• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chạm đích trước, Nga có thực sự "thay đổi cuộc chơi" trong chạy đua vũ khí siêu thanh?

Thế giới 03/01/2020 11:17

(Tổ Quốc) - Mối đe dọa lớn nhất của vũ khí siêu thanh là chúng xuất hiện trong một thời điểm khi mà các hiệp ước kiểm soát vũ khí của thế giới đang bị tan rã.

Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, quân đội Nga đã triển khai Avangard – mẫu tên lửa mới có khả năng đạt được vận tốc siêu thanh, điều mà chưa một tên lửa thông thường nào có thể làm được. Những vũ khí siêu thanh từ lâu luôn nằm trong danh sách "khát khao" của các cường quốc như Nga, Trung Quốc và Mỹ. Chúng có thể được phóng đi từ một nước bất kỳ trong số này và tiếp cận tới nước kia chỉ trong vài phút. Không một hệ thống phòng ngự hiện có nào trên thế giới có thể đánh chặn được một tên lửa với vận tốc nhanh đến vậy trong khi có khả năng thay đổi đường bay ngoài dự đoán.

Chạm đích trước, Nga có thực sự "thay đổi cuộc chơi" trong chạy đua vũ khí siêu thanh? - Ảnh 1.

Tổng thống Vladimir Putin tại một cuộc gặp gỡ với giới chức quân sự cấp cao Nga (ảnh: Mikhail Klimentyev)

Mỹ đã phát triển chương trình vũ khí siêu thanh của riêng mình với dự án mang tên "Prompt Global Strike" (Thúc đẩy tấn công toàn cầu). Tuy nhiên, chính người Nga lại đến vạch đích đầu tiên bởi vì họ coi vũ khí siêu thanh là một ưu tiên: Vũ khí siêu thanh giúp bù đắp cho việc Nga không thể duy trì hạ tầng cơ sở quân sự công nghệ cao đắt đỏ và chúng cũng đại diện cho màn đáp trả trực diện trước quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung. Ông Trump rời đi để Mỹ có thể phát triển hệ thống phòng ngữ mạnh hơn trước tấn công hạt nhân; tuy nhiên, với Avangard, Moscow không cần phải lo lắng về khả năng xuyên thủ bất kỳ hàng phòng ngữ nào của Mỹ ở thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp và nhiều nước khác cũng đang không ngừng nỗ lực chế tạo các vũ khí tương tự. Kỷ nguyên siêu thanh, khi mà ngay cả một hỏa lực tầm trung cũng có thể đem tới những thiệt hại không dừng được cho một thành phố của Mỹ (hoặc Nga hay Trung Quốc) – là một trò chơi hoàn toàn mới.

Đối với những người mới bắt đầu, siêu thanh thay đổi cách chúng ta nghĩ về quản lý khủng hoảng. Giả sử Mỹ phát hiện ra một vụ phóng thử tên lửa của đối thủ; vào thời điểm như vậy, nguy cơ là rất cao và khung thời gian để đưa ra quyết định vô cùng ngắn ngủi. Nếu các bên tranh chấp được trang bị tên lửa siêu thanh, khung thời gian để quyết định phải làm gì, thậm chí còn ngắn hơn; trong đó việc tìm ra đối thủ của bạn đang nhắm vào đâu và tính chất của đầu đạn sắp tới (hạt nhân hay thông thường) – rõ ràng là điều quan trọng nhất. Đối với một tình huống như vậy, phản ứng được khuyến khích là…nổ súng trước. Hãy nghĩ tới hai tay súng đụng độ nhau trong phòng kín.

Ngoài ra, siêu thanh được đánh giá là là rất thuận lợi cho các nước hay can thiệp, bởi vì nó xóa bỏ rào cản của các cuộc chiến. Một tòa nhà của đối thủ có thể là xưởng sản xuất vũ khí? Điều gì sẽ xảy ra nếu một nhà lãnh đạo Iran tới Baghdad và địa chỉ gặp mặt bị tiết lộ? Sẽ có rất nhiều cám dỗ để sử dụng vũ khí siêu thanh.

Vũ khí siêu thanh cũng làm mờ ranh giới giữa vũ khí thông thường và chiến lược, đồng thời việc sử dụng quá dễ dàng có thể khiến nó nhanh chóng được chấp nhận rộng rãi trong khi hậu quả đem tới lại mang tính hủy diệt hơn nhiều.

Chạm đích trước, Nga có thực sự "thay đổi cuộc chơi" trong chạy đua vũ khí siêu thanh? - Ảnh 2.

Một hình ảnh phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga (ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Ở thời điểm hiện tại, siêu thanh có vẻ như là một phiên bản mạnh mẽ hơn của các vũ khí hiện có; nhưng thực tế chúng là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Khi Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân tại Nhật Bản, ban đầu họ nghĩ đó chỉ là những quả bom tối tân hơn so với thông thường. Mãi tới tận sau này, người ta mới công nhận sự thực rằng chúng quá khác biệt và mang tính hủy diệt quá cao.

Mối đe dọa lớn nhất của vũ khí siêu thanh là chúng xuất hiện trong một thời điểm khi mà các hiệp ước kiểm soát vũ khí của thế giới đang bị tan rã. Chúng ta cần có một hiệp định đa phương để giới hạn kho vũ khí cũng như việc sử dụng vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, đáng tiếc là, Mỹ - đáng lẽ ra phải khởi xướng quá trình đàm phán một hiệp định như vậy, hiện lại đang không muốn bị ràng buộc bởi bất kỳ thỏa thuận nào.

Tổng thống Trump không chỉ tuyên bố có thể dễ dàng giành chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại, mà còn tỏ ra sẵn sàng đối mặt với một cuộc chạy đua vũ trang trên mặt đất, nơi mà Mỹ có tiềm năng đánh bại mọi đối thủ. Quốc hội Mỹ hiếm khi thông qua các hiệp ước kiểm soát vũ trang và với một Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát, gần như chắc chắn một thỏa thuận giới hạn vũ khí siêu thanh sẽ không nhận được nhiều sự ủng hộ.

Vượt ra ngoài chính giới Mỹ, tính chất đa phương của một hiệp định giới hạn bản thân cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức bởi vì số lượng các nước cần phải tham gia và xung đột giữa họ.

Ở thời điểm hiện tại, với sự ra mắt của Avangard, các nước khác chắc chắn sẽ muốn tự mình sở hữu năng lực tương tự. Trong khi các chương trình quốc gia được đẩy mạnh, việc phát triển, thu mua, thử nghiệm và hơn tất cả là sử dụng các hệ thống này, sẽ ngày càng khó – nếu không nói là không thể bị cản trở.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ