• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không thể để doanh nghiệp nước ngoài đi một đường, doanh nghiệp Việt Nam đi một nẻo

Kinh tế 26/07/2020 20:22

(Tổ Quốc) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải nhiều rào cản, chưa có sự liên kết và còn đang hoạt động rời rạc. Đây là những yếu tố không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp mà còn giảm hiệu quả FDI.

Trong Hội nghị “Hỗ trợ DN phát triển chuỗi giá trị bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng chỉ ra các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rụt rè, thiếu tự tin và vẫn còn thận trọng, khi nào phải chắc chắn mới dám làm. 

Không thể để 2 khu vực doanh nghiệp độc lập nhau

Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải nhiều rào cản về mặt tâm lý, về hợp pháp hoá. Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước chưa có sự liên kết và còn đang hoạt động rời rạc. Đây là những yếu tố không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững mà còn giảm hiệu quả FDI.

Ông Nguyễn Chí Dũng nhận xét, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp một phần đáng kể trong sự phát triển. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn của FDI đối với Việt Nam là thiếu tính lan toả, liên kết các doanh nghiệp với nhau.

Nhiều chuyên gia đã nhận xét rằng: "Không thể để nền kinh tế có hai khu vực doanh nghiệp độc lập nhau". Ông Dũng cho rằng, cần phải xem xét kỹ về nhận định này: "Không thể để doanh nghiệp nước ngoài đi một đường, doanh nghiệp Việt Nam đi một nẻo". 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định việc tăng cường liên kết để các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, chủ động tham gia vào chuyển dịch và phát triển hơn trong tài chính toàn cầu là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay. Sự phát triển của các doanh nghiệp tài chính cùng với sự hỗ trợ từ các địa phương, của các hiệp hội có ý nghĩa rất quan trọng trong định hướng của Nhà nước.

Ông Dũng cho biết, trước làn sóng dịch chuyển đầu tư hiện nay, chúng ta cần phải đặt ra các thoả thuận đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần lên kế hoạch tiếp cận mới công nghệ mới, các phương thức tham gia vào thị trường tài chính.

Vì thế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, tạo tác động lan toả, gắn kết với các doanh nghiệp Việt Nam, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không thể để doanh nghiệp nước ngoài đi một đường, doanh nghiệp Việt Nam đi một nẻo - Ảnh 1.

Cơ hội từ Covid-19

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới đem lại cơ hội thị trường để các doanh nghiệp trong nước hình thành các chuỗi phát triển liên kết mới. Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận và xác định lại năng lượng thực sự, sức chống chịu và khả năng thích nghi trước những biến đổi thị trường. Từ đó, các doanh nghiệp có thể tái cấu trúc, đầu tư hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, hiện nay, các quốc gia trên thế giới cũng đang tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn thị trường nhất định. Từ đó dẫn đến xu hướng nhiều doanh nghiệp FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thoả mãn các điều kiện hiệu quả an toàn. 

Bên cạnh sự dịch chuyển do yêu cầu của thị trường, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA mà Việt Nam đã ký kết sẽ chính thức có hiệu lực trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới các trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn.

Tuy vậy, tình hình dịch bệnh nền kinh tế trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các quốc gia đối tác quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều các nguy cơ tiềm ẩn và khả năng tiếp cận với các chuỗi giá trị vẫn chưa thể chắn chắn. Điều này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Các Hiệp định thương mại tự do mới sẽ đem lại những thay đổi kèm theo rất nhiều thách thức đối với Việt Nam. "Nếu các doanh nghiệp không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ bị thua ngay trên chính sân nhà của chúng ta", ông Dũng nói.

Ông cho biết thêm, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không lớn dần, không vươn lên thì các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư sẽ không tạo ra liên kết. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ hưởng hết những lợi thế, thậm chí sẽ hưởng luôn thị trường mà Việt Nam ký kết với các Hiệp định thương mại.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định đây là cơ hội ngàn vàng để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phát triển ở thị trường Việt Nam mà còn có cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị quốc tế, bằng việc mua lại một phần hoặc toàn bộ các công ty với giá trị có thể đang rất rẻ trên thị trường hiện nay. 

Trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang ẩn chứa nhiều biến động khó lường, việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các giá trị bền vững được coi là một trong những yếu tố quyết định con đường tăng trưởng kinh tế đất nước. 

Đây là mục tiêu hành động rất đúng thời điểm và có ý nghĩa thực tiễn không chỉ đối với cả cộng đồng doanh nghiệp mà còn đối với chính các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

Q.L

NỔI BẬT TRANG CHỦ