• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cấp chứng chỉ trùng tu di tích để tránh tùy tiện

Giải trí 10/07/2013 07:28

(Toquoc)- Thông tư 18 ra đời là kịp thời, nếu không việc trùng tu di tích còn tùy tiện hơn nữa.

(Toquoc)- Thông tư 18 ra đời là kịp thời, nếu không việc trùng tu di tích còn tùy tiện hơn nữa.

Từ 1/7/2013, Thông tư 18 của Bộ VHTTDL có hiệu lực. Thông tư quy định, bên cạnh các chứng chỉ khác như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng... những người tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề. Đây là một quy định được xem là sẽ hạn chế nạn tùy tiện trong trùng tu di tích. Tuy nhiên, cũng có nhiều dư luận nghi ngờ tính hiệu quả của việc cấp chứng chỉ trùng tu di tích, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với KTS Lê Thành Vinh- Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích về vấn đề này.

+ Thưa ông, trước thực tế nhiều di tích bị trùng tu sai nguyên tắc, việc Bộ VHTTDL ra Thông tư về cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm trong lĩnh vực này có ý nghĩa gì?

- Thông tư 18 của Bộ VHTTDL vừa có hiệu lực theo tôi là một văn bản rất là cần thiết và quan trọng trong việc triển khai các hoạt động quản lý Nhà nước để thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Thông tư này đã quy định rất cụ thể, những người tham gia vào hoạt động tu bổ di tích phải có chứng chỉ hành nghề, và các cơ quan tham gia việc này cũng phải được cấp chứng nhận hành nghề. Theo tôi, đây là một chuyển biến hết sức tích cực và cần thiết trong việc quản lý chất lượng của công tác trùng tu di tích. Bởi vì, trước hết, nó sẽ thống nhất được nhận thức xã hội, người tham gia việc này cần có điều kiện. Ngoài ra nó cũng có tác dụng trực tiếp là sàng lọc đội ngũ những người trực tiếp tham gia hoạt động này và góp phần chuẩn hóa nghề nghiệp đặc thù là nghề tu bổ di tích.

 

KTS Lê Thành Vinh- Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Ảnh: Hồng Gấm)



+ Với đất nước có đến hàng nghìn di tích như nước ta, tình trạng trùng tu di tích không đảm bảo theo ông bao nhiêu phần trăm là do đội ngũ trùng tu không đạt chất lượng?

- Chưa có một nghiên cứu nào chính xác về việc trùng tu di tích chưa đúng nguyên trạng do đội ngũ trùng tu không chuyên nghiệp. Ở đây, tôi muốn nói, hậu quả của việc trùng tu di tích không được đảm bảo có nhiều nguyên nhân. Nhưng riêng về mặt đội ngũ thì có hai vấn đề. Một là có những đơn vị, tổ chức tham gia hoàn toàn không có khả năng về vấn đề trùng tu di tích. Hai là đội ngũ thực hiện không có khả năng và chưa có kinh nghiệm. Nói chung họ là những người không hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn mà vẫn được giao nhiệm vụ bảo tồn khiến hậu quả rất là trầm trọng. Ít nhất, Thông tư này sẽ sàng lọc được đội ngũ những người không có khả năng như vậy. Ngoài ra, còn một số người có khả năng nhất định nhưng chưa đủ kinh nghiệm, năng lực thì hoạt động bảo tồn di tích vẫn còn chưa đạt được chất lượng khoa học như mong muốn. Vì vậy, việc cấp chứng chỉ ít nhất loại trừ được những người không có khả năng trong việc này.

+ Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại rằng sẽ xảy ra hiện tượng đua nhau dạy và cấp chứng chỉ đào tạo dẫn đến chất lượng của đội ngũ được cấp chứng chỉ cũng chỉ là hình thức. Ông nghĩ sao về điều này?

- Khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, sẽ có những bước thực hiện để sao cho đạt được hiệu lực của văn bản đó. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất là khi văn bản đã ra như thế thì phải quản lý tất cả những việc dẫn đến kết quả thực hiện văn bản đó. Ví dụ, điều kiện người được cấp chứng chỉ hành nghề phải thông qua đào tạo, thế thì phải quản lý được chương trình đào tạo, cũng như đội ngũ những người giảng viên thực hiện chương trình đào tạo đó.

 

Từ 1/7/2013, những người tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề (Ảnh: Hồng Gấm)



Có thể nhiều cơ sở tham gia vào việc đào tạo cho những cá nhân để có kiến thức kỹ năng bảo tồn trùng tu. Theo tôi việc quan trọng nhất là phải được thực hiện theo khung chương trình nghiêm ngặt. Như là khung chương trình chúng tôi đang thực hiện trong vài ba năm nay là khá đầy đủ, tích hợp tất cả những lý thuyết và thực tiễn. Đặc biệt, trong chương trình đó, ngoài việc cung cấp những kiến thức cơ bản, cả vấn đề về quy phạm pháp luật, cũng như những nguyên tắc đã được công nhận trên thế giới, và đã được thực hiện rất hiệu quả trong thực tế, chúng tôi còn có thời lượng lớn dành cho các học viên tham gia đến các di tích cụ thể, đến các công trường đang tu bổ để tiếp cận công việc thực tế và làm bài tập thực hành. Nếu như các chương trình đào tạo đảm bảo được khung chương trình như thế thì ít nhất cũng cung cấp cho các học viên tương đối đủ kiến thức cơ bản để có thể áp dụng trên thực tế.

Chính vì vậy cho nên, sau này, nhu cầu xã hội càng ngày càng cao thì có thể có nhiều cơ sở giảng dạy nhưng phải chuẩn hóa giáo trình và phải có nhiều giảng viên cũng đủ kinh nghiệm, kiến thức, lâu năm trong nghề thì mới đảm bảo chất lượng đào tạo được.

+ Các kỹ sư, kiến trúc sư phải học 4, 5 năm trong nhà trường, còn khóa học trùng tu di tích chỉ có mấy tháng. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi về chất lượng các khóa học này?

- Chúng ta chưa có trường đại học nào đào tạo nguồn nhân lực trùng tu di tích, chỉ một số trường đại học có đào tạo kỹ sư, môn học và chuyên đề. Còn thực tế, đào tạo trùng tu di tích là đào tạo bổ sung, tức là, những người sau khi đã tốt nghiệp ở các trường đại học về kiến trúc, xây dựng, họ có kiến thức cơ bản rồi, để thêm kiến thức về tu bổ di tích thì đào tạo bổ sung, không cần thời gian nhiều. Nhưng nói như thế không có nghĩa chỉ một vài tuần là đủ. Vì hiện nay, chương trình của Viện là đào tạo cho những người đã có kinh nghiệm trong việc này rồi. Đầu vào lấy những kiến trúc sư, kỹ sư có ít nhất có 3 năm hoạt động trong lĩnh vực trùng tu, phải kê khai và xác nhận của những công trình trùng tu có kết quả. Từ đó, chúng tôi tiến hành bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng của họ, chuẩn hóa kiến thức. Trước mắt đấy là cách làm tốt nhất để điều chỉnh những người đang làm trong nghề này để họ sẽ làm tốt hơn. Còn việc đào tạo ngay từ đầu, những sinh viên mới tốt nghiệp trường kiến trúc ra thì phải cần chương trình dài hơn rất nhiều. Chúng tôi đang xây dựng chương trình đấy trong thời gian tới sẽ tiến hành áp dụng.

+ Thực tế ở ta chưa có đơn vị đào tạo đội ngũ trùng tu di tích, trong khi, Thông tư ra đời phải có chứng chỉ mới được thực hiện trùng tu. Phải chăng điều kiện thực tế chưa đáp ứng được Thông tư?

- Nếu không có thông tư này thì ai cũng có thể tham gia trùng tu di tích. Việc Thông tư ra đời đã sàng lọc được người thực hiện việc trùng tu di tích. Sau khi có sự sàng lọc này, tất nhiên, chủ đầu tư việc trùng tu cũng phải sàng lọc tiếp chứ không phải cứ có chứng chỉ là đảm bảo trùng tu được. Còn thực hiện chuẩn hóa trùng tu thì đòi hỏi phải có thời gian, dần dần. Thông tư ra đời là kịp thời, nếu không việc trùng tu di tích còn tùy tiện hơn nữa.

+ Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hoàng Hồng (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ