• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Căng với Moscow, nhưng Mỹ không thể ngừng mua động cơ tên lửa "độc" từ Nga?

Thế giới 05/07/2019 13:58

(Tổ Quốc) - Giữa căng thẳng leo thang trong quan hệ song phương với Moscow, ngành công nghiệp không gian của Mỹ vẫn phụ thuộc vào động cơ RD-180 do Nga sản xuất.

Mới đây một loạt các động cơ tên lửa RD-180 do Nga sản xuất đã được giao tới Mỹ theo đúng đơn đặt hàng. Trang RT đặt câu hỏi, tại sao trong khi giới chính trị liên tục yêu cầu chấm dứt hợp tác không gian với Moscow, Mỹ vẫn không thể không sử dụng các động cơ của Nga.

Về mặt chính thức, Washington luôn tuyên bố muốn "cứu" các đồng minh châu Âu không bị phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga. Nhưng có vẻ như, khi muốn đưa các thiết bị vào trong không gian, Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào Moscow.

Căng với Moscow, nhưng Mỹ không thể ngừng mua động cơ tên lửa độc từ Nga? - Ảnh 1.

Động cơ RD-180 do Nga sản xuất được lắp đặt trong các tên lửa Mỹ (ảnh: RT)

Ba động cơ RD-180 vừa tới Mỹ tuần trước sẽ được lắp đặt trong các tên lửa Atlas 3 và Atlas 5. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa công ty Nga NPO Energomash với United Launch Alliance (ULA) –công ty liên doanh giữa các "ông lớn" trong ngành hàng không Mỹ là Boeing và Lockheed Martin. ULA cũng là nhà thầu chính của Không quân Mỹ và NASA trong lĩnh vực phóng tàu vào không gian.

Hợp đồng dài hạn giữa Energomas và ULA được ký kết từ những năm 1990. Các động cơ Nga đã xuất hiện trong hơn 80 lần Mỹ phóng thiết bị vào không gian và được sử dụng trong các tên lửa chở theo vệ tinh quân sự - gián điệp Mỹ, cũng như các sứ mệnh của NASA.

Tại sao RD-180 là trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình không gian của Mỹ đến nỗi, giờ đây rất nhiều quan chức nước này mong muốn được từ bỏ chúng?

Nguy cơ và lợi ích

Vào cuối những năm 1980, khác với các động cơ sản sinh ra khí gas trong các tàu vũ trụ Mỹ, các động cơ do Liên Xô sản xuất không để phần phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu tên lửa bị phí phạm. Thay vào đó, phần phát sinh này được tái bơm vào khoang đốt, giúp động cơ có thêm năng lượng.

Nhiều năm trước khi Liên Xô sụp đổ, nhận thấy chức năng ưu việt của các động cơ như RD-170 và RD-180, Washington đơn giản là quyết định mua chúng và sử dụng trong các thiết bị của mình.

Anh không thể chỉ copy một động cơ – cho dù là của tên lửa hay máy bay – ngay cả khi đã sở hữu nó. Để tạo ra thứ gì đó tương tự như RD-180, cần phải có ít nhất 10 năm và 1 tỷ USD.

Mikhail Khodarenok

Ý tưởng chính là "Mỹ sẽ sớm sản xuất được loại động cơ giống như vậy" sau khi sở hữu được công nghệ - theo cựu nghị sỹ Bill Nelson chỉ ra. Mỹ thực sự cũng mua luôn công nghệ chính kèm theo hợp đồng với Nga, nhưng theo chuyên gia cấp cao Natan Aysmont tại Viện nghiên cứu không gian Nga, việc phát triển một động cơ tên lửa mới "tốn quá nhiều thời gian và quá đắt đỏ".

"Anh không thể chỉ copy một động cơ – cho dù là của tên lửa hay máy bay – ngay cả khi đã sở hữu nó. Để tạo ra thứ gì đó tương tự như RD-180, cần phải có ít nhất 10 năm và 1 tỷ USD", chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok giải thích.

"Ý định ban đầu không bao giờ được thực hiện và nó dẫn chúng ta tới tình huống như ngày hôm nay", nghị sỹ Nelson thừa nhận vào năm 2016.

Mỹ vẫn tiếp tục mua các động cơ RD-180 đã hoàn thiện. Bản thân Nelson gọi đó là "một động cơ tuyệt vời… đưa Atlas 5 – tên lửa đáng tin cậy nhất của chúng ta trong các vụ phóng quân sự, NASA và thương mại… lên quỹ đạo".

Mỹ không chỉ dựa vào các tên lửa Atlas 5. Falcon Heavy và Falcon 9 do công ty SpaceX phát triển đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa đủ sức thay thế cho Atlas 5. "Atlas 5 của ULA vẫn rất phổ biến trong cả thị trường dân dụng và thương mại", Jessica Rye, giám đốc truyền thông tại ULA cho hay. Atlas 5 đã có hơn mặt trong hơn 70 sứ mệnh với tỷ lệ phóng thành công là 100%.

Căng với Moscow, nhưng Mỹ không thể ngừng mua động cơ tên lửa độc từ Nga? - Ảnh 3.

Không dễ để Mỹ tìm kiếm được lựa chọn thay thế cho RD-180 (ảnh: RT)

Tìm kiếm lối ra

Năm 2014, các chính trị gia phản đối Nga tại Washington kiên quyết yêu cầu cấm sử dụng RD-180 trong bối cảnh quan hệ với Moscow đang ngày càng xấu đi vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tuy nhiên, lệnh cấm không tồn tại được lâu do ULA thành công phản biện rằng, quyết định cấm đồng nghĩa với việc dừng chương trình phóng vào không gian của Mỹ cho tới khi tìm ra được một sự lựa chọn thay thế nội địa nào khác.

Hai năm sau, cố nghị sỹ John McCain dẫn đầu một nhóm các nghị sỹ đã đạt được một thỏa thuận với Lầu Năm góc, trong đó quy định giảm dần mức độ sử dụng RD-180 cho tới năm 2022. Hồi tháng tư, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận, họ sẽ đáp ứng thời hạn trên. Điều này càng khiến ULA phải tăng tốc để phát triển được một mẫu động cơ đủ mạnh để thay thế RD-180.

Hiện có bốn công ty đang cạnh tranh để chế tạo được một động cơ tên lửa made-in-USA mới là SpaceX của Elon Musk, Blue Origin của Jeff Bezos, ULA và Northrop Grumman.

SpaceX và Blue Origin đã tuyên bố, họ đang phát triển và thử nghiệm các động cơ của riêng mình dựa trên những công nghệ tương tự như RD-180.

Động cơ BE-4 của Blue Origin cũng là một động cơ đốt giàu oxy trong khi Musk muốn tối đa hóa hiệu suất với việc nâng cấp công nghệ hiện tại và sử dụng methane thay vì kerosene làm nhiên liệu. Hồi tháng Hai, Musk tuyên bố, nhiều khả năng động cơ mới của họ có hiệu suất còn cao hơn cả RD-180.

Tuy nhiên, chưa một công ty Mỹ nào tiến hành các cuộc phóng thử nghiệm thực sự sử dụng các động cơ mới; từ đó cho thấy rõ ràng, quá trình phát triển vẫn chưa hoàn tất. Hợp đồng hiện tại mà Nga ký với Mỹ liên quan tới cung cấp động cơ RD-180 có thời hạn tới năm 2020. Liệu Musk và các công ty còn lại có đáp ứng thành công hạn chót 2022 mà Quốc hội Mỹ đưa ra hay không? Đây là câu hỏi mà chưa ai dám trả lời chắc chắn.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ