• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần tới 47 triệu người nhiễm COVID-19: Chiến lược "miễn dịch cộng đồng" của Anh đối mặt chỉ trích

Thế giới 14/03/2020 09:16

(Tổ Quốc) - Cách chính quyền Anh đối phó với sự lây lan của COVID-19 đang vấp phải những phản ứng tiêu cực từ giới khoa học.

Tờ The Guardian đăng tải, chiến lược đối phó COVID-19 và kế hoạch xây dựng "miễn dịch cộng đồng" của chính phủ Anh đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ cộng đồng khoa học. Ngày càng có nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi về việc các trường hợp nghi nhiễm không được tiến hành xét nghiệm, cũng như quyết định của Thủ tướng Boris Johnson chưa thực hiện các biện pháp phòng ngừa quyết liệt như tại nhiều nước khác.

Cần tới 47 triệu người nhiễm COVID-19: Chiến lược "miễn dịch cộng đồng" của Anh đối mặt chỉ trích - Ảnh 1.

Theo Telegraph, tính đến tối ngày 13/3, nước Anh có hơn 800 ca dương tính với COVID-19 (ảnh: BBC)

Giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Edinburg Devi Sridhar nhận định, chiến lược của Anh là "nguy hiểm".

"Chính phủ Anh giả sử phần trăm lớn dân số sẽ bị lây nhiễm (giống như một loại virus mùa) và các biện pháp tạm thời không có tác dụng. Vì vậy họ hướng tới mục tiêu, 80% [dân số], những người có các triệu chứng nhẹ, sẽ hình thành sự miễn dịch để bảo vệ 20% [còn lại] là những người có sức khỏe kém hơn. Nhưng điều này là nguy hiểm", bà Sridhar viết trên Twitter.

Còn tiến sỹ về y tế toàn cầu và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Oxford Peter Drobac chỉ ra, nước Anh đang tự đưa mình vào thế kẹt. Chia sẻ với BBC, ông Drobac nói: "Chính phủ đã đợi quá lâu mới có phản ứng và chúng ta thực sự phải nghi ngờ sự khôn ngoan của ý kiến rằng chúng ta có thể tiến hành các can thiệp vào khoảng cách giao tiếp đúng lúc để làm giảm đỉnh dịch. Họ đang thực hiện một cách tiếp cận khiến họ trở nên cô đơn trên thế giới. Và tôi nghĩ đó là một canh bạc".

Tương tự, giáo sư Anthony Costello, cựu giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới cũng đưa ra 8 câu hỏi liên quan tới chiến lược được cho là "miễn dịch cộng đồng" của chính phủ Anh. Theo ông, thông thường vaccine là một cách an toàn hơn để phát triển miễn dịch cộng đồng, do đó, "liệu có thiếu đạo đức khi thực hiện một chính sách có nguy cơ đem lại các tổn thất ngay lập tức - nhưng lại trên nền tảng là một lợi ích chưa chắc chắn trong tương lai". Ông lo ngại, chiến lược của Anh có thể đi ngược lại với chính sách của WHO. Sau khi công bố COVID-19 là một đại dịch, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhấn mạnh, "ý kiến các nước nên thay đổi từ kiềm chế sang làm giảm bớt là sai lầm và nguy hiểm".

Còn Giảng viên cấp cao danh dự Jeremy Rossman từ Đại học Kent phân tích: "Một chiến lược trì hoãn khi kết hợp giám sát và kiềm chế, như WHO khuyến cáo có thể rất hiệu quả để đối phó với sự lây lan của COVID-19. Nhưng nếu chúng ta làm giảm sự lây lan nhưng lại dựa vào 'miễn dịch cộng đồng' để bảo vệ những người dễ tổn thương nhất, chúng ta sẽ vẫn cần tới 47 triệu người bị lây nhiễm".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ