(Tổ Quốc) - Trước thực trạng đạo đức nhà giáo xuống cấp, nhiều sự việc liên quan đến đạo đức, phẩm cách nhà giáo xảy ra gây bức xúc trong xã hội, trong lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đào tạo giáo viên môn Giáo dục công dân hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo Đổi mới đào tạo giáo viên Giáo dục công dân đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo thông tin đăng tải trên trang tin của Trường, GS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ tại Hội thảo: Trong thế giới hội nhập, việc giáo dục để có những công dân hiện đại ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ở đó cần hai thành tố, đó là: Trách nhiệm của công dân đối với đất nước và công dân trong môi trường toàn cầu hoá. Những chuẩn mực, giá trị và định chế phải được giáo dục từ nhà trường, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước trong thời kì hội nhập. Điều đó không chỉ yêu cầu cao với chương trình giáo dục phổ thông nói chung và môn Giáo dục công dân nói riêng, mà còn yêu cầu cao hơn đối với người triển khai, thực hiện - đó là đội ngũ thầy cô dạy môn học này.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều trường sư phạm mở thêm mã ngành đào tạo giáo viên môn Giáo dục công dân nên nguồn cung giáo viên dồi dào hơn, tỷ lệ giáo viên môn học được đào tạo đúng chuyên ngành tăng lên, giúp môn học ngày càng đáp ứng tốt hơn mục tiêu giáo dục. "Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng đứng trước yêu cầu của việc thực hiện chương trình mới, việc đào tạo giáo viên môn Giáo dục công dân hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải đổi mới ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo, đặc biệt là mục tiêu, nội dung chương trình và phương thức, mô hình đào tạo. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần có một sự đổi mới nhiều mặt"- GS. Nguyễn Văn Minh bày tỏ.
Ảnh minh họa: GD&TĐ
Đến dự Hội thảo, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ về những điểm mới trong mục tiêu giáo dục, trong đó chương trình môn Giáo dục công dân xác định 4 mạch nội dung và triển khai mỗi mạch nội dung đó thành các chủ đề học tập ở từng lớp học và chuyên đề học tập ở cấp trung học phổ thông, bao gồm: Giáo dục đạo đức, Giáo dục kĩ năng sống, Giáo dục kinh tế, Giáo dục pháp luật.
Bên cạnh việc kế thừa ưu điểm của chương trình hiện hành, chương trình môn Giáo dục công dân mới có sự phát triển so với chương trình hiện hành: Chú trọng giáo dục những kĩ năng sống thiết thực đối với học sinh; Thay thế những kiến thức chính trị, hàn lâm bằng những kiến thức thiết thực với học sinh; Hoạt động của nền kinh tế; Hoạt động của nền kinh tế nhà nước; Lược bỏ các kiến thức triết học, đạo đức học trừu tượng, bổ sung những kiến thức thiết thực về pháp luật lao động, dân sự, hình sự, sản xuất, kinh doanh…