• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chạy đua toàn cầu: Mỹ vang cảnh báo bị Nga "vượt mặt"

Thế giới 01/07/2019 10:10

(Tổ Quốc) - Hoa Kỳ chưa được trang bị đầy đủ để đối phó lại những hành động tác chiến chính trị từ Nga, Lầu Năm Góc và các chiến lược gia độc lập cảnh báo trong một bản báo cáo chi tiết.

Theo Politico, Sách trắng "Đánh giá đa tầng chiến lược" dài hơn 150 trang, được chuẩn bị đệ trình lên Tham mưu trưởng liên quân, cho biết Mỹ vẫn đang đánh giá thấp phạm vi gia tăng ảnh hưởng của Nga, bao gồm thông qua việc tác chiến thông tin trên khắp châu Âu, Trung Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Nghiên cứu này cũng chỉ ra những nguy cơ của sự gắn kết ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc.

Các tác giả của báo cáo này cho rằng, sự xáo trộn trong nội bộ đang cản trở những nỗ lực đáp trả của Hoa Kỳ và Washington đang thiếu những loại "chuyện" hấp dẫn mà họ đã sử dụng để chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh.

Nghiên cứu không đưa ra bất kỳ lời chỉ trích nào đối với ông Trump, nhưng lại được đưa ra trong bối cảnh những chính trị gia cứng rắn ở cả hai đảng đã phản đối nhiều việc làm của Tổng thống Mỹ đối với các liên minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á, và việc dường như ông Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga và Triều Tiên.

Nước cờ Mỹ có thể đi

Trong các cuộc phỏng vấn với Politico, nhiều nhà phân tích về Nga đã ủng hộ các cảnh báo của Sách trắng này rằng Hoa Kỳ cần phải tăng cường thế trận của mình.

"Nga đang tấn công các thể chế phương Tây theo cách sắc sảo và kín đáo hơn về mặt chiến lược so với điều nhiều người vẫn nghĩ", theo Natalia Arno, chủ tịch Quỹ Tự do Nga, một tổ chức tham vấn có lập trường phản đối ông Putin.

"Các hành động tác chiến dường như tinh vi và khéo léo hơn, và chúng có sức tác động rất lớn khi các chính phủ bị ảnh hưởng, luật pháp bị thay đổi, các quyết định pháp lý bị điều chỉnh, việc thực thi pháp luật bị ngăn cản và sự can thiệp của quân đội được che giấu."

Văn bản "Đánh giá đa tầng chiến lược" mật này thể hiện một cảnh báo rõ ràng từ lực lượng quân sự đối với các nhà lãnh đạo dân sự Mỹ về một mối đe dọa an ninh quốc gia mà các chiến lược gia lo ngại, nếu không được kiểm soát, cuối cùng có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Chạy đua toàn cầu: Mỹ vang cảnh báo bị Nga vượt mặt - Ảnh 1.

Mỹ lo ngại Nga có nhiều biện pháp gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu. (Nguồn: AP)

"Trong môi trường này, cạnh tranh kinh tế, các chiến dịch ảnh hưởng, các hành động bán quân sự, xâm nhập mạng và tác chiến chính trị có thể sẽ trở nên phổ biến hơn", Thiếu tướng hải quân Jeffrey Czerewko, phó giám đốc phụ trách hoạt động toàn cầu của Liên quân, viết lời tựa cho báo cáo. "Những cuộc đối đầu như vậy làm tăng nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm giữa các cường quốc có sức mạnh quân sự đáng kể, sau đó có thể làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang."

Văn bản trên của Lầu Năm Góc, chưa được phổ biến rộng rãi, đánh giá ý định của Nga để từ đó tìm hiểu điều gì thúc đẩy chiến lược của họ, phác thảo một loạt các hoạt động gây ảnh hưởng được cho là do Nga thực hiện ở nhiều khu vực như Châu Phi và Bắc Cực và đưa ra những cách mà Hoa Kỳ có thể tăng cường phản ứng của mình. Trong số nhiều bước đi, tài liệu này khuyến nghị Bộ Ngoại giao dẫn đầu các "hoạt động tác động" mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc phân tách Nga và Trung Quốc.

Nghiên cứu cũng đề cập đến những gì họ gọi là các hoạt động "vùng xám" của Moscow – việc sử dụng phương tiện xung đột quân sự trực tiếp.

Jason Werchan, người làm việc trong bộ phận chiến lược của Bộ Tư lệnh Châu Âu Hoa Kỳ, nơi chịu trách nhiệm răn đe quân đội Nga, đã viết trong tài liệu này rằng, Những hoạt động này bao gồm đe dọa các quốc gia khác về mặt quân sự, hoặc làm tổn hại xã hội, nền kinh tế và chính phủ của họ bằng cách sử dụng một loạt các phương tiện và phương pháp, bao gồm tuyên truyền, thông tin sai, và tác động về văn hóa, tôn giáo và năng lượng".

Vượt lên sóng gió nội bộ và liên kết Nga - Trung

Văn bản này cũng bày tỏ quan ngại về việc thiếu một thông điệp thống nhất từ Hoa Kỳ, do thiếu sự phối hợp hoặc thỏa thuận giữa các cơ quan chi nhánh điều hành và Quốc hội.

Belinda Bragg, một nhà khoa học nghiên cứu của NSI, một công ty tư vấn của chính phủ chuyên nghiên cứu khoa học xã hội, cho biết thêm trong nghiên cứu rằng "chúng ta cần nói rõ hơn về lợi ích và chiến lược của Hoa Kỳ cho cả chính mình và những người khác."

Nhưng điều đó đòi hỏi phải đi đến một thỏa thuận về việc thông điệp của Hoa Kỳ sẽ là gì, Anna Borshchevskaya, một thành viên cao cấp tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, người đã viết một chương về những nỗ lực của Nga để giành chiến thắng trước cả chính phủ và các lực lượng đối lập ở Châu Phi.

Chúng tôi vẫn có một câu chuyện để kể nhưng vì chúng tôi quá chia rẽ và nghi ngờ nhau nên chúng tôi gặp khó khăn khi truyền đạt thông điệp, Borshchevskaya nói trong một cuộc phỏng vấn. "Nhưng Nga thì không".

Một bước đi quan trọng khác, Bragg khuyến nghị, là tăng cường sự nhân thức tốt hơn cho những cộng đồng mục tiêu vào Mỹ" và có chiến lược để củng cố niềm tin khi rơi xuống mức thấp".

Bài viết cũng đặt ra cảnh báo về điều các tác giả coi là một liên minh chống Mỹ đang phát triển của Nga và Trung Quốc. Các bước để chống lại điều đó có thể bao gồm việc khiến ga mất lòng tin đối với việc mở rộng quyền lực của Trung Quốc ở ngoại vi phía đông của Nga, cũng như các dự án kinh tế và cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh trên nhiều châu lục.

Hệ thống thế giới, và ảnh hưởng của Mỹ trong đó, sẽ chấm dứt nếu Moscow và Bắc Kinh liên kết chặt chẽ hơn, Werchan cảnh báo.

Mặt khác, đánh giá cũng cho thấy nhu cầu cấp bách của Mỹ về hợp tác với Nga trong các lĩnh vực quan trọng - đặc biệt là trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.

John Arquilla, một giám đốc của Trường cao học Hải quân, viết: "Rõ ràng là một vòng đua vũ trang mới đang đặt ra sự đe dọa". "Hoa Kỳ có thể chấp nhận điều này, hy vọng vượt qua người Nga hoặc cố gắng vượt lên một cuộc cạnh tranh tốn kém như vậy với chính sách kiểm soát, giảm thiểu vũ khí được xác định lại."

Một cách tiếp cận như vậy cũng nên tìm cách "siết chặt" các quốc gia vũ khí hạt nhân khác như Triều Tiên, Trung Quốc, Iran, Ấn Độ và Pakistan, Arquilla viết. "Xem lại lời đề nghị của ông Ronald Reagan cho Nga, được thực hiện vào những năm 80, để chia sẻ nghiên cứu về phòng thủ tên lửa đạn đạo, cũng sẽ là một động thái khéo léo."

"Tuy nhiên, vẫn chưa quá muộn cho một động thái như vậy", theo chuyên gia này. "Sau tất cả, Hoa Kỳ vẫn đang hợp tác chặt chẽ với Nga trong các hoạt động không gian. Liệu có phải là quá xa xôi để hy vọng hợp tác nhiều hơn ở cấp độ mặt đất?"

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ