(Tổ Quốc) - Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh dù chương trình nông thôn mới có thể đạt chỉ tiêu này, chưa đạt chỉ tiêu kia nhưng quan trọng nhất là phải đưa các vùng nông thôn trở nên "đáng sống".
Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trong Kỳ họp 1, Quốc hội khóa XV, có 156 ý kiến phát biểu tại thảo luận tổ và 16 ý kiến phát biểu tại hội trường (do giới hạn về thời gian). Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng đây là những áp lực rất lớn với Bộ và cá nhân ông.
"Như đại biểu Quốc hội đã phát biểu, mục tiêu cuối cùng của chương trình nông thôn mới của chúng ta - có thể nói là chỉ tiêu này đạt được, chỉ tiêu kia không đạt được - nhưng quan trọng là làm sao nông thôn là nơi mà chúng ta đáng sống, nơi chúng ta đáng tìm đến và nơi chúng ta quay về", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Hình ảnh hàng nghìn, hàng triệu người trở lại quê hương khi Covid-19 hoành hành tại các thành phố đã phần nào nói lên vai trò của các vùng nông thôn trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điểm cần phải đạt được để đạt được "nông thôn mới".
"Câu chuyện bền vững liên quan tới thu của nhập người dân, liên quan tới sinh kế của người dân. Tôi nghĩ rằng một trong những cái bẫy trong thời gian vừa qua chính là từ tên của chương trình là ‘xây dựng nông thôn mới", ông Lê Minh Hoan nói.
Theo Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương hay chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở cho thấy chữ "xây dựng" nghĩa là thiên về hạ tầng, là cầu, đường, trụ sở, v.v.. bởi vì xây dựng liên quan tới công trình. Bộ trưởng Hoan cho rằng điều này bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế.
Nếu 5 năm trước cũng trồng 1 hecta lúa, 5 năm sau cũng trồng 1 có hecta lúa như truyền thống thì không thể nào tăng thu nhập lên 1,5 lần. Nếu hỗ trợ cho người dân vay tiền để giảm nghèo để mà sản xuất ra một mặt hàng nào đó mà không kết nối được bà con tới thị trường thì cũng không thể nào nâng cao thu nhập gấp 1,5 lần, Bộ trưởng Hoan nói.
Chính do thực tế đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh những giá trị mới của chương trình mới được trình với Quốc hội chính là tiếp tục phát triển hạ tầng để tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với các tiện ích của đô thị đồng thời chú trọng hơn những giá trị mềm, những những giá trị mới.
"Chủ tịch Quốc hội đã kết luận ở trong cuộc họp vừa rồi là làm sao phải gắn kết được, cơ cấu lại ngành nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu lại nông nghiệp chính là động lực; xây dựng nông thôn mới là nền tảng và nông dân là chủ thể", ông Hoan nói.
Ông Hoan cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Trong đó chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng để tạo ra được động lực phát triển nông thôn như các vị đại biểu cũng đã phát biểu.
"Tôi nghĩ rằng tư duy chúng ta bắt đầu là tư duy bền vững, là tư duy nâng cao chất lượng sống, nâng cao thu nhập và bằng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, gắn với chuỗi ngành hàng từ công nghệ sau thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường, vì chính chỗ đó mới là bền vững", ông Hoan nói.
Ngoài ra, cũng cần xây dựng bản sắc văn hóa, hồn cốt của nông thôn để có giá trị mới. Theo đó, nông thôn mới sẽ mang những tiện ích như đô thị, nhưng hồn cốt là hình thành không gian sống và không gian sản xuất như vẫn tồn tại cả nghìn năm nay.
Việc đưa tri thức tới với những người nông dân cũng được đề cao. Hình ảnh người dân lên mạng bán nông sản trong thời Covid-19 được chỉ ra như một ví dụ về cách người nông dân, dùng tri thức mới để tìm giải pháp cho vấn đề của mình.
Rút kinh nghiệm từ chương trình lần trước, Bộ trưởng Hoan cho biết chính đội ngũ ở lãnh đạo cấp xã mới quyết định sự thành công của việc đưa những "giá trị mềm" và đời sống người nông dân. Cán bộ xã được xác định là những người gần gũi nhất với người nông dân, có nhiều mối quan hệ thân thiết hơn chỉ là công việc, điều có thể giúp thay đổi tập quán của bà con.
"Tôi nghĩ rằng sắp tới chúng tôi cũng sẽ có một chương trình tập huấn riêng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã để tiếp cận được những giá trị mới của chương trình", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.