• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các quốc gia BRICS hướng đến sự thay đổi vị thế trên toàn cầu

Thế giới 21/08/2023 15:44

(Tổ Quốc) - Các nhà lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS sẽ nhóm họp tại Johannesburg trong tuần này nhằm mở rộng ảnh hưởng của khối và thúc đẩy sự thay đổi trong địa chính trị toàn cầu, theo AFP.

Các nhà lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, chiếm khoảng một phần tư tài sản của thế giới, gặp nhau tại Johannesburg trong tuần này nhằm mở rộng ảnh hưởng của khối và thúc đẩy sự thay đổi trong địa chính trị toàn cầu, theo AFP.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa của Nam Phi dự kiến sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tới tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên kéo dài ba ngày bắt đầu từ thứ Ba (22 tháng 8).

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ tham gia trực tuyến. Thay mặt cho nhà lãnh đạo Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov sẽ trực tiếp tới Johannesburg.

Đại diện cho hàng tỷ người trên khắp ba châu lục, với các nền kinh tế đang trải qua các mức tăng trưởng khác nhau, nhóm BRICS chia sẻ một điểm chung là muốn nâng cao hơn nữa vị thế của họ so với các cường quốc phương Tây giàu có.

Các quốc gia BRICS hướng đến sự thay đổi vị thế trên toàn cầu - Ảnh 1.

Thượng đỉnh BRICS năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều tín hiệu không chắc chắn. Ảnh: Reuters.

"Hệ thống quản trị toàn cầu lâu nay đang cho thấy sự thiếu sót và thiếu hiệu quả", Chen Xiaodong, đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu tuần trước.

Cộng đồng thế giới đang ngày càng tăng tới khối này khi có ít nhất 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn tham gia BRICS và 23 quốc gia trong số này đã chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên BRICS, với nhiều cái tên đáng chú ý như Saudi Arabia, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Argentina, Indonesia, Ai Cập và Ethiopia.

"Thế giới phân cực"

Anil Sooklal, đại sứ lưu động của Nam Phi về châu Á và BRICS, thông tin với AFP hôm thứ Sáu rằng một trong nhiều lý do khiến các quốc gia muốn tham gia BRICS là "thế giới chúng ta đang sống rất phân cực và ngày càng phân cực hơn nữa bởi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, khi nhiều quốc gia đang bị buộc phải chọn phía".

Ông Sooklal nói thêm: "Các quốc gia đang phát triển không muốn bị yêu cầu phải thể hiện sự ủng hộ với ai. Họ có cách hành xử và giải quyết vấn đề dựa theo chủ quyền của họ. Hiện tại họ đủ mạnh để khẳng định lập trường của mình".

Ông cũng nói, BRICS đang mang lại hy vọng cho các quốc gia đang tìm cách tái cấu trúc toàn cầu.

"Các thị trường lớn hiện đang ở khu vực đang phát triển... nhưng chúng tôi vẫn còn ở bên lề về mặt ra quyết định toàn cầu", ông Anil Sooklal nhận định.

Lebogang Legodi, giảng viên chính trị quốc tế tại Đại học Limpopo, cũng cho rằng nhiều quốc gia muốn tham gia nhóm "đang coi BRICS là một giải pháp thay thế cho cách giải quyết hiện tại" đối với nhiều vấn đề của thế giới.

Lời mời tham dự thượng đỉnh đã được gửi tới 67 lãnh đạo trên khắp châu Phi, Mỹ Latinh, châu Á và vùng Caribbean, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết.

Ngoài các thành viên chính, còn có khoảng 50 nhà lãnh đạo sẽ tham dự chương trình "những người bạn của BRICS" trong hội nghị thượng đỉnh tuần này. Sự kiện sẽ được tổ chức tại một trung tâm hội nghị ở Sandton của Johannesburg – nơi được coi là khu vực giàu có nhất trên lục địa châu Phi.

Tăng cường vị thế cho BRICS

Hội nghị năm nay có chủ đề "BRICS và Châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng cùng nhau, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương toàn diện".

Hai mươi quan chức bao gồm tổng thư ký Liên hợp quốc, chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi và chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới cũng đã được mời. Các lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến cũng sẽ tham dự.

Chuyên gia Steven Gruzd thuộc dự án châu Phi-Nga tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nam Phi cho biết, hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra giữa bối cảnh có nhiều chuyển biến quan trọng. "Hệ thống đa phương hiện nay đang gặp nhiều sức ép", ông Steven đánh giá.

Theo Reuters, vấn đề quan trọng nhất trong thượng đỉnh lần này là việc có thể bổ sung thành viên, bao gồm việc đưa ra các tiêu chí kết nạp và nguyên tắc hướng dẫn. Cũng theo Đại sứ Sooklal, quyết định về việc mở rộng thành viên BRICS dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối hội nghị thượng đỉnh.

Các vấn đề khác trong chương trình nghị sự bao gồm các cuộc thảo luận về địa chính trị toàn cầu, thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng.

Tổng thống Nam Phi Ramaphosa lạc quan phát biểu tại một cuộc họp của đảng ANC cầm quyền ở Johannesburg vào thứ Bảy tuần trước rằng "chúng ta sẽ có một hội nghị thượng đỉnh BRICS tuyệt vời".

Ông cho biết sự hiện diện của rất nhiều nguyên thủ quốc gia "cho thấy tầm ảnh hưởng và tác động của Nam Phi" đối với thế giới.

Chính thức ra mắt vào năm 2009, BRICS hiện chiếm 23% GDP toàn cầu và 42% dân số thế giới. Toàn khối cũng chiếm tới hơn 16% giá trị thương mại của thế giới.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ