• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách Australia bảo tồn di sản văn hóa thế giới từ Nhà hát Opera Sydney: Việt Nam có thể học hỏi

Văn hoá 24/06/2023 08:59

(Tổ Quốc) - Chính phủ Australia luôn coi trọng chiến lược bảo tồn Nhà hát Opera Sydney nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa vượt thời gian.

Theo trang mạng Getty.edu, rất ít tòa nhà kiến trúc được thế giới được công nhận là di sản giá trị như Nhà hát Opera Sydney của Australia. Đây là một trong những tòa nhà quan trọng nhất của thế kỷ 20 và là biểu tượng của Australia trong thời gian dài. Hàng năm, nhà hát Opera Sydney thường tổ chức khoảng 2.500 buổi biểu diễn, thu hút hơn 8,2 triệu du khách, đóng góp 1 tỷ đôla cho nền kinh tế Australia và cung cấp 12.000 việc làm.

Cách Australia bảo tồn di sản văn hóa thế giới từ Nhà hát Opera Sydney: Việt Nam có thể học hỏi - Ảnh 1.

Nhà hát Opera Sydney. Ảnh: Sydney Opera House Trust

Sự nổi bật của Nhà hát Opera Sydney có lẽ là biểu tượng kiến trúc văn hóa của tòa nhà, đặc biệt là quá trình xây dựng tòa nhà trong thời gian dài và mất rất nhiều công sức. Tòa nhà xây dựng và hoàn thành trong 16 năm (1957 - 1973) và chi phí cao hơn khoảng 15 lần so với đề xuất ban đầu.

Tuy nhiên, những căng thẳng đằng sau việc xây dựng Nhà hát Opera Sydney đã là vấn đề quá khứ và trọng tâm ngày nay là công tác bảo tồn các cấu trúc và vật liệu độc đáo và lưu giữ di sản nối tiếp cho các thế hệ mai sau.

Công trình lớn, trách nhiệm lớn

Với một tòa nhà có tầm vóc như thế này, trách nhiệm lớn lao là đảm bảo phải bảo trì thích hợp và hoạt động trơn tru tại nhà hát. Ngoài du khách, chương trình và các hoạt động hàng ngày, Sydney Opera House Trust - Cơ quan phi lợi nhuận còn đóng vai trò quản lý bảo tồn cấu trúc của nhà hát Opera Sydney.

Nhận thức được sự cần thiết phải xem xét tác động của thời tiết đối với tòa nhà từ môi trường biển và biến đổi khí hậu, Trust đã tham gia vào dự án 2 năm trước đây nhằm bảo tồn cấu trúc bê tông tòa nhà, xây dựng nhóm làm việc chung bao gồm các chuyên gia di sản và sinh viên từ Đại học Sydney để phân tích kết cấu bê tông của tòa nhà, thử nghiệm kỹ thuật bảo tồn không xâm lấn đồng thời phát triển hệ thống quản lý theo dõi tình trạng và hiệu suất của tòa nhà hiện tại và trong tương lai.

Vào thời điểm tổ chức cuộc thi thiết kế vào năm 1955, đã có nhiều kiến trúc đổi mới. Đặc biệt, khả năng kết cấu và tính linh hoạt của bê tông đã được thử nghiệm để giúp nhà hát trở thành công trình kiến trúc có vật liệu thích ứng tốt.

Tác giả của kiến trúc di sản này là ông Jørn Utzon (1918–2008) người Đan Mạch. Thiết kế "cánh buồm" nhô lên được xem là nổi bật và độc đáo đến mức – dù là kiến trúc sư Jørn Utzon thời điểm đó còn khá trẻ và ít tên tuổi – nhưng đề xuất của ông vẫn được lựa chọn trong số hơn 200 bài dự thi. Và sau đó, ông Ove Arup ( 1895-1988) đã được thuê làm kỹ sư kết cấu cho dự án, đảm bảo kỹ thuật xây dựng Nhà hát Lớn Sydney.

Quá trình xây dựng kết cấu cánh buồm là một thách thức vì yêu cầu độ che phủ đủ rộng để bao trùm toàn bộ diện tích của phòng biểu diễn và trọng lượng cần được phân bổ hợp lý. Thực tế là mỗi cánh buồm có kích thước khác nhau và nghiêng ở một góc khác nhau. Trong thiết kế ban đầu của mình, ông Jørn Utzon đã hình dung ra một công trình được hỗ trợ bởi các sườn bê tông đúc sẵn và khung bê tông cốt thép phục vụ mục đích kết cấu cũng như thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc đúc từng cánh buồm riêng lẻ tốn chi phí quá lớn, vì vậy cần một kỹ thuật khác thay thế. Đề xuất của Kiến trúc sư Utzon đã trải qua nhiều lần lặp lại và sửa đổi để tăng mức độ khả thi về mặt cấu trúc.

Công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn môi trường xây dựng, thiết kế cơ sơ hạ tầng Arup & Partners đã sử dụng công nghệ điện toán - một trong những ứng dụng sớm nhất trong lịch sử kiến trúc - để tính toán kết cấu các vòm. Sau 4 năm giải quyết vấn đề, giải pháp được tạo ra là xây dựng những cánh buồm dựa trên hình học của một khối cầu chung để tất cả đều có chung độ cong vòm.

Quá trình bảo tồn vượt thời gian

Thiết kế và xây dựng độc đáo đi kèm với nhu cầu bảo tồn chưa từng có trong lịch sử. Những cánh buồm của Nhà hát Opera Sydney có lớp sườn bê tông và hơn một triệu viên gạch gốm hình chữ V - được khía cẩn thận bên trong một cấu trúc kim loại giữ chúng cố định. Tiếp cận phần mái này cũng cần phải có kế hoạch hoàn hảo, huy động các thiết bị lớn và làm việc với độ chính xác cao để không gây ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của tòa nhà hoặc lịch trình của các sự kiện.

Công việc bảo tồn không chỉ phải duy trì tình trạng tốt mà còn dự đoán hiệu suất và sự xuống cấp của kiến trúc trong tương lai. Với cam kết trau dồi khả năng quản lý và chuyên môn cho các thế hệ trẻ, nhóm Bảo tồn kết cấu bê tông Nhà hát bao gồm 12 sinh viên từ Đại học Sydney đã làm việc cùng với 5 giảng viên thực hiện nghiên cứu ban đầu về bảo tồn di sản, kỹ thuật và kiến trúc.

Bên cạnh đó, tập trung vào các chiến lược sẽ có hiệu quả lâu dài, nhóm đã thu thập dữ liệu quan trọng để theo dõi sự thay đổi và xác định nguyên nhân gây hư hỏng (bao gồm các vật liệu như chất kết dính và chất bịt kín) đồng thời thử nghiệm các kỹ thuật can thiệp mới để hạn chế sự can thiệp của con người. Và nhóm nghiên cứu đã xem xét khả năng sử dụng robot cho công việc bảo tồn ở những nơi khó tiếp cận.

Dữ liệu của nhóm được đưa vào một công cụ quản lý kỹ thuật số liên kết với mô hình 3-D để cập nhật liên tục các thông báo, từ công việc bảo trì định kỳ đến xử lý bảo tồn chuyên biệt. Theo đó, dữ liệu khoa học và cấu trúc, cũng như các kế hoạch quản lý và thông tin quan trọng về tầm quan trọng của di sản đều được tập hợp vào một kho lưu trữ điện tử duy nhất, dễ truy cập giúp hàng nghìn nhân viên của Trust có thể sử dụng để thông báo cho công việc hàng ngày.

Hơn nữa, hệ thống sẽ cho phép Trust đưa ra các biện pháp nhằm ứng phó các tác động khó lường của biến đổi khí hậu cũng như phát huy truyền thống bảo tồn và quản lý di sản xuất sắc. Và việc làm này cũng tạo cơ hội cho người dân trên khắp thế giới có thể tiếp tục tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời ở Sydney Opera trong thế kỷ này./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ