• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cây trồng biến đổi gen: Bài toán lợi ích và rủi ro

Thế giới 30/09/2015 05:34

(Toquoc)-Sinh vật biến đổi gen – liệu các lợi ích có bù lại những rủi ro đối với đời sống con người?

(Toquoc)-Sinh vật biến đổi gen – liệu các lợi ích có bù lại những rủi ro đối với đời  sống con người?

Biến đổi gen vốn là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp, tiếp tục gây rất nhiều tranh luận trong giới khoa học cũng như dư luận xã hội. Cây trồng biến đổi gen được đầu tư nghiên cứu tại Việt Nam từ năm 2006. Từ ngày 18/03/2015, các giống bắp của Dekalb (Monsanto) và Syngeta được cấp phép trồng phổ biến tại Việt Nam.

Nhiễu loạn sinh thái liên quan đến sinh vật biến đổi gen (GMO) - một sinh vật mà vật liệu di truyền của nó đã bị biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người - đã bắt đầu được chú ý trong nhũng năm gần đây khi xuất hiện nhiều vấn đề về sức khoẻ và hoạt động sản xuất kinh tế liên quan đến sử dụng trực tiếp cây trồng/vật nuôi GMO. Nhiều diễn đàn, hội thảo đã được tổ chức nhằm làm rõ các vấn đề về GMO.

Can thiệp, làm biến đổi nhân tạo bộ gen của sinh vật được coi là một trong các bước tiến vượt bậc của khoa học kỹ thuật thời đại, nhưng cũng là sự can thiệp thô bạo nhất vào quá trình tiến hóa tự nhiên đã diễn ra hàng tỷ năm trước khi con người xuất hiện. Biến đổi gen ở cây trồng không phải là vấn đề mới mẻ. Việc cải tạo gen cây trồng đã dẫn đến áp dụng rộng rãi hạt lai. Cũng như gen của người được kết hợp từ các bố mẹ, việc trao đổi gen cũng được tiến hành ở thực vật trong các chương trình nhân giống cây trồng. Kết quả rõ rệt là các sản phẩm con lai có ưu thế hơn bố mẹ của chúng. Tuy nhiên, con cháu của hai cây bố mẹ có các đặc điểm ưu việt đã chọn lai có thể có các đặc điểm không mong đợi sinh ra từ cặp gen lặn.

Công nghệ gen đã giúp giải quyết những rủi ro trong quá trình nhân giống bằng phương pháp cổ điển. Các gen được chọn từ các cơ thể gần gũi nhau hay hoàn toàn giống nhau được đưa vào bộ gen của bố mẹ. Kết quả là những đặc điểm bất lợi không mong muốn ít xuất hiện hơn hoặc không xảy ra. Tuy nhiên cũng không thể nói rằng không còn mối đe doạ nào. Thực tế, những rủi ro bên ngoài phòng thí nghiệm còn lớn hơn nhiều. Quá trình tạo nên một GMO hoàn thiện cần được kiểm chứng hoặc chuyển giao trên cánh đồng, trang trại. Ảnh hưởng của những biến đổi di truyền như vậy không thể được dự báo cho đến khi một GMO mới được kiểm chứng trong các thí nghiệm thực địa, hay trang trại. Rủi ro này thường chỉ nhận biết khi được áp dụng trên một diện tích trồng trọt rộng lớn và sau một thời gian đủ dài và trên diện rộng.



Cuộc Tọa đàm tại Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục làm rõ những lợi ích và rủi ro của  GMO đối với nông nghiệp và kinh tế Việt Nam

Trong buổi tọa đàm 13/8/2015, do Quỹ “Hòa bình và Phát triển” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, về những vấn đề biến đổi gen (BĐG) ở cây trồng Việt Nam, các nhà khoa học, diễn giả cũng đã thảo luận, đưa ra một số ý kiến nhằm áp dụng hợp lý về cây trồng BĐG hiện nay ở nước ta

Tuy nhiên, trên thế giới, cây trồng BĐG cũng vẫn là một đề tài gây nhiều tranh luận  trong giới lập pháp, cộng đồng học thuật lẫn công chúng.

Cách tiếp cận rất đa chiều, phức hợp và có ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai của nền nông nghiệp, cũng như kinh tế Việt Nam. Cây trồng BDG là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, đòi hỏi các bên liên quan, nhất là nông dân, giới truyền thông và công chúng, phải được tiếp cận các nguồn thông tin đa chiều rộng rãi.

Tầm quan trọng của chủ đề giống cây trồng BDG trong bối cảnh chương trình phát triển công nghệ sinh học của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn nước ta đang được thực hiện ráo riết. Hơn thế nữa, cây trồng BDG không phải là vấn đề chỉ thuộc Bộ NNPTNT, nông dân và các nhà khoa học, mà còn mang tính xã hội sâu rộng. Vì cuối cùng việc tiêu thụ các sản  phẩm của quá trình này liên quan đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của con người.

Có thể nhìn nhận vấn đề giống cây trồng BDG tại Việt Nam theo 5 khía cạnh: khoa học, nông nghiệp và nông dân, kinh tế, môi trường và con người, và cuối cùng là chính sách - chủ trương của nhà nước.

Về khoa học, giống cây trồng BDG đã được nghiên cứu từ năm 1996, nhưng nó vẫn còn mới, phức tạp, có nhiều biến chuyển trong khoa học. Về nông nghiệp và nông dân, vấn đề năng suất của giống cây trồng BDG đối với nông nghiệp Việt Nam còn chưa rõ ràng; nông dân có thực sự có lựa chọn dựa trên cơ sở hiểu biết hay không? Liệu công nghệ BDG có gây ra những rủi ro về kinh tế? Về mặt chính sách, với giống cây trồng BDG, nên sử dụng hàng loạt, nên sử dụng một phần, hay nên từ chối hoàn toàn là một câu hỏi phụ thuộc vào khu vực, thời điểm và tình huống cụ thể. Nếu cho phép triển khai trồng cây BDG, phương thức triển khai lại là một bài toán phức tạp khác.

Các cuộc thảo luận cho thấy vẫn chưa thể kết luận rõ ràng và dứt khoát đúng sai. Ngoài việc tiếp tục nghiên cứu về công nghệ BDG trong lĩnh vực khoa học, cần nghiên cứu đến các khía cạnh  về luật sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hiệp định TPP sắp được ký kết. Một số thành viên mạnh về sản xuất GMO có thể sẽ xuất khẩu các sản phẩm này qua Việt Nam. Hiện nay, một số nước có sự thay đổi về cách đón nhận GMO như Scottland, Latvia, Hy Lạp, trong khi một số nước khác thận trọng hơn trước những cảnh báo về nguy cơ sức khỏe và các rắc rối pháp lý liên quan.

Dù không phản đối công nghệ BDG, các chính sách liên quan cần được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt, phải chú ý vấn đề môi trường và sức khỏe con người, nòi giống./.

 Tú Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ