• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải bài toán kinh phí bồi thường oan sai

Thời sự 28/10/2016 05:23

(Tổ Quốc) -“Luật trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)  phải hướng về người bị thiệt hại, tất cả các điều luật, điều khoản nên tạo thuận lợi nhất cho người bị thiệt hại”, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ chiều 27/10.

Chiều 27/10, các đại biểu làm việc tại tổ, thảo luận về dự luật trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).  

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, luật phải hướng về người bị thiệt hại, tất cả các điều luật, điều khoản nên tạo thuận lợi nhất cho người bị thiệt hại. 

Cụ thể, ông Thường góp ý, về phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Ban soạn thảo nên rà soát các luật có liên quan như: luật thương mai, luật khiếu nại, tố cáo, luật tiếp cận thông tin để đảm bảo sự thống nhất, nghiêm minh của luật pháp.

Cùng với đó, Luật Bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) phải hướng về người bị thiệt hại, tất cả các điều luật, điều khoản nên tạo thuận lợi nhất cho người bị thiệt hại.

Cụ thể, phải rà lại, dỡ bỏ điều khoản kỹ thuật dễ cho cơ quan quản lý mà khó cho người bị thiệt hại. Ví như, do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nên những hành động như: từ chối nhận giấy mời, không tham gia cuộc họp, không ký vào biên bản cuộc họp được nhiều người dân coi như biện pháp thể hiện sự không đồng tình với cơ quan quản lý nhà nước, với người thi hành công vụ. Khi thực hiện những điều này, người dân cũng chưa nhận thức được hết hậu quả pháp lý tưởng chừng như rất đơn giản.

“Trong tình huống này, người dân không hiểu luật một cách sâu sắc, vô tình dẫn đến những hậu quả bị đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường, như điểm C, khoản 1, điều 51 của Dự thảo – thì rất là đáng tiếc, và sẽ gây bất bình cho xã hội.

Vì vậy, để tránh tình huống này, tôi đề nghề mở rộng phạm vi quyền khởi kiện giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa của người bị thiệt hại tại khoản 1, điều 52 của Dự thảo. Theo đó, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Tòa án ngay từ giai đoạn thương lượng, hoặc khi được thông báo về mức bồi thường thiệt hại”, đại biểu Thường chỉ rõ.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình: “Khi xảy ra oan, sai là lỗi tổng hợp từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử. Lỗi ở khâu nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm”.

Liên quan đến hồ sơ yêu cầu bổi thường, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày cũng cho biết, quy định về hồ sơ yêu cầu bồi thường còn nhiều nội dung gây khó khăn cho người yêu cầu bồi thường. Chẳng hạn như yêu cầu người bị thiệt hại phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ và thiệt hại thực tế xảy ra, cách tính thiệt hại…

Vì thế, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không có khả năng thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật.

Cũng trong buổi họp tổ chiều nay, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình đã chia sẻ quan điểm về bài toán kinh phí chi trả bồi thường.

Ông nói: “Khi xảy ra oan, sai là lỗi tổng hợp từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử. Lỗi ở khâu nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm”.

Theo ông Bình, tiền nhân dân đóng thuế không phải để chi trả bồi thường. Vì thế, việc người  dân lên án để xảy ra án oan là chính đáng  và câu chuyện "nóng” hơn hiện nay là lấy tiền đâu để bồi thường cho những người bị oan.

Ông Bình lấy ví dụ rằng, theo kinh nghiệm thế giới, tất cả khoản tiền thu được từ những vụ tham nhũng, buôn lậu, ma túy… đều được đưa vào một quỹ. Và khi xảy ra oan, sai… thì lấy tiền từ quỹ này để bồi thường cho dân. Theo đó, ông Bình đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc phương án này./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ