• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần có một khung pháp lý chặt chẽ để xác định những gì là không chấp nhận được trong quảng cáo

Thực hiện: Thế Công | 03/08/2023

(Tổ Quốc) - PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần có một khung pháp lý chặt chẽ để xác định những gì là không chấp nhận được trong quảng cáo, bao gồm những nội dung không lành mạnh, sai sự thật, hay vi phạm pháp luật. Việc xác định tiêu chuẩn này phải được thống nhất và minh bạch để tránh gây hiểu lầm và tranh cãi.

Cần có một khung pháp lý chặt chẽ để xác định những gì là không chấp nhận được trong quảng cáo - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Hồng Vân từng phải lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo thổi phồng công dụng một loại thực phẩm chức năng, khiến mọi người bức xúc.

Bộ VHTTDL mới đây đã có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó đề xuất bổ sung quy định hoạt động của người có ảnh hưởng như nghệ sĩ, KOLs khi quảng cáo sản phẩm.

Đề xuất này nhận được sự ủng hộ từ dư luận xã hội, thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một vấn đề phức tạp, cần có sự cân nhắc và thảo luận kỹ lưỡng giữa các cơ quan quản lý, các nghệ sĩ, và các chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý và đáng tin cậy.

Cần có một khung pháp lý chặt chẽ

Bày tỏ ủng hộ với đề xuất này của Bộ VHTTDL, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, xét trong bối cảnh nghệ sĩ là người của công chúng, nhận được sự quan tâm đặc biệt và tình cảm yêu mến của công chúng thì việc quảng cáo sản phẩm sai lệch này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực đối với khách hàng, xã hội và chính nghệ sĩ. Vì vậy, việc Bộ VHTTDL đề xuất nghệ sĩ phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn đầu tiên là cần có những định nghĩa rõ ràng và cụ thể về các tiêu chuẩn và quy định thẩm định. Cần có một khung pháp lý chặt chẽ để xác định những gì là không chấp nhận được trong quảng cáo, bao gồm những nội dung không lành mạnh, sai sự thật, hay vi phạm pháp luật. Việc xác định tiêu chuẩn này phải được thống nhất và minh bạch để tránh gây hiểu lầm và tranh cãi.

Để bảo đảm tính hiệu quả của việc thẩm định, cần phải xây dựng một hệ thống kiểm tra đáng tin cậy và chính xác. Có thể sử dụng các cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp và độc lập để thực hiện việc này. Tuy nhiên, việc xác định được sự trung thực của một sản phẩm nghệ thuật có thể là một quá trình phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, cần cân nhắc cẩn thận giữa việc bảo vệ tính sáng tạo và tự do nghệ thuật và việc áp dụng quy định thẩm định. Nếu quá chặt chẽ trong việc kiểm duyệt, có thể làm hạn chế sự sáng tạo và đa dạng trong lĩnh vực nghệ thuật.

Cùng với đó là để thực hiện việc kiểm tra và giám sát thì việc thẩm định sản phẩm cần có nguồn lực và chi phí đáng kể để thực hiện một cách hiệu quả và bền vững. Hệ thống kiểm tra, giám sát cần có cơ chế quản lý khiếu nại và xử lý vi phạm một cách công bằng và nhanh chóng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên liên quan và đảm bảo quy trình xử lý minh bạch và khách quan.

Tạo cơ chế đảm bảo tính độc lập và khách quan trong việc thẩm định sản phẩm

Về chế tài thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng đây là một quá trình phức tạp và cần sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả trong hoạt động quảng cáo những cũng bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật.

Để làm được điều đó, trước hết, tiêu chuẩn và quy trình thẩm định cần được định rõ, công khai và minh bạch thông qua việc công bố đầy đủ thông tin về cách thức kiểm tra, xếp hạng và giám sát sản phẩm. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và tin cậy trong quá trình thực hiện chế tài.

Cần tạo ra các cơ chế đảm bảo tính độc lập và khách quan trong việc thẩm định sản phẩm. Cơ quan thẩm định không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các bên liên quan hoặc lợi ích cá nhân. Các thành viên của cơ quan thẩm định cần có kiến thức chuyên môn và chuyên sâu về lĩnh vực nghệ thuật và quảng cáo.

Quá trình thẩm định cũng cần tôn trọng sự đa dạng và sáng tạo trong nghệ thuật. Không nên hạn chế những ý tưởng mới lạ và tiềm năng chỉ vì chúng không tuân thủ các quy tắc truyền thống.

Đồng thời, cần xác định rõ quy trình xử lý khiếu nại và xử lý vi phạm một cách công bằng và hiệu quả. Nếu có các sản phẩm quảng cáo vi phạm tiêu chuẩn, cần có biện pháp xử phạt phù hợp để đảm bảo tính nghiêm minh của chế tài. Bên cạnh đó, cần cung cấp hướng dẫn và tư vấn cho nghệ sĩ và các nhà quảng cáo về quy trình thẩm định và tiêu chuẩn để giúp tăng cường hiểu biết và tuân thủ từ phía người tham gia.

"Cuối cùng là việc thực hiện chế tài cần sự hợp tác và liên kết với các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý, nghệ sĩ, công chúng và các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan để giúp bảo đảm tính toàn diện và hài hòa trong việc thực hiện chế tài" - ông Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Cần làm rõ thế nào là người có tầm ảnh hưởng?

Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, đề xuất này của Bộ VHTTDL rất hay, thiết thực và hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong đề xuất cũng cần làm rõ hơn, thế nào là người có tầm ảnh hưởng, ở mức độ nào? Thứ hai là cần thêm có những cơ sở pháp lý đối với chứng nhận tiêu chuẩn của các sản phẩm này. Những người tham gia quảng cáo buộc phải hiểu, phải đọc mới nhận lời quảng cáo cho các sản phẩm đó.

Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề phức tạp, cần có sự cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng giữa các cơ quan quản lý, các nghệ sĩ và các chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý và đáng tin cậy. Chính vì thế một vấn đề đặt ra là khi các nghệ sĩ, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo dùng và thẩm định sản phẩm thì ai sẽ là người kiểm tra, giám sát, đánh giá độ xác thực của những đánh giá đó đang là vấn đề cần quan tâm.

TS Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng nên có một khung khi đưa ra một chế tài. Tức là khi các nghệ sĩ tham gia quảng cáo, nếu họ thể hiện cảm xúc của họ thì chỉ về cái việc sử dụng sản phẩm đấy thôi. Còn về chất lượng của sản phẩm thì phải có những minh chứng. Nếu như chúng ta làm được câu chuyện này thì không cần quan tâm đến việc thẩm định những lời các nghệ sĩ nói bởi vì những lời đó nó chỉ mang tính chất cảm xúc.

"Quan trọng nhất là phải có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các nhà chuyên môn, đặc biệt là các cơ quan khoa học. Chẳng hạn như thuốc đông y thì phối hợp với hội đông y, các nhà đông y thẩm định về chất lượng các sản phẩm đó. Bên cạnh đó cũng cần những chế tài, quy trình hướng dẫn việc này thì mới làm được và làm dần dần chứ không thể làm ngay tất cả các sản phẩm" - TS Đặng Vũ Cảnh Linh nói.

Việc thực hiện chế tài thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một quá trình phức tạp và cần sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả trong hoạt động quảng cáo nhưng cũng bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Chính vì thế, không thể nóng vội mà cần phải có một lộ trình.

"Trên thực tế, quyền lợi của người tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi. Cho nên cần có những chế tài mạnh để xử lý các trường hợp quảng cáo sai sự thật. Đặc biệt là từ phía doanh nghiệp, bởi vì đôi khi những người quảng cũng căn cứ vào hợp đồng, nên các doanh nghiệp phải có sự cam kết rõ ràng về sản phẩm của mình" - TS Đặng Vũ Cảnh Linh nêu quan điểm.

NỔI BẬT TRANG CHỦ