• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo sau vụ rơi máy bay ở Indonesia

Thế giới 01/07/2015 16:37

(Toquoc)- Quan ngại về an toàn hàng không và sự lạc hậu của trang thiết bị quân sự Indonesia đang trở thành vấn đề cấp thiết.

(Toquoc)- Quan ngại về an toàn hàng không và sự lạc hậu của trang thiết bị quân sự Indonesia đang trở thành vấn đề cấp thiết.

Trưa 30/6, chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của Không quân Indonesia đã phát nổ ngay sau khi cất cánh ở thành phố Medan, thuộc đảo Sumatra, miền Tây nước này và đâm xuống một khu dân cư phía Bắc thành phố. Máy bay cất cánh lúc 12h08 phút (giờ địa phương) và gặp nạn ngay sau đó 2 phút, cách căn cứ quân sự khoảng 5 km khi đang thực hiện vận chuyển hậu cần quân sự tới quần đảo Natuna hẻo lánh.

Tính đến ngày 1/7, Hãng tin AFP dẫn thông báo của Cảnh sát Indonesia cho biết tổng số người thiệt mạng trong vụ tai nạn trên đã lên tới 141 người. Sỹ quan cảnh sát Agustinus Tarigan có mặt tại một bệnh viện của thành phố Medan xác nhận: "Chúng tôi đã nhận được 141 thi thể."

Agus Supriatna, Tư lệnh không quân Indonesia cho biết phi công đã báo với đài kiểm soát rằng máy bay cần phải quay lại vì sự cố động cơ. Trong lúc phi công cố gắng rẽ phải để quay lại sân bay, máy bay rơi vào trạng thái mất kiểm soát và lao xuống đất.

Trước đó, trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Agus Supriatna cho biết có tổng cộng 113 người trên máy bay gặp nạn. Tuy nhiên, con số xác thực còn là một dấu hỏi khi máy bay khởi đầu bay từ thủ đô Jakarta và đã có 2 điểm dừng dọc đường là Pekanbaru và Dumai. Trong đó, nhiều hành khách là người thân của các quân nhân.

Phát ngôn viên của lực lượng không quân Dwi Badarmanto cho biết hiện chưa rõ nguyên nhân của vụ tai nạn tại Medan vừa qua cho đến khi nguyên nhân được tìm ra, 8 chiếc C-130 khác sẽ được giữ lại trong căn cứ để kiểm tra.



Công tác cứu hộ đang được thực hiện gấp rút để đưa thi thể các nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ tai nạn và hi vọng tìm kiếm người sống sót

Hồ sơ hàng không thiếu an toàn

Trong một thập kỉ qua, Indonesia có 10 tai nạn gây tử vong liên quan đến máy bay của các lực lượng quân sự, theo Mạng an toàn hàng không.

Ngay trong tháng 4 vừa qua, một máy bay chiến đấu phản lực F-16 đã bị trục trặc và bốc cháy khi chuẩn bị cất cánh tại Sân bay quân sự Halim Perdana Kusumah, Jakarta, Indonesia, thời điểm nước này chuẩn bị máy bay cho công tác bảo đảm an ninh ở hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Á – Phi.

Ngày 9/11/2013, một chiếc trực thăng Mi-17 của lục quân Indonesia rơi ở khu rừng Borne gần biên giới Indonesia và Malaysia khiến 13 người thiệt mạng. Ngày 21/6/2012, một chiếc Fokker-27 của không quân Indonesia đã gặp nạn khi đang tập luyện khiến 10 người thiệt mạng.

Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 20/5/2009, cũng một chiếc Hercules C-130 của lực lượng Không quân nước này rơi và bốc cháy ở tỉnh Đông Java, khiến ít nhất 96 người chết, 15 người bị thương. 

Từ năm 2007-2009, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm các hãng hàng không Indonesia bay tới châu Âu vì lo ngại an toàn. Tháng 12/2014 vừa qua khi chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAssia đi từ thành phố Surabaya (Indonesia) đến Singapore với 162 hành khách đã rơi xuống biển Java.

Các vụ tai nạn dấy lên quan ngại về tình trạng “lão hóa” của các máy bay quân sự cũng như sự thiếu đầu tư vào lực lượng không quân Indonesia.

Theo RIA Novosti, Không quân Indonesia có khoảng 17 chiếc C-130, được sản xuất từ năm 1964, phần lớn các máy bay này do Không quân Hoàng gia Australia viện trợ từ kho phi cơ cũ của họ. Các máy bay này đều trải qua thời gian sử dụng dài nên sự xuống cấp về kết cấu khung và thiết bị liên quan là khó tránh khỏi.

Cấp thiết để hiện đại hóa

Trước đó, ngay sau khi phi cơ F-16, một trong những loại vũ khí gần đây Mỹ hỗ trợ cho quân đội Indonesia gặp sự cố, nhiều chính trị gia và các nhà lập pháp hàng đầu Indonesia đã quan ngại về chính sách mua máy bay chiến đấu cũ, sau đó tân trang lại để tăng cường hệ thống phòng thủ không quân của đất nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngân sách của Indonesia sẽ được chi tiêu tốt hơn nếu mua máy bay quân dụng mới để giúp tránh được những sai sót kĩ thuật và cải thiện sức cạnh tranh tốt hơn với các nước khác trong khu vực. Đồng thời, lực lượng quân sự Indonesia có thể tiếp cận các công nghệ tiên tiến hơn và giảm thiểu được phí bảo trì động cơ ban đầu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã thừa nhận, với lượng ngân sách ít ỏi, khả năng phòng thủ hạn chế trong một không phận rộng lớn, nếu theo kế hoạch ban đầu, Jakarta chỉ mua được 6 chiếc máy bay quân dụng mới. Thay vào đó, nước này đã trả tiền cho việc bảo dưỡng và tu sửa máy móc và thiết bị cho 24 chiếc F-16 theo chương trình hỗ trợ của quân đội Mỹ. Những chiếc máy bay này tạm đáp ứng được nhu cầu sử dụng và giúp phi công Indonesia nhanh chóng theo kịp với kĩ năng lái hiện tại.

Mặc dù, ngân sách quốc phòng của Indonesia chiếm gần 1/5 tổng chi tiêu của cả khu vực Đông Nam Á trong năm 2014, nhưng chỉ chiếm 0.8% GDP nước này, con số thấp nhất trong khu vực, theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.

Trong thời điểm hiện nay, Indonesia vẫn tiếp tục tiếp nhận vũ khí thời kì đầu do các nước khác hỗ trợ. Nước này đang chờ giao nhận 19 chiếc F16 tiếp theo từ lực lượng không quân Mỹ.

Vụ tai nạn này cho thấy chúng ta cần phải đổi mới hệ thống máy bay và các thiết bị quân sự," Pramono Anung, một nghị sĩ và thành viên của Ủy ban giám sát quốc phòng thuộc quốc hội Indonesia cho biết.

"Những chiếc Hercules này đã cũnhiều trong số vũ khí hiện nay của chúng ta cũng đã quá lạc hậu. Quốc hội sẽ hỗ trợ nhiều ngân sách hơn cho quân đội để họ có thể nâng cấp hệ thống vũ khí tiên tiến hơn." Pramono Anung cho biết.

Trên Twitter, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gửi lời chia buồn chân thành tới các gia đình nạn nhân. Và sau khi các biện pháp xử lí khẩn cấp được hoàn thành, chính phủ sẽ đánh giá tuổi sử dụng của các máy bay không quân và nhiều thiết bị quân sự khác, ông Jokowi cho biết.

Tổng thống Joko Widodo, ngay từ khi nhậm chức năm 2014 đã cho biết ông có kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quân sự, đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Bên cạnh việc xem xét lại chính sách tiếp nhận vũ khí quân sự, nước này cho rằng sẽ phải đầu tư mạnh mẽ hơn cho việc đổi mới trang thiết bị vũ khí quân sự, đặc biệt cho lực lượng không quân.

An Hoa

NỔI BẬT TRANG CHỦ