• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Âu quan tâm ngăn chặn Trung Quốc khống chế tuyến đường hàng hải Biển Đông

Thế giới 17/05/2019 08:03

(Tổ Quốc)-Sau những hoạt động ban đầu, châu Âu đang hình thành tầm nhìn dài hạn cho chính sách Biển Đông và Ấn-Thái.

Hoạt động của các nước châu Âu ở Biển Đông được xem là một phần của các nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải trên các vùng biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chống lại sự khống chế của Trung Quốc đối với tuyến đường hàng hải ngang qua Biển Đông.

Hôm 10/5, tại Ấn Độ Dương, ngoài khơi bang Goa ở miền Tây Ấn Độ, Hải quân Pháp và Ấn Độ đã khai mạc một cuộc tập trận quy mô lớn, huy động hai hàng không mẫu hạm, trong đó có chiếc Charles de Gaulle của Pháp.

Cuộc tập trận huy động hơn 10 chiến hạm và tàu ngầm từ cả hai phía. Về phía Pháp, còn có hai khu trục hạm FNS Forbin và FNS Provence, hộ tống hạm FNS Latouche-Tréville, tàu tiếp liệu FNS Marne và một tàu ngầm hạt nhân không được nêu tên. Hải quân Ấn Độ huy động tàu sân bay INS Vikramaditya, tàu khu trục INS Mumbai, hộ tống hạm INS Tarkash, tàu tiếp liệu INS Deepak và tàu ngầm INS Shankul.

Châu Âu quan tâm ngăn chặn Trung Quốc khống chế tuyến đường hàng hải Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu đổ bộ trực thăng Mistral mang tên Disbud của Pháp có mặt ở Biển Đông, tháng 3/2015, mở đầu cho sự can dự của hải quân Pháp và châu Âu bảo vệ tuyến đường hàng hải quốc tế ngang qua Biển Đông.

Chuẩn đô đốc Olivier Lebas - chỉ huy hạm đội Pháp tham gia cuộc tập trận đã bày tỏ tin tưởng hai nước "có thể đem lại sự ổn định cho một khu vực mang tính chiến lược, có vai trò quan trọng cho thương mại quốc tế".

Hình thành một tầm nhìn chính sách cho sự tham gia của Pháp

Chuẩn đô đốc Didier Maleterre nhận xét rằng, có những "kịch bản" cho 10 - 15 năm tới đây, dù không nghiêm trọng như ở vùng biển sát cạnh Trung Quốc như Biển Đông hay Hoa Đông, nhưng "rõ ràng có thể dẫn đến căng thẳng".

Hồi tháng 4 vừa rồi, hai nghị sĩ Quốc hội Pháp Delphine O và Jean-Luc Reitzer đồng xây dựng Báo cáo thông tin về những thách thức chiến lược ở Biển Đông và đưa ra 6 khuyến nghị chính sách cho Pháp về Biển Đông :

Một là, Pháp nên xây dựng các lập luận pháp lý cụ thể và chính xác để hỗ trợ quan điểm của Pháp về tình hình Biển Đông nhằm phản ứng một cách có hệ thống trước Trung Quốc và buộc nước này phải đưa ra luận chứng cho yêu sách của mình.

Báo cáo cho rằng quan điểm của Pháp "đảm bảo áp dụng chặt chẽ luật pháp quốc tế nhưng không tham gia vào các tranh chấp chủ quyền của các bên ở Biển Đông" là nhất quán; tuy nhiên, nhiều nước đang chờ Pháp đánh giá thẳng thắn về tính pháp lý của yêu sách đường 9 đoạn theo luật biển quốc tế, nhất là Công ước Montego Bay. Trên thực tế, Trung Quốc đang lợi dụng việc quan điểm pháp lý ở Biển Đông chưa rõ ràng để thúc đẩy luận cứ về "quyền lịch sử" trên toàn Biển Đông. Pháp cần trả lời một cách có hệ thống trước các phản ứng của Trung Quốc. Các trả lời này phải bằng văn bản và có lập luận rõ ràng để buộc Trung Quốc phải trình bày luận cứ cho yêu sách của mình.

Hai là, Pháp cần biến chính sách Biển Đông thành một điểm mấu chốt để cụ thể hóa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình. Hai nghị sĩ Pháp cho rằng, chính sách Biển Đông của Pháp có thể là một điểm chốt cho phép Pháp cụ thể hóa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình và khuyến nghị giới chức Pháp quyết định ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài La Haye năm 2016 trong vụ việc tranh chấp biển giữa Trung Quốc và Philippines. Phán quyết này có thể là nền tảng tốt cho việc giải quyết tranh chấp pháp lý ở Biển Đông.

Ba là, Pháp cần chứng tỏ vai trò lãnh đạo để phát triển tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong EU và thúc đẩy các nước thành viên EU đưa ra lập trường chung về vấn đề Biển Đông. Bản Báo cáo nêu rõ Pháp cần biến việc tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Pháp và tìm cách thúc đẩy sự tham gia của châu Âu vào chiến lược này. Pháp có thể cân nhắc đưa ra các Tuyên bố chung về tình hình Biển Đông một cách có hệ thống theo mô hình E3 (Pháp, Anh, Đức).

Bốn là, Pháp cần khuyến khích phát triển hợp tác cụ thể trong việc cùng quản lý vùng nước ở Biển Đông, chú ý kéo Trung Quốc tham gia. Cần biến quan hệ đối tác giữa Pháp và Trung Quốc về môi trường thành một nhân tố đánh dấu sự tham gia của Pháp trong khu vực.

Năm là, Pháp cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường khả năng tự chủ chiến lược của các nước ASEAN (nhất là với Việt Nam) và gia tăng ảnh hưởng cũng như sự hiện diện của Pháp tại tổ chức này. Báo cáo nhấn mạnh nhiều doanh nghiệp Pháp đã có quan hệ với các đối tác Việt Nam. Ngoài ra, Pháp đã ký thỏa thuận về thủy đạc, hải dương học và bản đồ với Việt Nam. Đây là tiền đề tốt để Pháp đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam và ASEAN, hướng tới tiếp tục vận động các nước ASEAN để tham gia cơ chế ADMM+ và cử đại sứ riêng bên cạnh ASEAN.

Sáu là, Pháp cần đa phương hóa hơn nữa các hoạt động quân sự tại Biển Đông, trước tiên là phối hợp với Đức, thậm chí là qua mô hình ba bên cùng với Đức và Anh; đồng thời kéo thêm sự tham gia của các nước khác, nhất là các nước Trung và Đông Âu. Ưu tiên trước mắt là tập trung thúc đẩy hợp tác đa phương với Anh và Đức - hai cường quốc có tiềm lực để chia sẻ trách nhiệm về triển khai các hoạt động với Pháp tại Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh hậu Brexit, Anh đang có xu hướng giảm cam kết hiện diện quân sự tại Vịnh Ba Tư và quan tâm trở lại khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Báo cáo đề xuất Pháp nên phối hợp với một số cường quốc tầm trung khác ở Châu Âu như Hà Lan và Đan Mạch vốn có lập trường gần gũi với Pháp về vấn đề Biển Đông và quan tâm thực sự tới khu vực này.

Báo cáo khuyến nghị Pháp nên tăng cường kết nối với các nước Trung và Đông Âu. Mục tiêu là nhằm tạo thêm tiếng nói đồng thuận trong vấn đề Biển Đông giữa các nước châu Âu, tạo cơ sở bác bỏ luận điểm về sự chia rẽ giữa Tây Âu và Đông Âu trước sức hút của Trung Quốc./.


Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ