• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo “sức ép”: Quân sự Iran mở thế trận Syria, Iraq và Lebanon

Thế giới 19/04/2018 10:25

(Tổ Quốc) - Sức ép từ Mỹ và phương Tây khó có thể ngăn Iran tiếp tục chiến lược quân sự của riêng mình, cũng như tăng cường hiện diện tại Trung Đông.

Nhà lãnh đạo tối cao Iran ngày 18/4 đã nói với các quan chức hàng đầu đất nước rằng, họ đang phải đối mặt với những mối đe dọa về gián điệp và lật đổ từ các kẻ thù nước ngoài – những người đang tìm cách phá hoại nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng như muốn tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông.

Lập trường cứng rắn của Iran

Nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei nói với các quan chức Bộ Tình báo Iran rằng hãy sẵn sàng để chống lại một "cuộc chiến tình báo" trước dư luận công chúng và bảo vệ sự toàn vẹn của hệ tư tưởng đất nước – điều đòi hỏi cả chiến lược tấn công kết hợp phòng thủ. Ông Khamenei bày tỏ sự đánh giá cao các điệp viên nước này đã ngăn chặn các "hệ thống tình báo của phe đối lập" và đề nghị xây dựng một mặt trận thống nhất vào thời điểm căng thẳng đang gia tăng với Mỹ, Israel và Saudi Arabia.

Trên trang web chính thức của mình, ông Khamenei nói rằng, "Chúng ta hiện đang đứng giữa một chiến trường rất lớn, một mặt là hệ thống Cách mạng Hồi giáo, mặt khác là mặt trận khổng lồ, mạnh mẽ của kẻ thù. Chúng ta phải chống lại cuộc chiến này, vượt lên đối thủ. Chúng ta phải phát triển các chiến thuật tấn công bên cạnh các biện pháp phòng thủ, do đó các cơ quan tình báo của chúng ta cần đưa ra một kế hoạch chiến lược."

Phát biểu trong cuộc diễu binh quân sự và tên lửa ngày 18/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, nước này sẽ sản xuất hoặc mua bất cứ vũ khí nào cần thiết để tự bảo vệ mình giữa một khu vực đang bị "các cường quốc xâm lược" bao vây.

Iran tổ chức diễu binh quân sự ngày 18/4 tại Tehran. (Nguồn: AFP)

Bộ Ngoại giao Iran ngày 17/4 cũng đã có những tuyên bố mạnh mẽ phản đối các cuộc không kích của Israel – đã khiến một binh lính Iran thiệt mạng tại căn cứ Syria tuần trước, cảnh báo rằng "Tel Aviv sẽ bị trừng phạt vì hành động hung hăng của mình."

Động thái này theo sau một vụ không kích bằng tên lửa hành trình của Mỹ, Pháp và Anh cuối tuần trước nhằm vào ba trung tâm nghiên cứu của chính phủ Syria – những nơi được cho là có liên quan tới việc phát triển vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.

Sức ảnh hưởng tại Syria, Iraq và Lebanon

Iran là một đồng minh vững chắc của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và cùng với Nga, đã hỗ trợ chính quyền Syria thắng thế trong cuộc nội chiến bảy năm qua trước lược lượng đối lập được phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập vùng Vịnh hỗ trợ.

Khi nhà lãnh đạo Syria tuyên bố giành chiến thắng tại nhiều khu vực trên toàn đất nước, và cuộc chiến chống IS sắp đến hồi kết thì Iran được cho là đang ngày càng tăng cường hiện diện tại Syria. Ông Alaeddin Boroujerdi, người đứng đầu ủy ban an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại trong Quốc hội Iran hôm thứ Hai cho biết ông sẽ sớm tới thăm Syria sau khi nước này vừa trải qua một cuộc tấn công của phương Tây.

Iran cũng đang tăng cường mối quan hệ với nước Iraq láng giềng sau khi hỗ trợ nước này chống lại IS và thành lập một lực lượng dân quân đầy quyền lực tại đây - tổ chức Shia al-Hashd al-Shaabi hay còn gọi là Lực lượng Huy động phổ biến. Khi IS đã thất bại tại nước này, lực lượng dân quân trên đã trở thành thành viên chính thức trong lực lượng vũ trang Iraq. Họ thậm chí đã đe dọa sẽ trục xuất quân đội Mỹ tại Iraq bằng vũ lực.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami ngày 18/4 đã đến Baghdad trong chuyến thăm hai ngày mà ông cho biết chủ yếu nhằm mục đích "tăng cường hợp tác quốc phòng và quân sự giữa Iran và Iraq", theo The National. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đang thận trọng cân bằng lợi ích trong mối quan hệ với các bên Iran, Saudi Arabia và Mỹ trước cuộc bầu cử tháng tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami đến thăm Iraq ngày 18/4. (Nguồn: Reuters)

Lebanon cũng dự kiến tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng tới, cuộc bầu cử lần đầu tiên trong 9 năm qua. Iran có ảnh hưởng lớn đến Lebanon sau khi họ hỗ trợ phát triển sức ảnh hưởng của phong trào Hồi giáo Shiite Hezbollah tại nước này. Hezbollah, bị Hoa Kỳ và một số đồng minh coi là một tổ chức khủng bố, hiện là chính đảng chính trị lớn thứ 2 tại nước này trong liên minh cầm quyền. Hezbollah đã triển khai một số lượng lớn lực lượng để chiến đấu với quân nổi dậy Syria và lực lượng cực đoan ở Syria và Lebanon.

Tờ báo hàng đầu Lebanon Al-Nahar ngày 18/4 đăng tải thông tin rằng Tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, đã đến thăm vùng ngoại ô phía nam của Beirut hồi đầu tháng này để gặp nhà lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah.

Mỹ và phương Tây tăng sức ép

Mỹ và châu Âu thời gian gần đây đã chỉ trích Iran về việc phát triển tên lửa đạn đạo và tăng cường sức ảnh hưởng tại Trung Đông. Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố có thể sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA) với Iran nếu những yêu cầu của ông không được thực hiện.

Các cuộc thanh sát quốc tế đã cho thấy Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận này, còn các nước ký kết JCPOA khác là Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Anh - tất cả đều thúc giục ông Trump không từ bỏ thỏa thuận này khi thời hạn để ông Trump ra quyết định này là vào ngày 12/5 tới.

Tuy nhiên, Nhà Trắng lập luận rằng thỏa thuận này đã cho Iran hưởng lợi quá nhiều về việc giảm trừng phạt, trong khi chưa hiệu quả trong việc ngăn Tehran tài trợ cho các nhóm bị Mỹ coi là khủng bố, phát triển tên lửa đạn đạo và cuối cùng là tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Hạn chót về JCPOA của ông Trump đang đến gần, quan hệ giữa Iran và phương Tây đang đứng giữa một bước chuyển mới khó lường hơn. 

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ