• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Âu chưa thể thoát khỏi lạm phát

Kinh tế 05/01/2024 11:41

(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, Châu Âu vẫn chưa thể thoát ra khỏi tình trạng lạm phát và áp lực giá tăng vẫn ám ảnh nền kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) trong thời gian tới.

Lạm phát hàng năm ở Đức và Pháp – hai nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu đã tăng trong tháng 12. Lạm phát của eurozone trong tháng 12 được dự báo tăng lên mức 3% từ mức 2,4% trong tháng 11, chấm dứt chuỗi 6 tháng giảm. Các nhà phân tích dự đoán dữ liệu lạm phát tại khu vực sử dụng đồng euro sẽ sớm công bố vào ngày 5/1. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là lần lạm phát gia tăng đầu tiên ở khu vực kể từ tháng 4 năm 2023.

Lạm phát tiếp tục quay trở lại châu Âu khi giá cả tăng trở lại  - Ảnh 1.

Một người lái xe ô tô đổ xăng tại trạm xăng ở đại siêu thị Carrefour ở Premery, Pháp vào ngày 19/9/2023. Ảnh: CNN

Nhà kinh tế Marco Wagner của ngân hàng Đức Commerzbank cảnh báo lạm phát có thể tiếp tục mạnh lên trong tháng 1 này do các biện pháp tăng thuế và giảm trợ cấp, trước khi dần ổn định ở ngưỡng 3% trong năm nay.

Điều đó có thể khiến một số nhà đầu tư lo ngại khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sắp cắt giảm lãi suất. Theo ước tính chính thức được công bố ngày 4/1, tại Đức, lạm phát giá tiêu dùng (CPI) giữ mức 3,8% trong tháng 12, tăng từ 2,3% trong tháng 11. Dữ liệu sơ bộ cũng cho thấy tại Pháp, CPI hàng năm đã tăng lên 4,1% trong tháng 12 từ mức 3,9% vào tháng trước. Trong cả hai trường hợp, giá năng lượng đã góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao.

Các nhà kinh tế kỳ vọng sự tăng trưởng lần này một phần là do chính phủ các nước châu Âu đã xóa bỏ khoản trợ cấp hào phóng được đưa ra trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 để hỗ trợ các hộ gia đình.

Kể từ cuối năm 2021, khi lạm phát toàn cầu bắt đầu gia tăng sau khi kết thúc lệnh phong tỏa vì đại dịch Covid-19, chính phủ các nước châu Âu đã chi hàng trăm tỷ USD trợ cấp để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trước giá năng lượng tăng mạnh. Khoản trợ cấp gia tăng sau căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine vào tháng 2/2022.

Cụ thể, chính phủ Đức đã thanh toán hóa đơn gas và sưởi ấm cho các hộ gia đình vào tháng 12/2022, giúp giảm lạm phát. Giờ đây, khoản trợ cấp đã không còn nữa, và mặc dù giá năng lượng đã giảm kể từ thời điểm đó nhưng hiện tăng trở lại trong tháng 12.

Văn phòng thống kê Pháp hôm 4/1 ghi nhận lạm phát cả năm tăng lên 4,1% trong tháng 12 từ mức 3,9% trong tháng 11. Sự gia tăng của lạm phát ở nước này phản ánh giá năng lượng và dịch vụ tăng.

Lạm phát cơ bản tăng

Tuy nhiên, ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management dự đoán lạm phát cơ bản (không tính đến chi phí năng lượng và thực phẩm không ổn định) tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro có khả năng sẽ chậm lại trong thời gian tới.

"Đà lạm phát vẫn tăng nhưng theo hướng chậm hơn. Không có bằng chứng nào về giá cả cố định hay lạm phát dài hạn cao hơn trong dữ liệu mà chúng tôi đang thấy vào lúc này ở Châu Âu, Anh hay Mỹ. Lạm phát tiếp tục gây ngạc nhiên nhưng theo hướng giảm dần", ông Paul Donovan nói.

Trong khi đó, ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Capital Economics kỳ vọng lạm phát cơ bản hàng năm ở khu vực đồng euro sẽ giảm xuống 3,3% trong tháng 12 từ mức 3,6% trong tháng 11 và sẽ tiếp tục giảm. Theo ông Kenningham, vấn đề quan trọng nhất là điều gì sẽ xảy ra với lạm phát cơ bản và áp lực lạm phát cơ bản.

“Báo cáo ngày hôm nay nói chung phản ánh xu hướng giảm lạm phát vẫn tiếp diễn, như đã diễn ra trong những tháng gần đây và giảm nhanh hơn so với dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)”, nhà kinh tế Oliver Rakau của công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics nhận định.

Thị trường biến động

Lạm phát tăng nhanh ở các nền kinh tế lớn có thể làm giảm khả năng cắt giảm lãi suất tại ngân hàng trung ương trong thời gian tới.

Tín hiệu này cũng thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi từ cuối tháng 10, cụ thể là chỉ số S&P 500 của Phố Wall và chỉ số Stoxx 600 chuẩn của Châu Âu tăng lần lượt 15% và 11%.

Lãi suất cao thường gây áp lực lên cổ phiếu vì các nhà đầu tư có xu hướng ưa chuộng trái phiếu mang lại lợi nhuận ổn định và tương đương. Thị trường chứng khoán đầu năm 2024 có thể phải đối mặt với một số yếu tố rủi ro nhất định. Chỉ số S&P 500 đã giảm 1,1% và chỉ số Stoxx 600 giảm 0,4% kể từ khi thị trường mở cửa trở lại vào ngày 2/1.

Căng thẳng leo thang tại khu vực sản xuất dầu mỏ Trung Đông cũng làm dấy lên mối lo ngại về quỹ đạo của giá năng lượng. Giá dầu Brent đã tăng hơn 3%, giữ mức 78 USD/thùng vào ngày 4/1.

Ngày 3/1, biên bản cuộc họp chính sách tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bày tỏ thận trọng khi tuyên bố chiến thắng lạm phát và chấm dứt chiến dịch tăng lãi suất kéo dài gần hai năm.

Mặc dù lãi suất chủ chốt của FED "có thể ở hoặc gần mức đỉnh", nhưng các quan chức cho rằng "chính sách duy trì ở mức hạn chế trong một thời gian nhất định cho đến khi lạm phát rõ ràng giảm xuống một cách bền vững là phù hợp".

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ