• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chạy đua tàu ngầm không người lái: Trung Quốc tranh ngôi “bá chủ đại dương”

Thế giới 23/07/2018 19:33

(Tổ Quốc) -Với lực lượng tàu ngầm không người lái mới, Trung Quốc sẽ thách thức vị thế của các cường quốc hải quân phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Trung Quốc đang phát triển các tàu ngầm không người lái lớn, thông minh và có giá rẻ để có thể triển khai tới khắp các đại dương trên thế giới nhằm thực hiện một loạt các nhiệm vụ, từ trinh sát, đặt mìn tới tấn công tự sát, các chuyên gia tham gia trong dự án sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) này cho hay.

Các tàu ngầm robot tự động dự kiến sẽ được triển khai vào đầu những năm 2020. Trong khi không có ý định thay thế hoàn toàn tàu ngầm do con người điều hành, Trung Quốc sẽ thách thức vị thế của các cường quốc hải quân phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ hai. Các nhà nghiên cứu cho biết, các tàu ngầm robot này sẽ đặc biệt chú ý tới các lực lượng của Hoa Kỳ tại nhiều vùng biển chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương, theo các chuyên gia trên.

Trung Quốc lặng lẽ phát triển tàu ngầm không người lái

Dự án này là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh hải quân của nước này với công nghệ AI. Trung Quốc đã xây dựng cơ sở thử nghiệm lớn nhất thế giới cho các con thuyền không người lái nổi trên mặt nước ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Các nhà nghiên cứu quân sự cũng đang phát triển một hệ thống hỗ trợ sử dụng AI cho các chỉ huy tàu ngầm. Như tờ South China Morning Post đã đưa tin hồi đầu năm nay, hệ thống này sẽ giúp các thuyền trưởng đưa ra các phán đoán nhanh hơn, chính xác hơn trong các tình huống chiến đấu nguy cấp.

Khi phát triển thành công tàu ngầm AI, Trung Quốc muốn cạnh tranh với các cường quốc hải quân phương Tây. (Nguồn: SCMP)

Loại tàu ngầm không người lái mới này sẽ tham gia cùng các hệ thống quân sự tự hành hoặc có người lái khác trên biển, mặt đất và trên không để thực hiện các nhiệm vụ phối hợp, theo các nhà nghiên cứu.

Các tàu ngầm này sẽ không cần người điều hành trong khoang tàu. Chúng sẽ được triển khai ra ngoài, thực hiện nhiệm vụ và tự quay trở về căn cứ. Chúng cũng có thể thiết lập liên lạc với chỉ huy tại mặt đất định kỳ để cập nhật thông tin, nhưng được thiết kế để hoàn thành nhiệm vụ mà không có sự can thiệp của con người.

Nhưng các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, loại tàu ngầm AI này cũng có hạn chế,  đặc biệt là ở giai đoạn đầu triển khai. Chúng sẽ bắt đầu với những nhiệm vụ tương đối đơn giản. Mục đích của dự án này không phải là thay thế toàn bộ đội ngũ nhân viên. Tấn công hay không tấn công, quyết định cuối cùng sẽ vẫn nằm trong tay các chỉ huy, các nhà nghiên cứu cho biết.

Mô hình hiện tại của các vũ khí không người lái (UUV) dưới nước phần lớn là loại nhỏ. Việc triển khai và hỗ trợ chúng đòi hỏi có một tàu hay tàu ngầm khác. UUV cũng bị giới hạn về phạm vi hoạt động và tải trọng.

Theo các nhà nghiên cứu, các mẫu tàu ngầm AI, hiện đang được phát triển, chính là  “người khổng lồ” so với các UUV bình thường. Chúng sẽ đậu tải các cảng như tàu ngầm thông thường. Khoang hàng hóa của chúng có thể cấu hình lại và đủ lớn để chứa một lượng lớn hàng hóa, từ các thiết bị giám sát mạnh mẽ đến tên lửa hay ngư lôi. Nguồn cung cấp năng lượng của chúng đến từ động cơ diesel-điện hoặc các nguồn năng lượng khác đảm bảo hoạt động liên tục trong nhiều tháng.

Các tàu ngầm robot này dựa chủ yếu vào AI để đối phó với môi trường phức tạp trên biển. Chúng phải tự quyết định liên tục: thay đổi lộ trình và độ sâu để tránh bị phát hiện; phân biệt dân thường với các tàu quân sự; chọn cách tiếp cận tốt nhất để đến được một vị trí được chỉ định.

Chúng có thể thu thập thông tin tình báo, cài mìn hoặc đậu tại các "điểm chốt"- nơi các lực lượng vũ trang có nhiệm vụ vượt qua để phục kích các mục tiêu của đối phương. Chúng có thể làm việc với tàu ngầm có người lái như một trinh sát hay mồi nhử để thu hút hỏa lực và vạch trần vị trí của kẻ thù. Nếu cần thiết, chúng có thể tấn công tự sát nhắm vào một mục tiêu có giá trị cao.

Lin Yang, giám đốc trang bị công nghệ hàng hải tại Viện Tự động hóa Thẩm Dương, Học viện Khoa học Trung Quốc, đã xác nhận với tờ SCMP trong tháng này rằng, Trung Quốc đang phát triển một loạt các phương tiện dưới nước không người lái lớn (XLUUV).

Lin gọi chương trình tàu ngầm không người lái của Trung Quốc là biện pháp đối phó với các loại vũ khí tương tự hiện đang được phát triển mạnh ở Hoa Kỳ. Ông từ chối đưa ra các thông số kỹ thuật vì thông tin “nhạy cảm”. "Nó sẽ được công bố sớm hay muộn, nhưng không phải bây giờ," ông nói thêm.

Cạnh tranh sức mạnh phương Tây

Quân đội Mỹ năm ngoái đã có thỏa thuận với các nhà thầu quốc phòng lớn cho hai chiếc nguyên mẫu XLUUV vào năm 2020. Hải quân Mỹ sẽ chọn một nguyên mẫu để sản xuất chín chiếc khác.

Hệ thống XLUUV Orca của Lockheed Martin sẽ được triển khai tại một khu vực hoạt động với khả năng thiết lập liên lạc tới căn cứ liên tục...."Một lợi ích quan trọng của Orca là Hải quân sẽ khởi động, phục hồi, vận hành, và giao tiếp với hệ thống này từ một căn cứ nội địa và không bao giờ bị đặt vào tình thế nguy hiểm", công ty cho biết trong một tuyên bố về hệ thống này.

Các chi tiết kỹ thuật về Orca, như kích thước hoặc độ bền hoạt động của nó, chưa có sẵn.

Trong khi đó, Boeing cũng đang phát triển một nguyên mẫu XLUUV khác, dựa trên chiếc Echo Voyager, một tàu ngầm tự hành 50 tấn được phát triển lần đầu tiên cho mục đích thương mại như vẽ bản đồ đáy biển.

Echo Voyager dài hơn 15m và có đường kính 2,6m, theo Boeing. Nó có thể hoạt động trong nhiều tháng trên một phạm vi 12.000km, quá đủ để đi từ San Francisco đến Thượng Hải. Tốc độ tối đa của nó đạt 15km/h.

Nga được cho là cũng đã chế tạo một tàu ngầm không người lái dưới nước lớn có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Các ngư lôi hành Status-6 có thể đi một con đường dài nối giữa các châu lục với tốc độ cao và mang theo một đầu đạn 100 megaton.

Tàu ngầm truyền thống phải đạt được mức độ tàng hình cao để tăng cơ hội sống sót. Thiết kế phải xem xét những thứ khác bao gồm an toàn, thoải mái và sức khỏe tâm thần của phi hành đoàn để đảm bảo an toàn cho con người. Tất cả các yếu tố này gia tăng thêm chi phí.

Trong những năm 1990, một tàu ngầm lớp Ohio cho Hải quân Hoa Kỳ trị giá 2 tỷ USD. Ngược lại, ngân sách của toàn bộ chương trình Orca là khoảng 40 triệu USD, theo Lockheed Martin.

Một tàu ngầm AI "có thể được hướng dẫn để hạ gục một tàu ngầm hạt nhân hoặc các mục tiêu có giá trị cao khác. Nó thậm chí có thể thực hiện một cuộc tấn công tự sát, ”một nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ