(Tổ Quốc) - Ước tính 400 triệu người có thể bị ảnh hưởng khi đập Tam Hiệp ở Trung Quốc - con đập lớn nhất thế giới - bị đe dọa bởi mưa lớn và lũ lụt.
Cảnh báo nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp là công trình được xây dựng trên sông Dương Tử, vị trí tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Trong khi mưa lớn gây lũ lụt tiếp tục gây thiệt hại ở hơn 20 tỉnh của Trung Quốc Đại lục, nhà khoa học thủy văn người Hoa Wang Weiluo, hiện sống và làm việc tại Đức, mới đây nêu nghi vấn về sự an toàn của đập Tam Hiệp, đồng thời cảnh báo con đập này có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào.
Taiwan News ngày 22/6 dẫn lời ông Wang nói rằng các công đoạn thiết kế, thi công, kiểm định chất lượng của đập Tam Hiệp được thực hiện bởi cùng một nhóm phụ trách, và sự án được hoàn thiện quá nhanh.
Theo Wang, chính thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Ye Jianchun ngày 10/6 xác nhận mực nước tại ít nhất 148 con sông ở nước này đã dâng lên trên ngưỡng cảnh báo, cho thấy đập Tam Hiệp có tác dụng hạn chế trong việc ngăn lũ.
Chuyên gia gốc Hoa này thể hiện mối quan ngại về chất lượng con đập khổng lồ. Ông cảnh báo nếu đập Tam Hiệp "thất thủ", hậu quả thảm họa sẽ xảy đến với cư dân ở vùng hạ lưu sông Dương Tử, và mọi người cần sẵn sàng để sơ tán nhanh nhất có thể.
Ở miền Nam Trung Quốc, các trận mưa lớn cục bộ và lở đất ghi nhận từ 1/6 đã cuốn đi hơn 7.300 ngôi nhà và ảnh hưởng đời sống của gần 8 triệu người, tính đến ngày 21/6.
Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 26/7 cho biết 81 người thiệt mạng hoặc mất tích, trong khi hơn 740.000 người được sơ tán vì thời tiết khắc nghiệt. Kể từ đầu tháng 6, năm đợt mưa lớn đã ảnh hưởng tới ít nhất 13 triệu người tại 26 tỉnh, thành phố và khu tự trị của Trung Quốc.
Chuyên gia Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp an toàn
Mưa lớn kéo dài cũng làm dấy lên lo ngại của người dân Trung Quốc về khả năng chống chịu của đập thủy điện lớn nhất thế giới.
Dù vậy, các chuyên gia Trung Quốc bác bỏ hoàn toàn nghi ngờ về khả năng đập Tam Hiệp bị vỡ, nhấn mạnh con đập đến nay vẫn nguyên vẹn, trong khi mưa lớn tiếp tục hoành hành và mực nước hồ chứa vượt 2m so với ngưỡng kiểm soát lũ - đạt 147m tính đến ngày 21/6.
Hoàn Cầu cho hay, lượng trữ nước tăng tại đập Tam Hiệp đã tạo cớ cho nhiều "tin đồn" về sự biến dạng cấu trúc và nguy cơ vỡ đập.
Guo Xun, nhà nghiên cứu tại Viện Cơ học Kỹ thuật thuộc Cục Quản lý Động đất Trung Quốc, khẳng định đập Tam Hiệp có khả năng trữ nước lớn hơn nhiều so với mức độ hiện nay.
Ông Guo nói, đập Tam Hiệp được thiết kế để tiếp nhận mực nước lên đến 175m - với rủi ro xảy ra chỉ là "ngàn năm có một", hay lưu lượng chảy vào tương đương 70.000 m3/giây. Do đó, mực nước 147m là an toàn đối với công trình.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng mực nước trong hồ chứa vượt 2m so với mức kiểm soát lũ cho thấy đập cần xả lũ để cân bằng dòng chảy và ngăn mực nước tiếp tục tăng lên - một thông lệ trong mùa mưa.
(Ảnh: Getty Images)
Những suy đoán rằng thảm họa sẽ xảy ra với đập Tam Hiệp từ nhiều năm nay đã lan truyền trên mạng Internet cả trong và ngoài Trung Quốc.
Vào năm 2019, một ảnh vệ tinh của Google Maps cho thấy đập có dấu hiệu bị cong, làm bùng lên lo ngại về khả năng nó bị rạn nứt. Nhà vận hành đập Tam Hiệp - công ty CTGC - khi đó khẳng định dữ liệu giám sát minh chứng đập hoạt động trong điều kiện bình đường, dự án an toàn và bảo đảm.
Theo ông Guo Xun, đập Tam Hiệp được trang bị nhiều kênh "theo dõi sức khỏe", cho phép phát cảnh báo khi có những dấu hiệu bất thường như việc biến dạng công trình từ rất sớm, trước khi những biến đổi có thể quan sát thấy.
Vào sáng ngày 27/6, thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, nằm cách đập Tam Hiệp 40km, đã xảy ra mưa lớn gây lụt lội. Chinanews (Trung Quốc) mô tả, thành phố này dường như đã bị "bao vây" trong biển nước.
Video do hãng này ghi lại cho thấy, một chiếc xe ô tô đã bị chìm sâu trong nước, cửa xe không thể mở, buộc cảnh sát phải phá kính để người bên trong xe thoát ra ngoài.
Một số ý kiến hoài nghi rằng, tình trạng lũ lụt xảy ra tại Nghi Xương có thể liên quan đến việc đập Tam Hiệp xả lũ.