• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cái duyên và thông điệp trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Việt Nam

Thế giới 14/04/2023 07:30

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Việt Nam trong thời gian 14-16/4. Ảnh: AFP.

(Tổ Quốc) - Trao đổi với chúng tôi, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhắc đến cái duyên trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Việt Nam ngày 14-16/4 khi trong các năm 2015 và 2016, thời điểm diễn ra 2 chuyến thăm cấp cao quan trọng giữa Mỹ và Việt Nam, ông Blinken đều là người có chuyến thăm "tiền trạm".

Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ diễn ra cuối tuần này. Về mặt thời điểm, ông có đánh giá gì?

Có 2 điểm cần lưu ý: chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, chỉ vài tuần sau cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden. Trong cuộc điện đàm đó 2 bên đã nhất trí một số điểm quan trọng như đánh giá cao phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện (ĐTTD) trong 10 năm qua; cho rằng sự phát triển đó là tích cực, phù hợp với nguyện vọng nhân dân 2 nước; hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ này, đồng thời 2 bên chuyển lời mời các chuyến thăm cấp cao và đã nhận lời. Cuối cùng, giao cơ quan 2 bên xúc tiến công việc cho các chuyến thăm và nội hàm quan hệ 2 nước trong thời gian sắp tới.

Cái duyên và thông điệp trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Việt Nam - Ảnh 1.

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ.

Như vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken chỉ vài tuần sau đó chắc chắn sẽ là tiếp nối và triển khai những nội dung đã đề cập trong cuộc điện đàm công khai vừa rồi.

Thứ hai, năm nay là thời điểm đánh dấu 10 năm thiết lập ĐTTD, các cuộc điện đàm, các chuyến thăm đều mang tính kỷ niệm và tính đến đưa quan hệ Việt - Mỹ trong chặng đường tương lai, hướng tới một bước phát triển mới.

Nếu nhìn lại 10 năm ĐTTD trong thời gian vừa qua, cá nhân tôi cho rằng đây là giai đoạn phát triển vượt bậc nhất, toàn diện nhất và nhanh nhất trong 28 năm kể từ khi thiết lập quan hệ Việt - Mỹ.

Hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao, đáng chú ý là chuyến thăm đầu tiên mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ năm 2015 và ra tuyên bố tầm nhìn về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trong 10 năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển giữa 2 nước phát triển chưa từng có. Nếu như vào thời điểm xác lập quan hệ ĐTTD, thương mại 2 chiều giữa 2 nước mới chỉ là 35 tỷ USD thì đến cuối 2022, con số này đã là 123 tỷ USD. Không chỉ vậy, quan hệ thương mại hai nước còn đi sâu về thực chất. Năm 2022, Mỹ trở thành thị trường duy nhất và đầu tiên mà xuất khẩu của Việt Nam đạt ngưỡng trên 100 tỷ USD.

Đặt trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm vừa có tính kỷ niệm đồng thời thúc đẩy quan hệ 2 nước trong chặng đường tới, nhằm phát huy hơn nữa đà quan hệ ĐTDT 10 năm qua, có thể coi là giai đoạn vượt bậc, toàn diện nhất trên tất cả các lĩnh vực.

Ông có thể nói rõ thêm về việc chuyến thăm sẽ triển khai những nội dung từ cuộc điện đàm cấp cao vừa qua?

Cuộc điện đàm nêu rõ, hai nước đánh giá rất cao quan hệ trong thời gian vừa qua và hai bên đều nhân dịp kỷ niệm quan hệ ĐTTD này để làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước. Tôi cho rằng dường như có sự chuẩn bị cho việc làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước và chuyến thăm này cũng là sự chuẩn bị cho việc thúc đẩy tinh thần điện đàm cấp cao đó.

Có 2 điểm tôi lưu ý: đó là khi 2 bên đã chuyển lời mời cấp cao và đã nhận lời thì hy vọng trong năm 2023 có những chuyến thăm cấp cao.

Thứ hai, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng giao cho các bộ, ngành của 2 bên xem xét nội hàm quan hệ Việt - Mỹ, tôi trông đợi quan hệ ĐTTD giữa 2 nước vừa được làm sâu sắc hơn nhưng cũng sẽ được nâng lên tầm mới.

Cá nhân tôi cũng nhiều lần phát biểu rằng, quan hệ ĐTTD Việt - Mỹ đã có cả nội hàm về toàn diện lẫn nội hàm về chiến lược. Thời gian sắp tới, 2 bên chuẩn bị cho chuyến thăm cấp cao thì trông đợi hai bên sẽ định danh thế nào cho tương xứng với mối quan hệ.

Ngay trước chuyến thăm này, một đoàn lưỡng viện của Quốc hội Mỹ cũng đã đến Việt Nam và bày tỏ ủng hộ quan hệ 2 nước. Vậy ông đánh giá thế nào về sự ủng hộ quan hệ với Việt Nam của chính giới Mỹ?

Đoàn nghị sĩ do Thượng nghị sĩ Jeff Merkley dẫn đầu đã nhắc đến việc nâng tầm quan hệ và thậm chí nhắc đến cái tên Đối tác chiến lược (ĐTCL). Điều này cho thấy sự ủng hộ cho quan hệ Việt - Mỹ của cả 2 đảng ở tầm quốc hội đã được phản ánh trong chuyến thăm của đoàn.

Cần lưu ý rằng, đoàn nghị sĩ lần này bao gồm lưỡng viện (cả Thượng viện và Hạ viện), đồng thời lại bao gồm nghị sĩ của cả lưỡng đảng (Dân chủ và Cộng hòa) cho thấy sự song trùng trong quan điểm thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ trong cả 2 đảng, cũng như cả quốc hội và chính phủ. Sự song trùng này tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho quan hệ Việt - Mỹ.

Thực tế điều này đã được thể hiện trong thời gian vừa qua, qua chuyến thăm của nhiều đoàn nghị sĩ khác cũng bày tỏ ủng hộ quan hệ Việt Mỹ.

Cả thời tôi làm Đại sứ và trong giai đoạn vừa qua thì sự ủng hộ tăng cường hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ đã thể hiện ở Quốc hội Mỹ trong nhiều năm nay.

Ông có kỷ niệm hay ấn tượng gì với Ngoại trưởng Blinken khi còn làm việc ở Mỹ?

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Antony Blinken, khi đó là Thứ trưởng thứ nhất, đã có cái duyên lớn với hai chuyến thăm lớn: chuyến thăm của Tổng Bí thư vào tháng 7/2015 và chuyến thăm của Tổng thống Obama vào 5/2016. Ông Blinken đã rất tích cực thúc đẩy tham vấn giữa 2 nước để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm.

Cái duyên và thông điệp trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, chủ trì lễ chiêu đãi nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ năm 2015. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ.

Ngày 6/7/2015, chỉ một ngày trước khi Tổng Bí thư sang, ông Blinken có viết một bài bình luận với tiêu đề "Cơ hội chiến lược thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt", khẳng định Mỹ mong đợi chuyến thăm và mong muốn chuyến thăm thành công vì đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến nước Mỹ, mở ra chương mới và qua đó là câu chuyện tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 19/5/2015, Antony Blinken đã gọi chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư đến Mỹ và gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng là "một chuyến thăm lịch sử" - người đầu tiên chính thức dùng cụm từ này về chuyến thăm. Đồng thời khẳng định, Mỹ rất trông đợi chuyến thăm và coi đó là thông điệp mạnh mẽ về tương lai quan hệ hai nước, cũng như về mối quan hệ phát triển, từ cựu thù trở thành đối tác.

Trong năm 2016, trước khi đi Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Obama, ông Blinken và tôi đã có cuộc gặp để tham khảo ý kiến từ phía Việt Nam, thể hiện sự trân trọng ý kiến của phía ta để đảm bảo chuyến thăm thành công tốt nhất, chia sẻ quan tâm và lợi ích của cả 2 nước.

Có một điểm chung là trước cả 2 chuyến thăm tôi vừa nhắc đến, Antony Blinken đều đã thăm Việt Nam, trước 1-2 tháng. Đó là cái duyên và cũng là thông điệp trước mỗi chuyến thăm cấp cao. Vì vậy, tôi trông đợi, chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Việt Nam, ngay sau cuộc điện đàm cấp cao, cũng sẽ gắn với cái duyên như vậy, cùng với những thông điệp ý nghĩa trong quan hệ hai nước

Về cá nhân thì ông Blinken là con người hiểu biết, là nhà bình luận sắc sảo, ông còn là người say mê âm nhạc và một tay guitar "cừ".

Lan Hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ