• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Bộ Công Thương “khất” trách nhiệm 5 siêu dự án thua lỗ nghìn tỷ

Kinh tế 15/11/2016 10:20

(Tổ Quốc) -Nguyên nhân đã được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra, nhưng việc làm rõ trách nhiệm thì xin được trả lời ở các kỳ họp sau.

 Sáng nay (15/11), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh là người đầu tiên đăng đàn Quốc hội để trả lời hàng loạt câu hỏi chất vấn về các vấn đề "nóng" mà đại biểu đại biểu đặt ra: 5 siêu dự án không hiệu quả, việc xả lũ thủy điện gây thiệt hại cho người dân, tình trạng phân bón giả... Đây cũng là những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm trong thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bên lề phiên chất vấn (ảnh: Nam Nguyễn)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trước khi đăng đàn đã có những lời tâm huyết trước Quốc hội. Ông cho biết dù chỉ mới đảm nhận chức vụ được 7 tháng nhưng bản thân đã đã nỗ lực, cống hiến. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế so với yêu cầu đặt ra.

“Chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp đầy đủ rõ ràng những vấn đề được đề cập đến, những vấn đề chưa rõ nhưng thuộc một phần trách nhiệm của Bộ, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ khác để trả lời”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) yêu cầu Bộ trưởng làm rõ những sai phạm của cá nhân, tập thể… cũng như trách nhiệm của Bộ Công Thương

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về những vấn đề kém hiệu quả của các dự án chậm tiến độ, gây thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng làm rõ những sai phạm của cá nhân, tập thể… cũng như trách nhiệm của Bộ Công Thương, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý đầu tư….

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đối với 5 dự án thua lỗ, tồn đọng, nhiều vướng mắc trong triển khai thực  hiên. "Bộ Công Thương thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo đánh giá sơ bộ. Nhưng tôi hiểu đại biểu còn muốn làm rõ hơn nữa".

Năm dự án này đều được xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư và thực hiện theo Luật đầu tư từ năm 2003 và kéo dài đến nay.

Trong từng lĩnh vực và dự án cụ thể, do tính chất đặc thù ngành thì có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng điểm chung, đó là các dự án đều kéo dài so với thẩm định phê duyệt, ví như: dự án Sơ Sợi Đình Vũ, xăng Methanol, dự án Đạm Ninh Bình… Trong đó, dự án Đạm Ninh Bình không những bị kéo dài mà còn không quyết toán được …

“Điểm chung của các dự án này là đều rơi vào thời điểm, bối cảnh biến động của thị trường thế giới. Đến khi kéo dài quá lâu so với thời gian được thẩm định, phê duyệt đầu tư, dẫn đến bị ảnh hưởng của thị trường thế giới như biến động về dầu khí, sản phẩm dầu, dầu thô giảm giá mạnh…, ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi, hiệu quả của dự án.

Vi dụ Đạm Ninh Bình sản xuất đạm từ than….thì không thể cạnh tranh nổi với các nhà máy đạm sản xuất từ khí. Hoặc dự án Sơ sợi Đình Vũ thì không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm có giá thành thấp từ nước ngoài vào”, Bộ trưởng ví dụ.

"Với sự vi phạm, cố tình làm sai chắc chắn sẽ phải được xem xét kể cả với trách nhiệm hình sự”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định

Về hạn chế tồn tại, Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tồn đọng, vi phạm và vướng mắc còn là do năng  lực của chủ đầu tư, mà ở đây khẳng định là do phân cấp pháp lý. Các tập đoàn, tổng công ty 91 khi được phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ đều là đơn vị trực tiếp thực hiện quản lý về dự án đầu tư. Và đối với các chủ đầu tư thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong phê duyệt về phương án đầu tư, nội dung cụ thể của báo cáo khả thị đó, kể cả về công nghê và tổ chức thực hiện, đầu tư, tư vấn giám sát nhà thầu… Thêm nữa là năng lực còn hạn chế, kể cả của Ban Quản lý dự án cũng như của các đối tượng trực tiếp tham gia dự án như: Đạm Ninh Bình, Sơ sợi Đình Vũ…

Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ chính năng lực của chúng ta trong tổ chức đàm phán ký kết hợp đồng để thực hiện các dự án này, khả năng thực hiện của các nhà thầu, trong đó có các nhà thầu nước ngoài.

“Chính sự hạn chế trong nguồn nhân lực và điều kiện của chúng ta đã khiến dự án bị kéo dài. Việc thực hiện không suôn sẻ, không đúng... theo quy định, theo nội dung của dự án đầu tư”.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình thực hiên, các dự án có nhiều vướng mắc lớn, thậm chí liên quan đến các nhà thầu nước ngoài thì đã đòi hỏi sự can thiệp của các bộ quản lý, của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Tuy nhiên, các giải pháp đó cũng không mang lại hiểu quả vì nhiều lý do.

Chinh vì vậy đến nay các dự án Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình, Xăng sinh học… đều có những tồn tại vướng mắc là hiệu quả kinh tế không còn.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quan điểm của các bộ ngành là khi tổ chức đánh giá các dự án này chúng ta phải đánh giá đầy đủ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Căn cứ vào các quy định chung của pháp lý để làm rõ những trách nhiệm.

Về trách nhiệm, Bộ trưởng cho biết, cần làm cẩn trọng theo đúng khung khổ pháp lý. Cần đánh giá đúng theo những giai đoạn cụ thể, để xem xét trách nhiệm các cấp, chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân.

“Trong phần báo cáo, chúng tôi đã đánh giá có sự cố tình làm sai, không đúng quản trị của các dự án, việc này sẽ được làm rõ trong thời gian tới. Một số dự án có kết luận thanh tra Chính phủ, kiểm toán Nhà nước, Thanh tra bộ Tài chính, thanh tra Bộ Công Thương sẽ tổng hợp đầy đủ để báo cáo với Chính phủ.

Với sự vi phạm, cố tình làm sai chắc chắn sẽ phải được xem xét kể cả với trách nhiệm hình sự”, Bộ trưởng khẳng định.

Nhận định Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời trôi chảy nhưng ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đã tái chất vấn.

Đại biểu này cho rằng, Bộ trưởng chưa trả lời về trách nhiệm của nhà nước trong việc đầu tư vốn nhà nước gây ra thua lỗ, quản trị doanh nghiệp tại các dự án như thế nào. “Bộ trưởng chưa đi thẳng vào vấn đề này, tôi thấy rất lo ngại và không ổn chút nào. Tại sao tiền của nhà nước, tiền thuế của dân lại có thể khoán trắng cho các chủ đầu tư như vậy. Vậy trách nhiệm của các Bộ ở đâu?”

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các dự án này đã kéo dài từ lâu rồi, vào những thời điểm mà các tập đoàn và Tổng công ty 90, 91 còn chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, không có vai trò của Bộ chủ quản.

Và vì kéo dài nên quá trình đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm từng khâu, từng bộ phận như thế nào, đối chiếu với khung pháp lý thì cần phải có thời gian.

“Với sự lo lắng của Đại biểu chúng tôi hết sức chia sẻ, sau năm 2012, Nghị định 99 được ban hành, từ đó có thể xem xét trách nhiệm các bộ chủ quản”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trần tình.

Với trách nhiệm các chủ doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, hiện đã có khung khổ pháp lý cụ thể, các dự án sẽ có sự hướng dẫn cụ thể, xem xét trách nhiệm làm sai tới đâu, dù cố tình hay vô tình.

“Về trách nhiệm như thế nào thì chúng tôi cần thời gian để hoàn tất các công việc này, báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ để có giải pháp xử lý. Bên cạnh đó là việc xây dựng phương án xử lý tồn tại. Trong các kỳ Quốc hội sau, chúng tôi tiếp tục báo cáo cụ thể về các dự án này khi đã điều tra, đánh giá xử lý dứt điểm”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “khất”.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ sẽ có báo cáo cụ thể về các dự án này để làm rõ thêm./.

Hà Giang – Song Đào

Ảnh: Nam Nguyễn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ