• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bon chen với cả người nghèo

Thời sự 09/11/2017 09:48

(Tổ Quốc) - Những trường hợp vợ cán bộ văn hóa xã, vợ phó bí thư Đảng ủy xã, rồi Chủ tịch xã và Phó chủ tịch xã nằm trong danh sách hộ nghèo để được hưởng lợi như người nghèo, cho thấy vì lòng tham mà con người không từ một thủ đoạn thấp hèn nào.

Từ nội dung tố cáo của người dân khi thấy không ít vợ “quan xã” thuộc xã Nga Thanh, Nga Sơn, Thanh Hóa nằm trong diện hộ nghèo, thanh tra đã vào cuộc và xác nhận thông tin tố cáo.

Theo kết luận thanh tra, vào tháng 11/2016, do cán bộ chính sách xã nghỉ sinh nên UBND xã Nga Thanh đã giao cho ông Mai Sỹ Thể, cán bộ văn hóa xã phụ trách thay. Và lợi dụng công việc được giao, ông Mai Sỹ Thể đã tự chèn ghép tên vợ mình là bà Phạm Thị Tươi vào hộ bà Trịnh Thị Hóa; đồng thời ghép tên bà Vũ Thị Sen - vợ ông Vũ Ngọc Tiến (chủ tịch UBND xã) vào hộ bà Nguyễn Thị Mận và ghép tên bà Trần Thị Hồng - vợ ông Phạm Hùng Mạnh (phó chủ tịch xã) vào hộ bà Lưu Thị Hiền. Việc ghép tên những người nói trên là do ông Mai Sỹ Thể tự làm không ai chỉ đạo.

Điều đáng nói là, nếu ông Mai Sỹ Thể không ai chỉ đạo làm mà tự ý điền tên vợ hàng loạt “quan xã” vào danh sách hộ nghèo có thể vì cá nhân ông muốn trục lợi, chỉ là mượn tên tuổi của người khác để hợp thức hóa. Nhưng không phải vậy, ngay cả những người “được” vào danh sách hộ nghèo cũng tham và tỏ ra đồng lõa với sự việc này.

Không những thế còn có cả trường hợp “thỏa thuận” – chủ động muốn được trở thành hộ nghèo của vợ Phó bí thư Đảng ủy xã – bà Mai Thị Loan với xóm trưởng xóm 3 – ông Trần Văn Khiêm.

Chưa cần bàn đến vợ các quan xã kể trên có giàu có hay không, hoặc giàu đến mức nào, nhưng chắc là họ không nghèo. Vì nếu nghèo thật thì chắc chắn họ đã nằm trong danh sách hộ nghèo của xã mà không vi phạm, không đáng bàn và trở thành câu chuyện được dư luận quan tâm.

Câu hỏi nữa cũng được nhiều người đặt ra là tại sao những người có trách nhiệm lên danh sách hộ nghèo lại chèn ghép tên các vợ các lãnh đạo cấp xã mà không phải người dân thường khác?. Phải chăng, họ nghĩ rằng sẽ dễ dàng qua mắt lãnh đạo xã?.

Ảnh minh họa. Tác giả: Vũ Thanh Hiền/báo Thể thao văn hóa.

Đói nghèo chưa bao giờ là niềm tự hào của mỗi người. Bởi đói nghèo thường cho thấy sự thiếu may mắn, kém cỏi… của cá nhân trước cộng đồng. Nhưng dù muốn dù không, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, vì nhiều lý do khác nhau, có thể vì thiên tai, bệnh tật… mà họ khánh kiệt, chưa có cơ hội vươn lên, thoát nghèo. Thế nên với mong muốn tốt đẹp, giúp cho người nghèo thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, ấm no… chúng ta đã có những chính sách ưu đãi dành riêng cho người nghèo như: hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, vay vốn lãi suất thấp, con em được miễn giảm học phí…

Chính vì chính sách ưu đãi này mà chúng ta đã từng có không ít những câu chuyện cười ra nước mắt về “chạy hộ nghèo” – người không nghèo mất tiền để được công nhận là hộ nghèo, người sau nhiều năm là hộ nghèo được hỗ trợ đã thoát nghèo nhưng không muốn thoát nghèo…

Nguyên nhân của câu chuyện không mấy vui vẻ trên là do thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo của Đảng ủy, UBND xã Nga Thanh đã để cho các cá nhân lợi dụng làm sai quy định. Bởi cứ cho là việc điền tên sai thì khâu thẩm định, rà soát chặt chẽ thì chắc chắn cái sai đó sẽ được phát hiện và ngăn chặn.

Trong số các vợ quan cấp xã nằm trong hộ nghèo, có người đã lợi dụng để được hưởng ưu đãi về vay vốn ngân hàng, bảo hiểm y tế. Sau khi thanh tra, những trường hợp sai này đã bị thu hồi. Được biết, căn cứ vào kết luận của thanh tra, tới đây những cá nhân tập thể liên quan đến sai phạm này cũng sẽ có hình thức kỷ luật. Một chiếc thẻ hay những đồng tiền mặt được phát ra, nếu phát hiện sai trái thì thu lại tưởng chừng hậu quả không quá lớn. Nhưng không, đằng sau đó là một sự mất mát còn lớn hơn những gì mắt thường có thể nhìn thấy được.

Đó là việc lợi dụng chính sách, lòng tham của con người đã không từ một thủ đoạn nào, từ dối trá đến thấp hèn – tranh phần của người nghèo, người chịu nhiều thiệt thòi, người mà cả xã hội dành cho sự sẻ chia, cảm thông và giúp đỡ.

Sự việc một lần nữa gây ảnh hưởng lòng tin của dân chúng, rằng ai cũng có thể trong phút chốc trở thành người nghèo nếu không có sự công tâm, trách nhiệm của người thực thi chính sách dành cho người nghèo.

Nếu không xử lý nghiêm, dư luận không lên án mạnh mẽ sự trục lợi này thì thật đáng xấu hổ, dễ làm tổn thương cả đến những người… không nghèo. Và biết đâu lại xảy ra những chuyện bi hài về vợ quan xã thời nay để “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ