• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Bóc tách" thông điệp tên lửa Triều Tiên gửi tới Hàn Quốc và xa hơn nữa

Thế giới 27/07/2019 13:53

(Tổ Quốc) - Hàn Quốc có phải là mục tiêu thực sự cho vụ phóng thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên?

Trang Bloomberg nhận xét, mặc dù Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên là nhằm vào "những kẻ hiếu chiến tại Hàn Quốc", nhưng Bình Nhưỡng đã gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump một thông điệp rõ ràng rằng: hãy đàm phán hạt nhân hoặc sẽ có thêm nhiều hành động khiêu khích tiếp theo.

Một ngày sau khi Hàn Quốc đưa tin Bình Nhưỡng đã phóng đi hai quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho hay, nhà lãnh đạo Kim coi sức mạnh của "vũ khí dẫn đường chiến thuật loại mới" là một "cảnh báo đanh thép" cho Seoul. Trong khi không trực tiếp đề cập tới Mỹ hay Tổng thống Trump, tuyên bố của Triều Tiên đã nhắc tới "những động thái triển khai vũ khí tấn công hiện đại" và "tổ chức tập trận quân sự" của Hàn Quốc như lý do khiến Bình Nhưỡng không thể không phản ứng.

16524234-7287271-image-a-3_1564123277072

Chủ tịch Kim Jong-un được cho là đã đích thân quan sát vụ phóng tên lửa vào rạng sáng ngày 25/7 (giờ địa phương)

"Những gì tôi hiểu về bản tin này là 'việc nổ súng chứng minh sức mạnh' nhằm vào cả Mỹ và Hàn Quốc", Rachel Minyoung Lee, một nhà phân tích của NK Pro nhận định. "Với việc không nhắc tới Mỹ trong bản tin, Triều Tiên cho thấy vẫn muốn nói chuyện với Mỹ".

Theo Bloomberg, vụ thử nghiệm tên lửa là một phần trong loạt động thái thể hiện sự không hài lòng của Chủ tịch Kim Jong-un với Washington, chỉ vài tuần sau khi ông đồng ý nối lại quá trình đàm phán trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump tại khu vực phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên vào cuối tháng 6 vừa qua.

Cùng lúc, ông Kim đang nỗ lực gìn giữ mối quan hệ với ông Trump, tránh để nhà lãnh đạo Mỹ khỏi bị chỉ trích và chỉ thử nghiệm các vũ khí không vi phạm cam kết (là không phóng tên lửa có thể bay tới Mỹ).

Chiến lược trên có vẻ như đã được Tổng thống Trump xác nhận trong một cuộc phỏng vấn truyền hình vào thứ năm (25/7). "Họ thực sự chưa thử nghiệm các tên lửa khác, ngoài loại nhỏ hơn", ông Trump nói trên Fox News.


Tuy nhiên, hai tên lửa phóng đi từ Triều Tiên vào rạng sáng cùng ngày lại có thể đe dọa toàn bộ Hàn Quốc, nơi có khoảng 28.500 lính Mỹ đang đóng quân, đồng thời vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Chúng được phóng đi chỉ vài giờ sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton rời Seoul. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chia sẻ với Bloomberg News rằng, cánh cửa ngoại giao cho Triều Tiên vẫn mở, bất chấp các vụ phóng tên lửa và ông hy vọng các cuộc đàm phán cấp sự vụ sẽ được bắt đầu trong tháng sau.

Gần một tháng sau khi hai ông Kim và Trump tuyên bố nối lại đàm phán, các đội ngũ thương lượng của các bên vẫn chưa gặp mặt để thỏa thuận về hiệp định mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được vào năm ngoái, là cùng hợp tác "hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Hai bên hiện đang bị chia rẽ về quy mô của các bước giải giáp vũ khí do Chủ tịch Kim đưa ra với tốc độ dỡ bỏ trừng phạt được Mỹ đề xuất.

Từ những hình ảnh Triều Tiên công bố về vụ phóng thử, giới chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng đã phóng đi các tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn tầm ngắn KN-23, có hình dạng giống như tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Iskander của Nga.

Hai tên lửa đã bay ít nhất 600 km, với vận tốc có thể giúp chúng tránh được các hệ thống chặn tên lửa của Mỹ hiện đang có mặt trên bán đảo Triều Tiên. So với cuộc thử nghiệm hồi tháng 5, các tên lửa lần này bay được xa hơn trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

16526060-7287271-image-a-26_1564127728485

Triều Tiên muốn gửi thông điệp tới Hàn Quốc hay Mỹ?

Vụ phóng thử được cho là sẽ đem tới các vấn đề đối nội cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã coi mục tiêu cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng là một trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình. Cụ thể hơn, nó ép ông Moon phải tìm cách cân bằng giữa các đòi hỏi về đảm bảo an ninh của Triều Tiên, với những nỗ lực duy trì liên minh từ Mỹ.

"Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như mối quan hệ của Triều Tiên với Mỹ đã có nhiều phát triển nhưng vẫn còn quãng đường dài phía trước", ông Moon phát biểu trong một sự kiện tại Văn phòng Tổng thống vào ngày 26/7. "Đó là tình huống mà chúng ta đang trải qua".

Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như mối quan hệ của Triều Tiên với Mỹ đã có nhiều phát triển nhưng vẫn còn quãng đường dài phía trước... Đó là tình huống mà chúng ta đang trải qua.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã tìm cách làm giảm vị thế quân sự của Mỹ trên báo đảo. Mong muốn này tỏ ra phù hợp với chính sách của Tổng thống Trump, thể hiện ở việc người đứng đầu nước Mỹ đồng ý giảm quy mô tập trận chung Mỹ-Hàn đồng thời chỉ trích chi phí duy trì liên minh quân sự với Hàn Quốc.

Tuyên bố của Triều Tiên là chính là ví dụ gần đây nhất về những đe dọa mà Bình Nhưỡng đưa ra nhằm vào các nỗ lực của Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận quân sự ở cấp độ thấp hoặc triển khai vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu F-35 tới bán đảo Triều Tiên.

"Tôi cho rằng, Triều Tiên đang cố gắng chấm dứt hoặc thu hẹp tập trận quân sự và giảm bớt tài sản quân sự của Mỹ", Duyeon Kim, một học giả cấp cao của Trung tâm vì một nền an ninh Mỹ mới, đánh giá.

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ