• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các tác giả phải nâng cao ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Văn hoá 11/04/2018 17:33

(Tổ Quốc) - Thực tế hiện nay, việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan vẫn cần có sự tự giác bảo vệ của chủ thể.

Ngày 11/4, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị - Tập huấn Triển khai thực hiện Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan (Khu vực phía Bắc).

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã đến dự Hội nghị. Hội nghị cũng có sự tham gia của đại diện các Sở VHTT, Sở VHTTDL các tỉnh, thành khu vực miền Bắc.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Nghị định số 22 có hiệu lực từ ngày 10/4/2018 gồm 6 chương, 51 điều. Trong đó, Chương I là Những quy định chung (từ điều 1-điều 5); Chương II là Quyền tác giả gồm 23 điều (từ điều 6- 28), Chương III Quyền liên quan gồm 5 điều (điều 29-điều 33); Chương IV quy định về Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan gồm 8 điều (34-41); Chương V: gồm 7 điều (42-48) về Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; Chương VI: Điều khoản thi hành gồm 3 điều (49-51).

Vi phạm bản quyền ngày càng…tinh vi

Ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL nhận định, hiện nay việc thanh, kiểm tra Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan gặp không ít thách thức, khó khăn. Tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra với muôn hình vạn trạng khiến cho các thanh tra viên khó nắm bắt. Những lĩnh vực hay vi phạm bản quyền tác giả là biểu diễn nghệ thuật, karaoke…

Ông Thái cho biết, thực tế hiện nay đang diễn ra hiện tượng, nhiều đơn vị, tổ chức xin cấp phép nội dung một nơi nhưng biểu diễn một nẻo khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Ví như có đơn vị xin cấp phép nội dung ở Ninh Bình, trong giấy phép có thể hiện là đã trả tiền bản quyền các ca khúc, tuy nhiên đơn vị này lại đến Hà Nội biểu diễn với nội dung hoàn toàn khác, ca khúc khác. Việc này khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm tra các vi phạm.

Ông Nguyễn Thanh Vân- Phụ trách bộ phận Sở hữu trí tuệ, Ban Kiểm tra Đài truyền hình Việt Nam thì cho rằng, trong bối cảnh phát triển công nghệ như hiện nay, việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan gặp nhiều thách thức. Theo ông Vân, khi các đơn vị đặt hosting (máy chủ) ở nước ngoài thì việc xử lý vi phạm không đơn giản. Thậm chí không trực tiếp xử lý được, mà chỉ có thể khuyến khích các doanh nghiệp, các nhãn hàng không quảng cáo trên trang web vi phạm đó.

Là một đơn vị chịu nhiều tổn thất bởi những hành vi vi phạm bản quyền “trắng trợn”, đại diện Đài truyền hình Việt Nam cho biết, trong môi trường số, qua rà soát, VTV phát hiện hàng nghìn chương trình của mình bị các đơn vị truyền thông, các trang web vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp tự ý thu, phát lại các chương trình ăn khách của VTV dưới hình thức online hoặc phát lại, đồng thời chèn quảng cáo để thu lợi bất chính.

Để chặn hiện tượng này, VTV phải tải cả video các chương trình của VTV lên Youtube để hệ thống Youtube tự động quét và đánh chặn dựa trên nội dung đã tải lên. Tuy nhiên, hình thức này không chặn được các video sử dụng kỹ thuật “lách” bản quyền qua các hình thức như co màn hình, xoay màn hình, chỉnh hiệu ứng âm thanh…

Nâng cao ý thức tự bảo vệ

Để thực thi tốt Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó, có quyền tác giả và quyền liên quan, theo ông Phạm Cao Thái, khi lực lượng thanh tra văn hóa ở các địa phương còn mỏng thì việc nâng cao năng lực của thanh tra ngành văn hóa ở các địa phương là giải pháp cần thiết. Bên cạnh đó, các chủ sở hữu, tác giả phải nâng cao ý thức tự bảo vệ “đứa con” tinh thần của mình.

Toàn cảnh Hội nghị

 

Ông Nguyễn Thanh Vân thì chia sẻ, ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ, Đài truyền hình Việt Nam cũng ý thức tự bảo vệ quyền của mình. Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi tập hợp tư liệu, đấu tranh đòi bồi thường.

Đối với các cá nhân, không đủ khả năng và tiềm lực để tập hợp tư liệu vi phạm, đấu tranh với đơn vị vi phạm đòi bồi thường như VTV thì việc bảo vệ đứa con tinh thần ngay từ khi mới ra đời là cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Biểu diễn nghệ thuật của Sở VHTT Hà Nội cho biết, dù cơ quan quản lý xử lý nhiều vi phạm nhưng thanh tra Sở vẫn lúng túng khi gặp các đơn thư “tố” vi phạm bản quyền. Theo ông Trực, hiện nay, Sở gặp không ít khó khăn trong việc bảo vệ bản quyền đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật. Đa số giới hoạ sĩ không đăng ký bản quyền tác phẩm của mình nên khi xảy ra hiện tượng bị làm tranh giả thì việc tranh chấp gặp nhiều khó khăn, khó phân xử.

“Bản thân tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa tự bảo vệ mình. Nhiều trường hợp khi có tranh chấp mới đi đăng ký bản quyền. Có những tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ khi xảy ra tranh chấp mới đến Sở VHTT kêu gọi bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ. Điều này không đúng trình tự pháp luật nhưng gây khó cho cơ quan quản lý trong việc thực thi pháp luật”- ông Trực chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến mong rằng, khi phát hiện vi phạm, các tác giả, chủ sở hữu có đơn kiến nghị xử lý thì cần có sự chặt chẽ kết hợp để quy trình xử lý vi phạm nhanh hơn. “Trên thực tế, có những vụ việc xử lý hành chính đã mất vài tháng, nếu phải kiện ra tòa thì mất vài năm thì không đơn vị nào đủ nhân lực để theo đuổi việc xử lý vi phạm bản quyền như vậy”- ông Nguyễn Thanh Vân băn khoăn.

“Giải tỏa” điều này, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, các văn bản pháp luật vê vấn đề này đã được kiện toàn. Các đơn vị như Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền tác giả, Vụ pháp chế sẽ có nhiều chương trình phối hợp thực hiện, triển khai. Ông Hùng mong muốn các địa phương tích cực tham gia, vào cuộc để Nghị định 22 được thực thi một cách hiệu quả.

Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay, trên trang web của Cục Bản quyền tác giả cung cấp tên, số điện thoại của các chuyên gia, chuyên viên để giải đáp những vấn đề còn khúc mắc ở các địa phương trong quá trình thực thi Nghị định 22. Bên cạnh đó, trang web của Cục cũng đang được nâng cấp, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện và cung cấp những tài liệu, những thông tin cho các địa phương, tổ chức, cá nhân thuận tiện tra cứu, tham khảo để hoạt động quản lý về bản quyền được hiệu quả hơn.

Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị-Tập huấn Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, Bộ VHTTDL đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, các Bộ Ban ngành, các địa phương, các tổ chức nghề nghiệp, chính trị xã hội, các tổ chức liên quan để từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật, các quy định quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, đưa những quy định tương đồng, hội nhập, phù hợp những cam kết quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế còn những khó khăn, những vi phạm các quy định của pháp luật ngày càng đa dạng, phức tạp hơn. Nguyên nhân từ nhận thức về các quy định của pháp luật của chủ sở hữu, từ những người khai thác sử dụng. Có những nguyên nhân từ hệ thống Pháp luật. Nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện. Quá trình triển khai, thực hiện còn lúng túng nhất định trong lĩnh vực quản lý đối với vấn đề này. Có những biểu hiện việc thực thi pháp luật chưa đảm bảo cập nhật với thực tiễn. Việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm chưa phù hợp với thực tiễn đặt ra.

Vì vậy, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu, từ thực tiễn địa phương, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị- Tập huấn sẽ được BTC tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ, để Bộ có những đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa giúp cho việc bảo vệ bản quyền tác giả ngày càng hiệu quả hơn./.

Bài, ảnh: Dạ Minh

Dạ Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ