• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cà Mau triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2020

Văn hoá 22/05/2020 22:15

(Tổ Quốc) - Cà Mau triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2020; Đồng Tháp xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kiên Giang ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào gia đình là tin gia đình tiêu biểu tại các tỉnh Nam Bộ mới đây

Cà Mau triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2020

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo đó, Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 30/6/2020, với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em". Nội dung chính của Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 tập trung tuyên truyền các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Cà Mau triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: Sở VHTTDL Cà Mau

Tăng cường truyền thông về đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em, dịch vụ Tổng đài 111 để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chăm lo cuộc sống cho trẻ em nghèo, các chính sách đối với trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, tuyên truyền phòng, ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và phòng, chống tai nạn thương tích, bảo vệ, xâm hại trẻ em.

Tuyên truyền, vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển và thực hiện hiệu quả nguồn quỹ vận động. Tổ chức thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trẻ em nghèo vượt khó tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển; trẻ em đang nằm điều trị tại các Bệnh viện và các Cơ sở bảo trợ xã hội nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6).

Tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng cho gia đình, nhà trường, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, các cơ quan, nhà tạm lánh và địa chỉ tin cậy có trách nhiệm tiếp nhận thông tin vụ việc và hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại...

Tổ chức các khóa học kỹ năng cho trẻ em đảm bảo an toàn: Trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, các lớp năng khiếu, võ thuật, âm nhạc, thể dục nhịp điệu... nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em trong thời gian các em nghỉ hè, ưu tiên miễn các loại phí tham gia các khóa học này cho trẻ em.

Đồng Tháp xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng gia đình (GĐ) thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (gọi tắt là Chỉ thị số 49-CT/TW), công tác GĐ trên địa bàn tỉnh có nhiều kết quả nổi bật. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc được nâng lên; các hoạt động về GĐ được tổ chức thường xuyên. Qua đó, đã giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ), các tệ nạn xã hội xâm nhập vào GĐ; thực hiện đạt mục tiêu xây dựng GĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh nhà.

Công tác tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, xây dựng GĐ hạnh phúc trong nhân dân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các ban, ngành địa phương thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép tuyên truyền nhân các ngày lễ, kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày GĐ Việt Nam (28/6),...; tổ chức các hội thi GĐ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hội thi Câu lạc bộ (CLB) "GĐ phát triển bền vững", hội thi GĐ tiêu biểu cấp tỉnh,... tạo điều kiện cho các hộ GĐ tiêu biểu trong tỉnh được giao lưu, học tập kinh nghiệm xây dựng GĐ hạnh phúc, phát triển bền vững. Qua đó cũng làm tấm gương để tuyên truyền, vận động người dân học tập; tổ chức biểu dương hộ gia đình tiêu biểu cấp tỉnh, huyện và xã nhằm tạo động lực, khuyến khích người dân tích cực tham gia xây dựng GĐ văn hóa. Qua 15 năm đã có gần 18.000 GĐ trong toàn tỉnh được biểu dương.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cũng xây dựng nhiều mô hình tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, trong đó nổi bật là mô hình CLB "GĐ phát triển bền vững", Nhóm phòng, chống BLGĐ. Đến nay, toàn tỉnh có 661 CLB "GĐ phát triển bền vững", 666 Nhóm phòng, chống BLGĐ, 2.601 Địa chỉ tin cậy, 561 đường dây nóng và 178 Tủ sách pháp luật đặt tại các xã. Hàng quý, các CLB "GĐ phát triển bền vững" tổ chức sinh hoạt 1 lần, các Ban chủ nhiệm CLB sẽ tuyên truyền cho người dân các kỹ năng ứng xử trong GĐ để hạn chế xảy ra mâu thuẫn trong GĐ, bí quyết xây dựng GĐ hạnh phúc phòng, chống BLGĐ. Riêng các Nhóm phòng, chống BLGĐ, Địa chỉ tin cậy được đặt tại các khóm, ấp, thường xuyên phát hiện, can thiệp, tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân bị BLGĐ ổn định về tâm lý, giúp nạn nhân hóa giải mâu thuẫn trong GĐ, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Ngoài ra, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố cũng tăng cường phối hợp các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, kỹ năng sống, kinh nghiệm giáo dục, nuôi dạy con cháu,... Qua đó đã nâng cao nhận thức người dân trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, phát huy văn hóa GĐ và truyền thống tốt đẹp của GĐ Việt Nam.

Bên cạnh tuyên truyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương trong tỉnh còn tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nâng cao đời sống người dân, góp phần phòng, chống BLGĐ. Nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo về vốn vay sản xuất, kinh doanh, nước sạch vệ sinh môi trường, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm,... đã được triển khai thực hiện, góp phần giúp người dân phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống.

Với nhiều giải pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã nâng cao nhận thức, chủ động vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng GĐ hạnh phúc, phấn đấu đạt GĐ văn hóa hàng năm, hạn chế được tình trạng BLGĐ do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, thất nghiệp,... Từ đó, góp phần kéo giảm số vụ BLGĐ trong tỉnh. Năm 2009 toàn tỉnh xảy ra 1.998 vụ BLGĐ đến cuối năm 2019 chỉ còn 92 vụ (giảm 1.906 vụ). Số lượng GĐ văn hóa trên địa bàn tỉnh những năm qua luôn đạt tỷ lệ cao, bình quân đạt 87,09%/năm (cụ thể năm 2005 đạt 78,21%, đến năm 2019 đạt 91,07%, tăng 12,86%). Từ những kết quả trên cho thấy, việc triển khai Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng GĐ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh đã đạt hiệu quả thiết thực, xây dựng con người với những chuẩn mực, giá trị đạo đức, nhân cách, lối sống tốt đẹp, góp phần xây dựng quê hương ngày một tốt hơn.

Kiên Giang ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào gia đình

Những năm gần đây, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) nói chung và phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể xác định là "hạt nhân" của việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Trung ương và Chương trình hành động số 53-CTr/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, từ đó có những điều chỉnh các danh hiệu gắn với với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chú trọng nâng cao chất lượng trong việc bình xét các danh hiệu văn hóa, khắc phục tình trạng công nhận các danh hiệu văn hóa chưa thực sự đảm bảo đúng quy trình, mang tính hình thức, nể nang, ngại đụng chạm, thiếu tính dân chủ. Trên cơ sở Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/8/2018, trong năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1786/QĐ-UBND ngày 08/8/2019 về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, thang điểm, quy trình xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Ấp, Khu phố văn hóa" trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo hướng thay đổi, bổ sung một số tiêu chí nhằm phản ánh đúng thực tế xã hội, đưa ra nhiều trường hợp không xét tặng danh hiệu hơn so với trước. Trong đó, chú trọng đến tiêu chí gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, xây dựng gia đình hạnh phúc, có đạo đức, lối sống lành mạnh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam để đẩy lùi các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hại đạo đức xã hội.

Sở Văn hóa và Thể thao lồng ghép phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" vào các chương trình, kế hoạch thực hiện các đề án về công tác gia đình như: Chương trình giáo dục đời sống gia đình; tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020...; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2019 - 2021, để từng bước góp phần nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng người, từng gia đình và cộng đồng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có 87,09% gia đình văn hóa thì đến năm 2019, toàn tỉnh có 90,73% gia đình văn hóa. Qua phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, có ý thức tự quản, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục các thành viên gia đình, có lối sống, đạo đức lành mạnh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo ra môi trường sống trong mỗi gia đình an toàn, lành mạnh, từ đó đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tẩy chay, loại bỏ sản phẩm văn hóa độc hại, không cho xâm nhập vào gia đình, góp phần thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ