơ hội của Việt Nam khi kí kết được các hiệp định thương mại quan trọng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tái cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa có thế mạnh, đem lại giá trị gia tăng cao hơn; thu hút FDI mới cũng như việc tiếp cận chuyển giao công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu và nâng cao năng lực của các thành phần trong nền kinh tế, bà Phạm Quỳnh Mai cũng nêu ra những thách thức như xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên; xu hướng tái định hình các mối quan hệ kinh tế quốc tế; một số thị trường đối tác FTA như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ có tính bổ sung thấp, khó tiếp tục khai thác hiệu quả; khả năng tận dụng ưu đãi của FTA chưa cao; sức ép cạnh tranh đối với hàng hoá, dịch vụ trong nước và chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ chưa cao.

Trên cơ sở đó, bà Phạm Quỳnh Mai đưa ra 5 khuyến nghị là: Xác định kế hoạch tổng thể; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin phù hợp; nâng cao vai trò tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp và hoàn thiện xây dựng pháp luật, thể chế.

Trong phiên làm việc tiếp theo về UNESCO, ông Mai Phan Dũng đã thông tin về các hoạt động trọng tâm của Uỷ ban quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam. Thời gian qua, UBQG UNESCO Việt Nam tham gia vào nhiều cơ chế, nhóm làm việc về các vấn đề quan trọng của UNESCO, đóng góp vào công việc chung cuả tổ chức, trong đó có các chiến lược, chương trình lớn như Chiến lược chuyển đổi của UNESCO, Chiến lược trung hạn 2022 – 2029, việc sửa đổi Hiến chương của UNESCO và quy định hoạt động của các cơ quan điều hành và cơ quan chuyên môn của UNESCO. Việt Nam cũng có đại diện đảm nhiệm 1 số vị trí quan trọng tại các tổ chức chuyên môn của UNESCO như Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch chương trình Hải dương học Tây Á – Thái Bình Dương.

Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho báo chí trao đổi trực tiếp về hội nhập quốc tế và UNESCO - Ảnh 3.

Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao Mai Phan Dũng cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi về các hồ sơ di sản của Việt Nam. Ảnh: Kim Quý.

Trong năm 2019, Ban thư kí UBQG UNESCO Việt Nam đã xây dựng kế hoạch ứng cử vào các vị trí quan trọng tại UNESCO trong thời gian từ nay đến 2030 như Ứng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021 – 2025; vào ủy ban Liên chính phủ công ước 1972 về bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa nhiệm kỳ 2023 – 2027 hoặc 2025 – 2029; vào Uỷ ban Liên chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022 – 2026; vào Uỷ ban Liên chính phủ công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021 – 2025 hoặc 2023 – 2027.

Về chiến lược của UNESCO tại Việt Nam 2020 – 2021, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã nêu ra khung hợp tác của UNESCO với Việt Nam dựa trên 4 chủ đề chính là học tập vì tương lai; khoa học vì sự phát triển bền vững; đặt văn hóa ở trung tâm của sự phát triển và thúc đẩy phát triển xã hội qua truyền thông.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ