• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

BOT Pháp Vân– Cầu Giẽ gian dối thu phí: Truy trách nhiệm đến cùng từng cá nhân

Kinh tế 26/07/2016 05:49

(Tổ Quốc) - Cựu ĐBQH Bùi Thị An: “Đề nghị các cơ quan quản lý, Bộ Giao thông – Vận tải vào cuộc làm rõ xem khoản thu chênh lệch hàng trăm tỷ đồng rơi vào túi ai?”

BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, tuyến đường có mật độ phương tiện cao nhưng doanh thu thu phí hàng tháng trung bình chỉ khoảng 35 tỷ đồng, có nghĩa là khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày. Điều đáng nói là con số thu thực tế mới được hé lộ, lên đến gần 2 tỷ đồng/ngày.

Sự việc gian dối trên đang khiến dư luận hết sức quan tâm và bất bình. Dưới đây là một số quan điểm của cựu ĐBQH, chuyên gia kinh tế, đại diện ngành vận tải:

Cựu ĐBQH Bùi Thị An: Thực ra, trên nghị trường, các ĐBQH cũng đã nói nhiều về các dự án BOT, đặc biệt là tại các trạm thu phí giao thông đường bộ.

Cựu ĐBQH Bùi Thị An: "Số tiền thu chênh lệch rơi vào túi ai?"  (Nguồn: giaoduc.net.vn)

Đối với BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ - Sự gian dối đã được công khai, minh bạch, như vậy là tốt! Bởi tôi nhớ có lần Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải  Bùi Hồng Trường không hiểu sao đã từng nói “rất khó công khai” về vấn đề này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao lại khai báo gian dối như vậy? Trong khi trước đó các trạm BOT thường luôn kêu lỗ.

Vậy khoản chênh lệch gần 600 triệu đồng/ngày vào túi ai? Làm gì với số tiền đó?  Không có lý do gì để biện hộ bởi làm ăn như vậy là không đàng hoàng.

Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà thu như thế này, chỉ dành lợi ích cho một nhóm mà không vì quyền lợi của người dân là không được.

Hiến pháp đã có câu: “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” mà lại để dân phải chịu thiệt thòi như  vậy là không được.  Vì thế, cần phải làm rõ sự gian dối này.

Tôi cho rằng, tuyệt đối không để dân phải chịu thiệt thòi thêm nữa. Thay vào đó, các cơ quan quản lý, Bộ Giao thông – Vận tải phải vào cuộc để làm rõ về vấn đề này.

Với mức thu phí như hiện nay thì chỉ một vài năm Công ty BOT Pháp Vân – Giầu Giẽ đã đủ hoàn vốn rồi. Chưa kể, doanh nghiệp này đã trốn thuế đối với khoản thu thực tế không công khai. Chúng ta không thể để cho doanh nghiệp muốn làm gì thì làm thêm nữa.

Sự việc nay đã được công khai. Người công khai là một chuyện nhưng tôi cho rằng, quan trọng hơn những người quản lý, người quản lý trực tiếp của Bộ Giao thông phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Chúng ta cần phải làm rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý  trong việc khai báo thiếu trung thực về thu phí tại BOT Pháp vân  -  Cầu Giẽ để đem lại lòng tin cho người dân.

Qua sự việc này, Nhà nước cần phải rà soát lại tất cả các dự án BOT giao thông, đặc biệt là các BOT giao thông đường bộ.

Từ quá trình rà soát này, chúng ta có thể kiểm tra lại vấn đề về chất lượng hoạt động cũng như kiểm tra, xem xét về việc thu phí đúng hay chưa? Có sai phạm gì hay không?

Ông Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Tôi rất quan tâm đến kết quả kiểm tra, giám sát thu phí. Hiện mức phí tăng cao đang là gánh nặng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Lê Đăng Doanh: "Không thể chấp nhận được việc dựa vào người dân để trục lợi"    (Nguồn: giaoduc.net.vn)

Ở các nước khác, trong đó có Thái Lan, các chi phí đều thấp hơn so với Việt Nam, trừ mức lương. Vì thế, trong bối cảnh hội nhập chúng ta càng cần phải giảm các loại phí, trong đó có phí BOT để tăng cạnh tranh.

Đối với sự thiếu trung thực trong kê khai thu phí tại trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, tôi cho rằng cần phải xem xét xem sự việc diễn ra bao lâu – trên cơ sở đó để quy trách nhiệm cho cá nhân liên quan.

“Đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải vào cuộc làm rõ trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc. Đồng thời, bộ này cũng cần phải thảo luận với nhà đầu tư rút ngắn thời gian thu phí hoặc giảm phí cho người dân bởi thực tế họ đã gian dối gần 600 triệu đồng/ngày. Không thể chấp nhận được việc dựa vào người dân để trục lợi cho nhóm lợi ích nào đó”.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:

Trong sự việc này, doanh nghiệp BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ và đơn vị quản lý của Bộ Giao thông – Vận tải đã đưa ra 2 kết quả thu phí khác nhau. Theo tôi, cần có một đơn vị kiểm chứng độc lập để có thể kiểm tra một cách khách quan.

Ông Bùi Danh Liên: "Cần phải truy đến cùng những cá nhân nào đã gây ra hệ luỵ"    (Nguồn: Internet)

Một số ý kiến cho rằng, nên để cho Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về quản lý thu phí. Nhưng theo tôi, bộ Tài chính hay bộ nào làm việc này thì cũng thế thôi. Vấn đề ở đây là đơn vị đứng đầu đã buông lỏng quản lý.

Chúng tôi mất lòng tin khi chính sách của Đảng, Nhà nước bị bóp méo khi đi vào thực thi.

Chẳng hạn, với mục tiêu ngăn lạm phát, hỗ trợ DN vận tải cùng người dân, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều thông tin chỉ đạo về việc không tăng phí BOT trên các tuyến đường . “Mạnh tay” hơn nữa với vấn đề này, tại Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ mới ký ban hành ngày 16/5 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT đồng thời đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp DN giảm chi phí…nhưng trạm BOT Mỹ Lộc đã “xé rào” và tăng phí.

Sự việc này đã khiến Chính phủ phải có ý kiến. Chứng tỏ các cơ quan quản lý của Bộ Giao thông – Vận tải có vấn đề về minh bạch.

Đối với sự gian dối trong thu phí của BOT Pháp vân – Cầu Giẽ, tôi cho rằng, cần phải giải quyết triệt để để làm gương cho các trạm thu phí khác, như cao tốc sân bay Long Thành sắp tới.

Cần phải truy đến cùng những cá nhân nào đã gây ra hệ luỵ này, dẫn đến thiệt thòi cho người dân và DN./.

Quỳnh Anh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ