• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần có chương trình dài hơi vận động hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai

Thời sự 27/08/2016 06:58

Sáng 26/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TA)

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ban Dân vận Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội cùng đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, thành phố Hà Nội.

Vận động được trên 204 tỷ đồng ủng hộ nhân dân

Trong thời gian vừa qua, xâm nhập mặn, hạn hán đã xảy ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và thủy hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung làm thiệt hại nặng nề cho nhà nước và nhân dân. Để góp phần cùng với nhà nước hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam đã ban hành Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt. 

Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, qua hơn 3 tháng triển khai, thực hiện, tổng số tiền Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam đã vận động được số tiền và hiện vật quy ra tiền được trên 204 tỷ đồng (trong đó tiền mặt trên 150 tỷ đồng). 

Từ nguồn vận động này đã hỗ trợ được trên 193.726 lượt hộ gia đình bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt với số tiền trên 150 tỷ đồng; hỗ trợ trên 1.861 tấn gạo. Như vậy, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với mục tiêu đặt ra (vận động trên 204 tỷ đồng/80 tỷ đồng; hỗ trợ được 193.726 lượt hộ/45.000 hộ).

Ngoài các tổ chức thành viên tham gia chương trình, Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và các hội quần chúng địa phương thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân kịp thời, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị đã cử 8.616 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nhân dân; điều động 2.185 lượt xe bồn, 18 lượt tàu loại 200 tấn, 60 tấn để cung cấp trên 20.170 khối nước sinh hoạt cho nhân dân ... Tổng giá trị thành tiền là 4,1 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành phố vận động, hỗ trợ đạt kết quả cao như: Thành phố Hồ Chí Minh 21 tỷ đồng, Thành phố Hà Nội 19 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 6,1 tỷ đồng, Nam Định 1,8 tỷ đồng, Hà Nam 1,097 tỷ đồng…

Đáng chú ý, qua hoạt động giám sát cho thấy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với nhân dân bị thiệt hại kịp thời, đúng đối tượng, ít sai sót. Cụ thể, đã hỗ trợ hơn 4.309 tấn gạo đến 40.043 hộ dân; hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại hơn 9,8 tỷ đồng; hỗ trợ cho 8.111 chủ tàu thuyền do ngừng khai thác là 53.359 triệu đồng.

Về việc thực hiện hỗ trợ nhân dân bằng nguồn vận động ủng hộ, tổng số tiền và hiện vật của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã vận động và tiếp nhận (thu) trị giá hơn 45 tỷ đồng và 149 tấn gạo. Hiện đã chi hỗ trợ  hơn 32 tỷ đồng (số chưa phân bổ 5,63 tỷ đồng); hỗ trợ 149 tấn gạo; tặng hàng ngàn suất quà trị giá hơn 10 tỷ đồng…

Tuy nhiên, việc hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường còn chậm. Một số tàu thuyền có công suất từ  90 CV trở lên chưa được hỗ trợ vì theo Quyết định 772/QĐ - TTg chỉ hỗ trợ tàu thuyền có công suất dưới 90 CV trở xuống. Cùng với đó là hiện tượng có quá nhiều cuộc vận động ủng hộ, dẫn đến trùng chéo. Khi phát động nhân dân còn băn khoăn nên kết quả ủng hộ bị phân tán, gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cơ sở…

Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận

Từ những hạn chế còn tồn tại, Mặt trận kiến nghị Chính phủ thống nhất với các cơ quan Trung ương để các cuộc vận động hỗ trợ tập trung về một đầu mối, tránh phát động nhiều cuộc vận động gây băn khoăn trong nhân dân. Các thành viên đã ký kết Chương trình phối hợp số 15, các tỉnh thành tiếp tục rà soát số tiền và hiện vật quy ra tiền của tổ chức, địa phương mình hiện chưa phân bổ để tiếp tục có phương án hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt. Tiếp tục giám sát nguồn kinh phí hỗ trợ, đền bù cho nhân dân bị thiệt hại để mang lại hiệu quả…

Đồng tình với các kiến nghị của Mặt trận, các ý kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn… đều cho rằng, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, vì vậy cần có chương trình vận động hỗ trợ hằng năm, dài hơi, để khi có thiên tai xảy ra thì kịp thời hỗ trợ người dân, không phải chờ đến khi có thiên tai mới kêu gọi hỗ trợ. Để tránh chồng chéo trong vận động và hỗ trợ, MTTQ Việt Nam nên là đứng ra làm đầu mối tập trung.

Đồng chí Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lưu ý, việc phát huy vai trò giám sát của Mặt trận ở cơ sở cần phải nhấn mạnh hơn nữa vì một số địa phương hỗ trợ chưa đúng đối tượng và theo đúng định mức quy định. Vì vậy, MTTQ cần đề cao vai trò điều phối. Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ về mặt sinh kế lâu dài cho người nông dân khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt, cùng với hỗ trợ cấp bách khi thiên tai xảy ra, quan trọng nhất phải là vận động nhân dân chủ động ứng phó với thiên tai, tìm ra được sinh kế lâu dài, ổn định cho người dân để giảm thiểu tối đa tổn thương.

Cùng quan điểm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí đề xuất Mặt trận ở các địa phương cần giám sát việc phân chia cho đúng đối tượng được hỗ trợ. Bên cạnh đó, chủ trương chung là các địa phương khi gặp thiệt hại do thiên tai cần phải đưa ra đề xuất xử lý cụ thể.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TA)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cũng đề nghị Mặt trận giám sát chặt chẽ ngay từ đầu việc triển khai 500 triệu USD bồi thường của Formosa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là dành tối đa để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.  Bảo đảm làm sao số tiền bồi thường phải đến được tay người dân, không có thất thoát, tiêu cực…

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân biểu dương sự nỗ lực của Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam; cơ quan truyền thông báo chí; Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã hỗ trợ cho MTTQ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chăm lo đời sống nhân dân và thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng chí nhấn mạnh, chính nhờ sự nỗ lực của MTTQ các cấp, các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và báo chí đã giúp chương trình thành công.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng một số hạn chế như chưa lập được danh sách các hội dân; một số kinh phí chưa được chuyển về địa phương... cần được khắc phục. Do vây, cần xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, chuẩn bị cho 2017 và các năm tiếp theo mỗi khi xảy ra thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, có thể chủ động triển khai hỗ trợ nhân dân, không cần ký kết lại.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm triển khai việc hỗ trợ cho nhân dân; sớm công bố vùng ngư trường đánh bắt hải sản không an toàn (nếu có) để cho người dân yên tâm đánh bắt hải sản và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ dùng nguồn vốn của mình hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho ngư dân một số xã tại Nghệ An (giáp ranh với Hà Tĩnh). Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với MTTQ Việt Nam thực hiện chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào việc nâng cao công tác tuyên truyền, mở rộng đối tượng tuyên truyền Luật bảo vệ môi trường; lựa chọn và giám sát các doanh nghiệp đang và sắp hoạt động trong việc tuân thủ các hoạt Luật bảo vệ môi trường; lập danh sách các doanh nghiệp mới được thành lập để giám sát trong quá trình hoạt động, nếu có nguy cơ gây mất an toàn về môi trường cần thông báo kịp thời cho người dân và có phương án giám sát chặt chẽ.../.

 Nguồn: dangcongsan.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ