• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các nước Đông Nam Á tiếp cận giải pháp hiệu quả cho học sinh ứng phó với nắng nóng khắc nghiệt

Thế giới 10/05/2024 14:57

(Tổ Quốc) - Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan mạnh và thường xuyên hơn, như các đợt nắng nóng đe dọa tính mạng gần đây.

Nhiều trường học đóng cửa

Khi nhiệt độ ở Campuchia lên tới mức đáng kinh ngạc là 38 độ C (100,4 độ F) vào tháng 4, Sek Seila, một học sinh 11 tuổi đang học tại một trường ở thủ đô Phnom Penh đã phải nghỉ học về nhà.

Các nước Đông Nam Á tiếp cận giải pháp hiệu quả cho học sinh ứng phó với nắng nóng khắc nghiệt - Ảnh 1.

Học sinh phải sử dụng quạt để làm mát trong giờ học ở Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 2/5/2024. Ảnh: CN

Giống như hàng trăm triệu trẻ em khác ở nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á, Sek Seila đang phải đối mặt với vấn đề chưa từng có do nắng nóng, như trường học đóng cửa đột ngột, các bài học và hoạt động khác bị hủy bỏ hoặc gián đoạn.

Sek Seila nhấn mạnh nhiệt độ ngột ngạt và độ ẩm cao trong các lớp học kém thông thoáng là điều "không thể chịu đựng được".

"Lớp học của cháu không có điều hòa. Lớp 43 học sinh của Sek Seila hầu hết sử dụng chiếc quạt cầm tay mini chuyền tay nhau trong giờ học để làm mát", Sek Seila nói.

Thời tiết nắng nóng cũng rất tàn khốc ở nhiều quốc gia Nam Á. Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan mạnh và thường xuyên hơn.

Không chỉ Campuchia, đợt nắng nóng nguy hiểm cũng diễn ra ở Bangladesh vào tháng 4 năm nay. Các trường học trên cả nước phải đóng cửa - nhiều trường trong số đó được trang bị kém và thiếu các nguồn lực làm mát thiết yếu như quạt và điều hòa không khí để hỗ trợ và bảo vệ học sinh khỏi các nguy cơ sức khỏe: mất nước, đau nửa đầu và say nắng.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhận định, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là trẻ em nghèo ở các vùng nông thôn bởi các gia đình không đủ tiền mua các thiết bị như máy tính xách tay và máy tính bảng để hỗ trợ việc học từ xa.

Ông Sheldon Yett, đại diện UNICEF tại khu vực cũng nhấn mạnh thật không dễ dàng gì đối với nhiều trẻ em ở một đất nước nóng bức như Bangladesh, nơi các em phải đối mặt với nhiệt độ cao hầu như hàng ngày.

"Khí hậu năm nay nóng hơn năm ngoái và chúng tôi biết rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Bên cạnh những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, chúng ta không thể bỏ qua nhu cầu học tập của trẻ em vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid", ông Yett cho biết.

Rủi ro nhiều nhất vẫn là các nước nghèo

Liên hợp quốc khẳng định nhiều nước đang phát triển trên thế giới thường nằm ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Họ phải chịu hiện tượng thời tiết cực đoan kéo dài như nắng nóng, lốc xoáy cũng như bão và lũ lụt nghiêm trọng.

"Mọi trẻ em đều có quyền đảm bảo một môi trường an toàn và lành mạnh. Chúng tôi muốn thấy trường học sẵn sàng cho trẻ em học tập và mọi thứ cần phải được thực hiện một cách an toàn", ông Yett nói thêm.

Các chuyên gia và nhà giáo dục ở Campuchia và Philippines cũng cho rằng tháng 3 và tháng 4 là thời điểm vô cùng khó khăn đối với các trường học.

Theo ông Bong Samreth, Giảng viên tại một trường công ở Phnom Penh, chúng tôi không cho phép học sinh ra ngoài khi nhiệt độ quá nóng. Tuy nhiên, trẻ vẫn có cảm thấy nóng bức và khó chịu khi lớp học không có quạt hoặc điều hòa.

"Chúng tôi đã cố gắng hết sức để chăm sóc học sinh và đã rất cố gắng trong vài tháng qua", ông Bong Samreth nói thêm.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng tác động đến cuộc sống của người dân ở Philippines, quốc gia thường được xếp hạng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu và là nơi các trường học vẫn đang phục hồi sau một số đợt đóng cửa do đại dịch Covid-19 kéo dài.

Tổ chức Cứu Trợ Trẻ em (Save the Children) nhấn mạnh khoảng cách giáo dục giữa trẻ em vùng nông thôn và trẻ em ở khu vực thành thị ở Philippines ngày càng gia tăng, đồng thời cho biết thêm rằng trẻ em ở khu vực nông thôn không thể đến trường và đang gặp bất lợi đặc biệt.

Theo tổ chức này, không hề lạ lẫm khi thấy có lớp học tới 70 học sinh chen chúc ở Philippines nhưng chỉ có một hoặc hai chiếc quạt điện để làm mát và thông gió.

Các tình nguyện viên cũng nêu lên vấn đề với học sinh về việc không đủ nước uống sạch ở trường cũng như thiếu các khu vực giải trí ngoài trời có bóng râm.

Ông Benjo Basas, một giáo viên khoa học xã hội tại một trường ở thủ đô Manila nhấn mạnh gần như cả tháng 4 đã bị gián đoạn do các trường học đóng cửa hàng loạt vì nắng nóng - ảnh hưởng đến khoảng 7 triệu trẻ em. Thời tiết nắng nóng khiến học sinh không thể tập trung trong giờ học, một vấn đề đặc biệt căng thẳng khi kỳ thi cuối kỳ quan trọng sắp đến gần.

Hay bà Mirasol Mamaat, một giáo viên trung học ở tỉnh Pangasinan phía bắc Philippines cũng nói rằng hàng chục học sinh đã bị ốm sau khi nhiệt độ tăng gần đây, ước tính hơn 51 độ C (124 độ F).

"Đối với một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã đến thăm các gia đình để kiểm tra và cung cấp tài liệu học tập giống như đã làm vào thời kỳ đại dịch Covid-19", bà Mirasol Mamaat nói.

Chính phủ các nước kêu gọi hành động

Chính phủ các nước ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á đã đưa ra lời khuyên thiết thực nhằm giảm tình trạng say nắng và kiệt sức vì nóng đối với người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, rất ít quốc gia đưa ra kế hoạch dài hạn để giải quyết những tác động ngày càng tồi tệ trong cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong chỉ thị gửi tới tất cả các trường công lập vào cuối tháng 4, Bộ trưởng Giáo dục Campuchia Hang Chuon Naron tuyên bố trường học sẽ giảm đi hai giờ trên lớp trong thời gian nhiệt độ hàng ngày tăng cao.

Học sinh ở trường sẽ được khuyên "uống nhiều nước" và tránh ở ngoài nắng quá lâu mà "không có tấm che nắng hoặc biện pháp bảo vệ". Học sinh nên mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu để bảo vệ khỏi bị cháy nắng và tiếp xúc với nhiệt.

Tại Philippines, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đầu tuần này đã lên tiếng chính quyền của ông đang tìm cách lùi năm học sắp tới bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 3, khẳng định điều đó "sẽ tốt hơn cho trẻ em".

Hầu hết các quốc gia ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á đều đang trải qua nhiệt độ cao nhất vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6 trước khi những cơn mưa gió mùa mang lại sự cứu trợ cần thiết.

Theo các chuyên gia, khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt trở nên bình thường, việc đáp ứng nhu cầu cho trẻ em ở các nước nghèo và dễ bị tổn thương là điều quan trọng hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia khí hậu cũng nhấn mạnh không thể đánh giá thấp tác động của ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch. Hiện nay cần phải có "sự thay đổi cơ bản" giữa chính phủ các nước để tạo ra năng lượng.

Ông Glory Dolphin Hammes, Giám đốc điều hành của IQ Air, một công ty nghiên cứu môi trường chuyên giám sát chặt chẽ chất lượng không khí, điều kiện và nhiệt độ toàn cầu khẳng định chính phủ các nước cần có trách nhiệm cung cấp năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng - không nên giao việc đó cho công ty hoặc cá nhân.

"Không khí sạch hơn, hạn chế biến đổi khí hậu – đây chính là tương lai", ông Glory Dolphin Hammes giải thích./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ