• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Âu vẫn là điểm nóng du lịch vào mùa hè năm nay

Du lịch 14/07/2023 09:05

(Tổ Quốc) - Sau 3 năm hạn chế do đại dịch Covid-19, các điểm đến nổi tiếng nhất châu Âu vẫn thu hút số lượng lớn du khách vào mùa hè, từ Barcelona và Rome, Athens và Venice đến các hòn đảo tuyệt đẹp Santorini ở Hy Lạp, Capri ở Italy và Mallorca ở Tây Ban Nha.

Châu Âu thu hút số lượng lớn khách du lịch Mỹ

Theo hãng AP, khách du lịch chờ đợi hơn 2 tiếng để tham quan thành cổ Acropolis ở Athens. Các tuyến taxi tại nhà ga tàu chính của thành phố Rome liên tục quá tải vì số lượng du khách quá đông. Hiện tại, rất nhiều du khách vẫn đang tập trung xung quanh Quảng trường St. Mark ở thành phố Venice (Italy) ngay cả vào các ngày trong tuần.

Châu Âu vẫn là điểm nóng du lịch vào mùa hè dù đông đúc và đắt đỏ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ngành du lịch châu Âu đã phục hồi du lịch đáng kể vào năm ngoái và số lượng lớn du khách đến đây vẫn là người Mỹ bởi đồng đô la tăng mạnh và một phần cũng là khoản tiết kiệm lớn trong suốt đại dịch.

Nhiều khách du lịch tìm đến với động lực là "du lịch trả thù" — háo hức khám phá lại những điểm nóng du lịch của châu Âu đến mức không hề "bối rối" trước giá vé máy bay hay khách sạn đắt đỏ. Người dân Mỹ thường lựa chọn các điểm đến ở châu Âu để du lịch. Chẳng hạn như Lauren Gonzalez - một người dân Mỹ - đã đến Rome vào tuần này cùng với 4 người bạn thời trung học và đại học để nghỉ ngơi trong 16 ngày tại thủ đô Florence của Italy sau 3 năm ở Mỹ. Bà nói rằng không quan tâm đến giá cao hay đám đông.

"Chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều tiền và chúng tôi biết đây là một chuyến đi có ý nghĩa. Đây là thời điểm thay đổi trong cuộc sống của chúng ta và là điều gì đó rất đặc biệt. Chúng tôi sống ở Florida", ông Gonzalez, người làm việc tại một công ty tiếp thị cho biết.

Du lịch đại chúng

Sự trở lại của du lịch đại chúng sẽ giúp ích cho các khách sạn và nhà hàng, vốn phải chịu áp lực lớn bởi các hạn chế do Covid-19. Tuy nhiên, những cam kết suy nghĩ lại về phục hồi du lịch sẽ giúp ngành công nghiệp này trở nên bền vững hơn.

Bà Alessandra Priante, Giám đốc bộ phận khu vực châu Âu tại Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc cho biết đại dịch đã nhắc chúng ta nhìn nhận lại cách làm du lịch, đặc biệt là phát huy mô hình du lịch bền vững hơn.

"Chúng tôi phải cân nhắc những gì sẽ xảy ra trong 2 hoặc 3 năm nữa vì chi tiêu cho du lịch tại thời điểm này là không bền vững," bà Alessandra Priante nhấn mạnh.

Trước tình hình này, giới chức trách thành phố Florence cũng lên tiếng đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn việc cho thuê căn hộ ngắn hạn mới phát triển ở trung tâm lịch sử - nơi được bảo vệ như một di sản của UNESCO. Trong khi các quan chức tại các thành phố nghệ thuật khác của Italy cũng kêu gọi siết chặt luật pháp toàn quốc để quản lý lĩnh vực này.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, mặc dù có thể dự đoán được tình trạng quá tải du lịch nhưng lượng khách du lịch đến và đi tại châu Âu nói chung vẫn giảm 10% so với năm 2019. Điều đó một phần là do ít người đến thăm các quốc gia gần Ukraine, bao gồm Litva, Phần Lan, Moldova và Ba Lan.

Ngoài ra, theo công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, khách du lịch Trung Quốc vẫn chưa quay trở lại hoàn toàn. Các chuyến bay từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác đến châu Âu đã giảm 45% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa Italy đã lên tiếng sẽ giới thiệu hệ thống bán vé mới tại thành cổ Acropolis trong tháng này, thông tin các vé bán cho du khách sẽ phân định theo giờ nhằm giải quyết tình trạng đám đông.

Trong khi đó, Bộ trưởng du lịch Tây Ban Nha ông Héctor Gómez, gọi đây là "mùa hè lịch sử đối với du lịch" với thống kê lên tới 8,2 triệu khách du lịch đến chỉ trong tháng 5, phá kỷ lục trong tháng thứ hai liên tiếp. Một số tập đoàn khách sạn cũng khẳng định rằng việc đặt phòng chậm lại trong những tuần đầu tiên của mùa hè chỉ là do giá vé máy bay và giá phòng tăng mạnh.

Tác động đến cuộc sống người dân

Theo ForwardKeys, chi phí đang tăng lên khi các chuyến bay từ Mỹ đến châu Âu tăng 2% so với mức năm 2019.

Ông Tim Hentschel, Giám đốc điều hành của HotelPlanner - một trang web đặt phòng cho biết mức độ thèm muốn du lịch đường dài từ Mỹ ngày càng tăng là kết quả liên tục của sự bùng nổ "du lịch trả thù" do tác động từ các đợt phong tỏa do đại dịch gây ra. Các thành phố lớn ở các quốc gia châu Âu nổi tiếng chắc chắn sẽ trải qua mùa hè rất bận rộn.

Hiệp hội khách sạn của Italy Federalberghi ghi nhận số lượng khách du lịch Mỹ đến các điểm nóng của Italy như Rome, Florence, Venice và Capri cao hơn so với mức trước đại dịch.

Ông Bernabo Bocca – Chủ tịch của Federalberghi hy vọng sẽ mất một năm nữa để phục hồi du lịch toàn diện. Suy thoái kinh tế không khuyến khích người Đức đến trong khi người dân Italy "ít có xu hướng chi tiêu hơn trong năm nay". Chi phí nhà ở tại Florence đã tăng 53% so với năm ngoái, trong khi Venice tăng 25% và Rome tăng 21%.

Điều chú ý, số lượng du khách lớn đến châu Âu cũng làm gia tăng các căn hộ cho thuê ngắn hạn. Với số lượng phòng khách sạn kín chỗ liên tục, Chủ tịch Bocca cho rằng sự gia tăng số lượng khách du lịch lớn ở Rome đã khiến các tuyến taxi luôn quá tải và xe buýt thành phố không thể đảm bảo lộ trình.

Mặt khác, sinh viên không thể tìm được nhà ở giá cả phải chăng vì chủ sở hữu thích kiếm tiền bằng tiền thuê kỳ nghỉ. Số lượng người dân ngày càng giảm đồng nghĩa với sự khan hiếm các dịch vụ, bao gồm cả việc thiếu bác sĩ gia đình, phần lớn là do chi phí sinh hoạt cao, được thúc đẩy bởi nhu cầu du lịch.

Thành phố Venice đã trì hoãn kế hoạch đánh thuế khách du lịch trong ngày vào thành phố nhằm hạn chế lượng khách đến. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, cho dù có hiệu lực thì cũng sẽ rất khó để giúp giải quyết được vấn đề dân số giảm và lượng khách du lịch đông đúc như hiện nay./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ