(Tổ Quốc) - "Không thể chấp nhận được những hành vi như thế này xảy ra trong môi trường giáo dục" là câu nói đầu tiên được nhiều chuyên gia tâm lý, các nhà giáo, những bậc phụ huynh dùng nhiều nhất khi nói về sự việc cô giáo phạt học sinh 231 cái tát.
Hơn 10 ngày xảy ra sự việc, mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng vì tại sao một hành vi phản giáo dục như vậy lại xảy ra trong ngành giáo dục.
Ảnh minh họa
Trong buổi tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định sáng ngày 28/11, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng về việc cô giáo dùng hình phạt cho học sinh tát bạn 230 cái tại Quảng Bình và cho rằng đây là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.
Trước băn khoăn về tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt gần gây là việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy ở Quảng Bình phạt cho học sinh tát bạn và cô này cũng trực tiếp tát học sinh này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Việc cô giáo dùng hình phạt cho học sinh tát học sinh 231 cái tại Quảng Bình là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo" và bày tỏ: "Bản thân tôi rất buồn khi trong ngành xảy ra hiện tượng như thế. Quan điểm của Bộ là không thể chấp nhận trong đội ngũ những giáo viên này. Cụ thể, ngay sau khi biết sự việc, đồng chí Thứ trưởng phụ trách đã thay mặt lãnh đạo Bộ bày tỏ quan điểm trên báo chí và chỉ đạo Sở GDĐT địa phương kiểm tra, xử ký và có báo cáo về Bộ", báo Lao động thông tin tại cuộc họp.
Cũng theo Bộ trưởng, đây là vụ việc ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành, niềm tin của xã hội vào đạo đức của nhà giáo, trong khi phần lớn các thầy, các cô tận tụy với nghề, yêu thương học sinh, thậm chí, hàng chục ngàn giáo viên vùng sâu vùng xa, hy sinh cả tuổi thanh xuân, chấp nhận khó khăn, gửi con mình về quê, coi học sinh như con đẻ, để dạy dỗ chăm sóc các con... Xã hội ngày càng văn minh, thì đương nhiên càng phải sớm nói không với bạo lực. Và môi trường nhà trường phải đi đầu trong việc loại bỏ bạo lực. Nhưng không chỉ riêng vụ này, thời gian qua, dư luận xã hội rất quan tâm và lo ngại về bạo lực học đường. Đó là một thách thức với ngành giáo dục. Bộ trưởng rất mong sự vào cuộc của các đơn vị chức năng, của từng phụ huynh học sinh, từng em học sinh... để cùng chung tay xây dựng một môi trường học đường lành mạnh hơn.
Liên quan tới vụ việc gây bức xúc trong dư luận suốt hơn 10 ngày qua, bắt đầu từ ngày 19/11, khi một học sinh lớp 6 tại trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có những lời nói không phù hợp trong lớp và bị giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy phạt với hình thức yêu cầu các học sinh cùng lớp tát bạn, mỗi học sinh tát 10 cái, tổng cộng là 230 cái, không dừng ở đó, cô giáo này còn tát mạnh thêm 1 cái khiến học sinh này sau đó phải nhập viện.
Vì hành vi này, ngày 24/11, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã yêu cầu Sở GDĐT Quảng Bình kiểm tra, xử lý và có báo cáo sớm nhất về Bộ. Cùng ngày, Phòng GDĐT huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã ký công văn tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy. Và ngày 26/11, Công an huyện Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS, Quyết định đã được gửi sang viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để xử lý.
Theo dõi diễn biến sự việc, thực sự một cảm giác đến giờ vẫn còn là cảm thấy "buồn". Không chỉ có buồn, tôi còn cảm thấy lo lắng, bởi nhiều vụ việc xảy ra trong ngành giáo dục gần đây chỉ được báo chí phản ánh và những cách xử lý của các cơ quan chức năng cũng chỉ dừng lại ở mức vụ việc mà chưa thấy một cách giải quyết hay một chương trình hành động nào mang tính thay đổi căn bản, lâu dài...
Xã hội ngày càng phát triển, đi cùng với đó con người cũng ngày càng phải phát triển, thay đổi theo để đáp ứng những đổi mới của xã hội. Vì thế vị trí và vai trò của từng người trong xã hội cũng cần phải quan tâm và có những sự đầu tư phù hợp. Thế nhưng danh sách các vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục vẫn ngày một dài thêm, tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn. Bên cạnh hình ảnh các giáo viên - những tấm gương tiêu biểu của ngành giáo dục, được tuyên dương trong ngày Nhà giáo Việt Nam thì trên mặt các cơ quan báo chí tràn ngập những hình ảnh xấu xí - những 'tấm gương' tiêu biểu cho sự đi xuống của giáo dục chạy theo thành tích, 'căn bệnh' vẫn tồn tại trong nhiều trường học hiện nay.
"Không thể chấp nhận được những hành vi như thế này xảy ra trong môi trường giáo dục" là câu nói đầu tiên được nhiều chuyên gia tâm lý, các nhà giáo, những bậc phụ huynh dùng nhiều nhất khi nói về sự việc này. Sự phẫn nộ, bức xúc trong dư luận xã hội cũng đã ở một mức độ cao hơn như vậy thì lẽ nào ở tầm quản lý, các lãnh đạo ngành cũng vẫn chỉ dừng lại ở tầm bày tỏ cảm xúc mà có lẽ một từ "buồn" không thể nói lên điều gì cả ngoài "buồn"!