• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cha bạo hành con đẻ: Buốt lòng cảnh mái nhà trở thành “nồi da nấu thịt“

Thời sự 09/12/2017 08:33

(Tổ Quốc) -Hàng loạt vụ bạo hành trẻ em thời gian qua với mức độ càng tăng tiến với việc cha bạo hành con đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Nếu như ở những vụ bạo hành của cậu bé Hào Anh, của những đứa trẻ ở trường mầm non Mầm Xanh, của người giúp việc… từng xảy ra, người ta còn cho rằng những nhát roi được vung lên, trút vào da thịt những đứa trẻ dù vô tội nhưng đó không phải là máu mủ ruột thịt của mình. Hoặc những người có biểu hiện bệnh tâm thần, do nghiện rượu không làm chủ bản thân…

Bởi cho dù cuộc đời có giông bão thế nào thì biết bao người vẫn cho rằng nơi an toàn nhất của những đứa trẻ, của những người con vẫn là cha mẹ, bởi: Bé cậy cha già, già cậy con, bởi "nhà là nơi trái tim ta thuộc về".

Vậy mà vụ việc người cha bạo hành con đẻ 10 tuổi trong suốt hai năm trời giữa Thủ đô bị đối xử chẳng khác gì loài cầm thú đã khiến không ít người phẫn nộ cực điểm và không thể ngờ rằng con người lại có thể ra tay hành hạ tàn nhẫn với chính con của mình. Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con, vậy mà con người lại có thể ứng xử tàn bạo với con mình như vậy.

Từ 3 móc áo sắt trở thành chiếc roi để người cha đánh con. Ảnh: zing.vn

Lời người cha cho rằng vì đứa con chưa ngoan, khó bảo, hay phạm sai lầm nên mới ra tay. Nhưng có đứa trẻ chưa ngoan bị người làm cha làm mẹ đóng kín cửa rồi dùng móc áo, guốc đánh vào đầu, mặt, dùng chân đạp vào bụng và mạng sườn đến mức rạn xương sọ, rạn xương sườn, vỡ răng, chằng chịt những vết sẹo khắp người, vết cũ chưa kịp lên da non đã lại thêm những vết mới, sau 2 năm từ đứa bé cân nặng 40kg còn 20kg… Cuối cùng phải tìm cách bỏ trốn khỏi ngôi nhà chả khác gì địa ngục của những năm tháng tuổi thơ đã một lần trước đó em phải chứng kiến cảnh gia đình tan vỡ với vài đồng tiền lẻ. Không biết, nếu như cuộc bỏ trốn của đứa bé 10 tuổi kia bất thành như 5 lần trước đó thì cuộc đời của em còn phải chịu sự tàn bạo này đến bao giờ?.

Hình ảnh cậu bé 10 tuổi trong 2 năm ở với bố phải ngủ nền nhà, chỉ được ăn mì tôm, cơm nguội, làm đủ thứ việc nhà lẽ ra của người lớn… vẫn nhặt nhạnh tích cóp vài nghìn lẻ để có thể mơ một ngày trốn khỏi “tổ ấm mới” của người cha nhưng là địa ngục của cậu bé khiến không ít người ứa nước mắt và căm phẫn. Khi đứa con đã nhận thấy người sinh ra mình không thể bảo vệ, che chở mà kinh khủng hơn, đó không còn là nơi an toàn, nơi nương tựa và nuôi dưỡng trẻ con nữa, thì liệu rằng đứa bé có đủ niềm tin để tiếp tục sống, trú ngụ với những người ruột thịt của mình không?.

Theo thời gian, những vết thương trên người cậu bé 10 tuổi sẽ trở thành sẹo. Nếu cậu bé được may mắn sống trong vòng tay nhân ái, mát lành của quãng đời sau cuộc trốn thoát kỳ diệu thì liệu những khủng hoảng tâm lý, những ám ảnh về người cha tàn bạo, nhẫn tâm có thể được xóa sạch không?. Hay chỉ cần nhìn vào mỗi vết sẹo mang bên mình, chỉ cần ai đó hỏi vết sẹo này từ đâu… thì ký ức kinh hoàng có sống lại? 

Không chỉ bạo hành về thể xác, cậu bé 10 tuổi còn bị tước đi nhiều quyền của trẻ em, trong đó quyền được cắp sách đến trường cũng bị chính người cha của mình tước đi mà không phải xuất phát từ đói nghèo, lạc hậu, ấu trĩ như những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở vùng sâu vùng xa.

Có một điều lạ là trong suốt hai năm trời bạo hành, cứ cho là người cha tìm đủ mọi cách che giấu, không cho hai mẹ con liên lạc với nhau nên không biết. Nhưng không lẽ, một đứa trẻ 10 tuổi bị bạo hành bầm dập, bị tước đi quyền được đi học mà người dân, chính quyền sở tại không hay biết, không hỏi lý do vì sao đứa trẻ không được đi học, có khó khăn, vướng mắc, cần sự giúp đỡ gì không?.

Một người mẹ từng chứng kiến cảnh người cha đang vung những nhát roi bạo hành đứa con mình dứt ruột đẻ ra kể lại rằng, khi khuyên can không được, người mẹ đã gào lên rằng: Tôi sinh con ra lành lặn không có lý do gì để nó tàn tật chỉ vì cha đánh, đã khiến chiếc roi người cha rơi xuống.

Bao giờ những chiếc roi của người cha rơi xuống, thôi không bạo hành đứa con của mình, thôi không còn cảnh “nồi da nấu thịt" nữa, có lẽ phải xuất phát từ chính nhận thức, tình yêu thương bản năng ruột thịt từ bên trong không thể cân đong đo đếm, từ sự thức tỉnh của người làm cha làm mẹ để sự việc tương tự không xảy ra. Còn để chiếc roi phải rơi xuống bằng sự nghiêm minh, trừng trị thích đáng của pháp luật thì đó là một sự thức tỉnh muộn màng, là vết sẹo dài ám ảnh, đau đớn suốt cuộc đời những đứa trẻ.

Những người làm cha làm mẹ hãy bảo vệ con mình trước tiên, và đừng cướp mất ngôi nhà, nơi an toàn nhất của những đứa trẻ.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ