• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo: Vay tiền qua mạng, người phụ nữ bay từ TPHCM ra Hà Nội chờ giải ngân nhưng nhận cái kết đắng

Thực hiện: Minh Ngọc | 03/04/2023

(Tổ Quốc) - Đối tượng lên mạng đăng thông tin cho vay, trả góp không cần tài sản thế chấp với lãi suất hấp dẫn chỉ tương đương lãi suất ngân hàng, giải ngân nhanh gọn.

Ngày 3/4, chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Hoa (ở TP Hồ Chí Minh) cho biết, hai ngày vừa qua chị đã mất công bay ra Hà Nội chờ đợi để được giải ngân số tiền 300 triệu đồng.

Bay từ TPHCM ra Hà Nội để vay tiền

Chị Hoa kể, trước đó vài ngày trên FB xuất hiện quảng cáo hỗ trợ cho vay, trả góp, chị Hoa liên hệ qua tin nhắn thì lập tức các đối tượng xin số điện thoại kết bạn qua Zalo, trong cuộc trao đổi, đối tượng nói chị cần phải cung cấp thông tin cá nhân, mục đích vay (đại loại hỏi đúng nghiệp vụ ngân hàng). Sau đó đối tượng xác nhận chị Hoa có thể được vay lên đến 300 triệu/ lãi suất 0,9%. Trả trong vòng 36 tháng. Nếu chị Hoa đồng ý thì nhân viên sẽ bắt đầu xúc tiến hồ sơ.

Vay tiền qua mạng, người phụ nữ từ miền Nam bay ra Hà Nội chờ giải ngân nhưng nhận cái kết đắng - Ảnh 1.

"Khách hàng" đặt vé bay ra Hà Nội theo địa chỉ đối tượng cung cấp nhưng đến nơi thì "tài khoản đã khóa"

"Nghe những lời tư vấn của nhân viên ngân hàng với giọng điệu câu từ rất nghiệp vụ, lãi chỉ từ 0,9-1,3%, nhân viên nói rằng qua kiểm tra hồ sơ tôi đã cung cấp thì rất đầy đủ, nếu đồng ý thì xác nhận "OK", sau đó đối tượng xác nhận tôi sẽ được giải ngân trong 48 tiếng đồng hồ. Tôi không nghi ngờ nên xác nhận vay khoản tiền trên".

Theo chị Hoa, sau cuộc trao đổi một lúc, nhân viên ngân hàng điện thoại thúc giục tôi chuẩn bị hồ sơ khi nào phía ngân hàng gọi thì đến trụ sở làm thủ tục giải ngân.

Lúc này, chị Hoa trả lời do đang ở Sài Gòn nên phải mua vé máy bay: "Chúng biết tôi đang ở tận Sài Gòn nên nói rằng em đang ở ngân hàng chờ chị đây rồi, liền sau đó bảo tôi chuyển 10 triệu đồng làm thế chấp, khi ra đến nơi giải ngân thì sẽ trả lại", chị Hoa cho biết, sau khi thực hiện các yêu cầu của nhân viên này, thậm chí có lúc các đối tượng còn tạo ra tình huống gây "khó dễ" rồi hẹn ngày giờ đến trụ sở ngân hàng để giải ngân, khách hàng đặt vé máy bay ra Hà Nội tìm đến địa chỉ mà đối tượng cung cấp thì không liên lạc được.

Chị Hoa cho biết thêm, chị kiên trì ở lại Hà Nội thêm một ngày với hy vọng "nhân viên ngân hàng" sẽ xuất hiện, tuy nhiên quá trình tìm hiểu qua một số người bạn thì được biết nhiều người cũng từng bị cú lừa tương tự.

Vay tiền qua mạng, người phụ nữ từ miền Nam bay ra Hà Nội chờ giải ngân nhưng nhận cái kết đắng - Ảnh 2.

Quảng cáo cho vay nhưng không có địa chỉ cụ thể, tên đơn vị cho vay (ảnh chụp màn hình một thành viên quảng cáo cho vay)

Làm thế nào để nhận diện kẻ lừa đảo?

Về thủ đoạn trên, trao đổi với chúng tôi chuyên gia Công nghệ thông tin Đặng Trường Lâm (Công ty CP Công nghệ & Giải pháp Tâm Việt) cho rằng, chỉ cần nhận diện qua hình thức quảng cáo trên đã đủ thấy đây là trò lừa đảo, người nào không tỉnh táo rất dễ sa bẫy.

"Rất ít ngân hàng đăng quảng cáo cho vay qua một cá nhân, thông tin quảng cáo nhưng không rõ địa chỉ cụ thể, tên đơn vị, không có tên ngân hàng cụ thể cho thấy đây không phải là "chính chủ".

Chuyên gia công nghệ cũng chỉ rõ, qua kiểm tra số điện thoại trong Zalo của đối tượng có hình ảnh "ava" mang thương hiệu của một số ngân hàng, đây chắc chắn là hình ảnh được lồng ghép để thu hút và tạo niềm tin đối với khách hàng, đồng thời cảnh báo người dân không nên đăng nhập vào các trang website lạ, cũng không nên giao dịch với các số điện thoại lạ khi không biết rõ đối tượng là ai….

Địa chỉ các đối tượng hẹn giao dịch khi đến nơi là tòa nhà và đối tượng tắt điện thoại

Địa chỉ các đối tượng hẹn giao dịch khi đến nơi là tòa nhà và đối tượng tắt điện thoại

Cảnh giác đối với những loại hình cho vay tiền trên mạng

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) chạy quảng cáo để tiếp cận các bị hại.

Sau khi tiếp cận được nạn nhân, các đối tượng sẽ mồi chài đưa ra những thông tin ưu đãi ví dụ như trả góp với lãi suất hấp dẫn chỉ tương đương lãi suất ngân hàng, giải ngân nhanh gọn. không cần phải chứng minh thu nhập v v … Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân để tiếp tục hành vi lừa đảo của mình.

Trong trường hợp này chị Hoa đã bị các đối tượng yêu cầu chuyển 10 triệu đồng làm thế chấp, khi ra đến nơi giải ngân thì sẽ trả lại. Nhưng khi ra đến nơi tìm đến địa chỉ mà đối tượng cung cấp thì không liên lạc được. Hành vi mà các đối tượng này thực hiện đã có đủ yếu tố cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại

Qua câu chuyện này, người vay tiền cần đề cao cảnh giác đối với những loại hình cho vay tiền trên mạng, không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho cá nhân hay tổ chức liên quan đến loại hình cho vay tiền trên mạng nếu như chưa biết rõ thông tin, nguồn gốc và địa chỉ cụ thể của bên cho vay.

Bên cạnh đó, nếu như có nhu cầu về vay tiền người dân nên ra những ngân hàng chính thống, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là loại chuyển tiền qua Internet banking, Mobile banking, tùy theo từng vụ án cụ thể, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt sẽ rất khó khăn. Do đó, các trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo Cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Lời chào hấp dẫn thu hút nhiều người quan tâm

Lời chào hấp dẫn thu hút nhiều người quan tâm

Ngân hàng cảnh báo thủ đoạn giả mạo nhân viên ngân hàng lừa cho vay tín chấp

Về hình đại diện của đối tượng sử dụng logo ngân hàng VPbank, trao đổi với chúng tôi, đại diện đơn vị này cho biết đã có rất nhiều cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo liên quan đến tội phạm.

Đối tượng tự xưng là cán bộ ngân hàng, hứa hỗ trợ khoản vay tín chấp nhưng phải đóng phí bảo hiểm vào tài khoản cá nhân kèm theo nhiều thủ đoạn khác nhằm "moi" thêm tiền. Đây là chiêu thức lừa đảo đang nổi lên hiện nay.

Cụ thể, các đối tượng sẽ yêu cầu "khách hàng" thực hiện các bước.

Bước 1: Thông báo khách hàng đủ điều kiện vay tín chấp và yêu cầu Khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để mở hồ sơ vay.

Bước 2: Thông báo khoản vay đã được phê duyệt và hạn mức tương ứng, yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí bảo hiểm vào tài khoản cá nhân do kẻ gian cung cấp

Bước 3: Sau khi khách hàng đã chuyển khoản phí bảo hiểm, đối tượng dọa hồ sơ vay của khách hàng đang "có vấn đề", hệ thống ghi nhận nợ xấu cần đóng tiền để xóa nợ xấu,….và yêu cầu khách hàng đóng thêm tiền để xử lý. Nếu không nộp tiền sẽ không nhận được tiền vay nhưng vẫn bị tính là đã phát sinh dư nợ với ngân hàng, đồng nghĩa với việc vẫn phải thanh toán cả gốc và lãi của khoản vay.

Bước 4: Sau khi nhận được đủ tiền, đối tượng cắt đứt liên lạc và khách hàng mất toàn bộ số tiền

Rất nhiều khách hàng đã "sập bẫy" kẻ gian vì chưa hiểu rõ quy trình vay vốn tại các ngân hàng. Để nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, tránh thiệt hại về tài sản, VPBank khuyến cáo Khách hàng cần lưu ý:

VPBank cam kết không bao giờ yêu cầu Khách hàng nạp tiền/chuyển khoản/ đưa tiền mặt hay thu phí mở hồ sơ vay vốn cho bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên ngân hàng.

Cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng tiếp thị và hướng dẫn vay vốn không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn.

Nhân viên VPBank không được phép thu hộ/đóng hộ bất kỳ khoản tiền nào cho Khách hàng. Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.

Không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email. Tuyệt đối không nạp tiền, chuyển tiền cho người lạ với nội dung để mở thẻ tín dụng, vay vốn ngân hàng hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ khác.

Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

NỔI BẬT TRANG CHỦ