• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách mạng 4.0 tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho văn hóa nghệ thuật

Thời sự 21/06/2018 20:43

(Tổ Quốc) - Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Chiều 21/6, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật”. Đến tham dự hội thảo ngoài sự có mặt của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện còn có hơn 100 đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Chung

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thời gian vừa qua, ngành VHTTDL rất quan tâm đến những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và từng tổ chức rất nhiều hoạt động, cuộc họp, hội thảo về vấn đề này.

Theo Bộ trưởng, CMCN 4.0 vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Hiện nay cần phải xem ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở hai góc độ, một là ngành văn hóa nghệ thuật truyền thống, đây là lĩnh vực sẽ xây dựng về vẻ đẹp con người, đạo đức xã hội. Thứ hai là cần xem văn hóa nghệ thuật là một ngành công nghiệp bởi nhiều nước trên thế giới hiện nay như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp… văn hóa đã là một ngành công nghiệp lớn.

“Thông qua hội thảo, Bộ VHTTDL mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu xung quanh vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Với thời gian gói gọn trong một buổi, hội thảo diễn ra đã tập trung vào ba chủ đề chính. Trước hết là phân tích, đánh giá tác động của CMCN 4.0 đến sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Tiếp đến là vấn đề ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 trong phát triển văn hóa nghệ thuật. Từ đó, hội thảo đã đưa ra những giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và công cụ quản lý để phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật theo xu thế phát triển của CMCN 4.0 ở Việt Nam.

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho hay, việc tổ chức hội thảo đã góp phần làm rõ những tác động, nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức của CMCN 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa cũng nhằm mục tiêu chuẩn bị tốt hơn cho việc hoạch định các chính sách của ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Chung

Từ kết quả của hội thảo, ban tổ chức thống nhất đề nghị các đơn vị văn hóa nghệ thuật quan tâm hơn nữa đối với sự phát triển của CMCN 4.0, trong đó đặc biệt cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đối với đơn vị mình; Ban tổ chức hội thảo kiến nghị lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm hơn nữa đến việc triển khai xây dựng các sản phẩm chủ lực của ngành để đáp ứng sự phát triển của cuộc CMCN 4.0.

Cùng với đó, hội thảo khuyến nghị Bộ VHTTDL tổ chức thêm các hội thảo chuyên sâu, bố trí các nguồn lực để nghiên cứu về những ảnh hưởng, tác động của CMCN 4.0 đối với các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nghệ thuật, từ đó có những chính sách, biện pháp hiệu quả hơn đối với cuộc cách mạng quan trọng này.

Qua theo dõi hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiên cũng đề nghị trong thời gian tới nên có những cuộc hội thảo chuyên sâu hơn nữa để làm rõ các vấn đề liên quan trong từng lĩnh vực cụ thể của văn hóa nghệ thuật.

Lê Chung

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ