• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cá kho An Vỹ

Du lịch 05/07/2016 16:21

(Tổ Quốc) - Điều thú vị ít người biết là trong mâm cỗ dâng gia tiên đầu năm mới ở nhiều gia đình tại xã An Vỹ, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) cùng với những món ăn tiểu biểu của ẩm thực dân tộc như: bánh chưng, gà, giò… , dứt khoát phải có đĩa cá kho.

Món cá kho An Vỹ nếu được thương mại hóa sẽ nổi tiếng không kém cá kho làng Vũ Đại, đặc biệt rất lâu thiu, ở sự công phu, cầu kỳ trong cách chế biến món ăn truyền thống này của người dân nơi đây!  

Với địa thế lắm ao, hồ, đầm, rạch, nằm ven sông Hồng, dòng sông lớn nhất nuôi dưỡng cả vùng đồng bằng Bắc bộ, Khoái Châu xưa kia phát tích nhiều món ăn đặc sắc từ các loại thủy sản. Nhắc đến huyện Khoái Châu của Hưng Yên chúng ta nghĩ ngay đến các món ăn đặc sản sông nước mà một trong số ấy là Cá kho An Vỹ.

Ảnh: vietnamdiscover.net

Món ăn bình dị ấy đã trở thành đặc sản không thể nào thiếu trong mỗi mâm cỗ của gia đình tại An Vỹ trong các dịp lễ, tết, hội hè. Một số trong các món ấy ngày nay đã trở thành đặc sản dâng cúng tổ tiên và không thể thiếu trong mâm cỗ. Không những thế, xã An Vỹ còn nức tiếng gần xa với đặc sản đậu phụ, với những bìa đậu to cỡ viên gạch chỉ, béo ngậy, thơm mềm.

Trước đây, người An Vỹ bắt đầu kho cá ăn tết từ 22 tết. Giờ việc kho cá được làm muộn hơn. Cá kho An Vỹ phải có giềng tươi thái mỏng, có xương lợn, phải là xương sườn, hoặc xương sống, chặt thành từng miếng vừa phải. Sau khi xếp một lượt xương lợn khá dày xuống đáy nồi, người ta xếp một lượt cá đã được cắt khúc, rắc một lớp mỏng giềng tươi, rồi cứ thế hết một lớp cá đến một lớp giềng. Xong xuôi đổ nước xăm xắp và bắc lên bếp đun. Khi nồi cá sôi đều thì bắt đầu chế nước tương đã lọc cặn đỗ, cặn gạo để miếng cá sau này đẹp và ngon hơn, rồi tiếp tục đun sôi kĩ.

Để cá kho thơm, ngon, thịt cá săn chắc mà ăn vẫn mềm và để được lâu thì sau một đêm lại chế nước tương, đun sôi kĩ rồi dừng lại. Cứ như thế nhiều lần, sau chừng 6-8 ngày thì dừng đun và ủ cá thật kỹ. Việc chế nước tương phải hết sức khéo léo, bảo đảm cá không bị mặn và đến ngày đun cuối cùng, nồi cá phải cạn sạch nước, các miếng cá phải khô ráo…

Đĩa cá kho vàng óng, không khô, không ướt quá, thơm ngậy, có màu vàng đậm của tương, dậy mùi thơm cay của giềng, thịt cá chín nục, xăn chắc, xương lợn ăn bùi… 

Cá để kho thường là chép, trắm, loại to. Tùy vào số lượng thành viên trong gia đình, nhưng nói chung để ăn tết, nhiều gia đình ở An Vỹ chuẩn bị khá nhiều cá, nhà kho nhiều tới 5 kg cá.

Trong mâm cỗ ngày tết ở An Vỹ, nếu bánh chưng, gà luộc, nem rán là những món ăn tiêu biểu của ẩm thực dân tộc, thì cá kho ắt hẳn là phong vị riêng của An Vỹ, mà những người dân từ xa xưa muốn gửi gắm, nhắn nhủ con cháu dù đi đâu, làm đâu, ngày tết nhớ về quê cha đất tổ.

LT (tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ