• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chây ì BHXH: Xử như trốn thuế

Thời sự 17/06/2014 01:56

(Toquoc)-Thảo luận về dự Luật BHXH sửa đổi, nhiều ĐB bức xúc vì hàng ngàn tỉ đồng nợ đọng và cho vay trái quy định.

(Toquoc)-Thảo luận về dự Luật BHXH sửa đổi, nhiều ĐB bức xúc vì hàng ngàn tỉ đồng nợ đọng và cho vay trái quy định.

Chiều 16/6, tiếp tục chương trình làm việc, các ĐB Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi. Bên cạnh những góp ý, phân tích sự không hợp lý của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, các ĐB còn bức xúc vì hàng tỉ đồng nợ đọng BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của quỹ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt là việc sử dụng quỹ BHXH cho vay trái quy định gây thất thoát và đến nay vẫn chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm hoàn trả, bồi thường.

Xử như trốn thuế, thậm chí là xử lý hình sự

Theo ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định), những vi phạm trong sử dụn quỹ BHXH, chây ì, trốn đóng BHXH phải được xử lý như hành vi trốn thuế, áp dụng mức truy thu, thậm chí cao nhất là có thể xử lý bằng các biện pháp hình sự.

ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề nghị nếu vi phạm trong sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, chây ỳ, trốn tránh đóng BHXH phải bị xử lý như hành vi trốn thuế, áp dụng mức truy thu, cao nhất là có thể bằng các biện pháp hình sự.

“Các chế tài đó cần quy định rõ trong dự thảo lần này. Nếu để mô hình BHXH như hiện tại là không ổn, phải xây dựng theo mô hình như cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Lao động hoặc Bộ Tài chính, trong đó có lực lượng thanh tra chuyên ngành kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong việc thu nộp BHXH. Khi các cơ quan này ra quyết định thu nộp bảo hiểm thì như quyết định hành chính và người lao động có quyền khởi kiện ra tòa khi thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo” – ĐB Trường nhấn mạnh.

Cho rằng những biện pháp đã làm để giảm thiểu tình trạng nợ đọng BHXH của cơ quan chức năng chưa thật sự hiệu quả, ĐB Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) đề nghị bổ sung vào Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đang được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhằm ngăn ngừa tình trạng trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động có xu hướng gia tăng nghiêm trọng hiện nay.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng cần kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát định kỳ, công khai quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời thông báo cụ thể cho cơ quan tổ chức và cá nhân người tham gia bảo hiểm xã hội. Giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trực tiếp quản lý.

Các ĐB Hồ Thị Thủy, Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội)… cũng ủng hộ phương án giao quyền thanh tra cho bảo hiểm xã hội để giúp cho việc tuân thủ  pháp luật về bảo hiểm xã hội được cao hơn.



ĐB đoàn Hà Nội góp ý dự luật (ảnh: Đ.Anh)

Ở một góc độ khác, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) lại không ủng hộ việc giao quyền cho thanh tra chuyên ngành. ĐB này cho rằng, trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có thanh tra ngành lao động tài chính, y tế thực hiện. Nếu thêm thanh tra bảo  hiểm xã hội sẽ gây chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ và tăng bộ máy, tăng kinh phí.

“Việc để nợ đọng nhiều BHXH là do ngành thiếu tích cực. Nếu tổ chức sử dụng lao động cố tình chây ì, không nộp thì khởi kiện ra tòa. Bên cạnh đó phải tiết kiệm chi phí cho bộ máy quản lý và tăng lợi tức của quỹ. Nếu bằng các giải pháp tổng thể một cách tích cực, đồng bộ, đầy đủ mà không cân đối được thu chi thì có thể tính tới giải pháp khắc phục là tăng bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ phần trăm tính trên thu nhập của người lao động, người sử dụng lao động”, ĐB Tiến nói.

Quản lý thiếu chặt chẽ

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì cho rằng, BHXH chưa được đặt đúng vị trí và vai trò của nó, dù đang chịu sự quản lý của 3 Bộ là Lao động, Y tế và Tài chính. Chính quy định quản lý nhà nước bị chia cắt như vậy, việc quản lý chưa chặt chẽ nên thời gian qua đã có những sai phạm nhất định.

Ông Cương dẫn chứng việc BHXH cho Công ty Cho thuê tài chính II vay vốn cả ngàn tỉ đồng là có dấu hiệu cố ý làm trái, hậu quả để lại không nhỏ nhưng lãnh đạo BHXH Việt Nam lại chỉ bị cảnh cáo, xử lý hành chính.

 “Cần xác định lại vị trí của bảo hiểm xã hội, đưa về Bộ Lao động quản lý với chức năng quản lý tương đương tổng cục thì sẽ tốt hơn” – ĐB Cương đề nghị.

Theo ông Cương, chi phí quản lý bộ máy của BHXH tăng khá nhanh: từ năm 2007-2012 bình quân tăng 1,25-1,44%/năm; riêng năm 2013, chi phí quản lý tăng trên 3% so với số thu BHXH. “Đồng ý với những ý kiến cho rằng chi phí quản lý bộ máy BHXH phải lấy từ ngân sách, không thể lấy từ tiền đóng BHXH của người lao động bởi tiền này phải được chi trả cho người lao động. Việc quy định lấy từ khoản sinh lời để đỡ gánh nặng cho ngân sách cũng cần cân nhắc và khống chế mức một cách thận trọng” - ông Cương bày tỏ.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng luật cần quy định tổ chức bảo hiểm xã hội là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý quỹ tài chính và tổ chức thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội. Quản lý bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Không xem bảo hiểm xã hội là đơn vị sự nghiệp như các cơ sở y tế, giáo dục mà là một tổ chức tài chính có chức năng quản lý nhà nước.

Tán đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nói thêm: Chi phí quản lý phải trích từ khoản sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội. Và đề nghị giao Chính phủ định kỳ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định để phù hợp với nhiệm vụ bảo hiểm xã hội trong từng giai đoạn, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.

Đại diện cơ quan soạn thảo làm rõ thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền hứa tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp với Điều 187 của Bộ luật lao động, làm sao tăng nguồn thu cho quỹ.  


Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng để giải quyết vấn đề các doanh nghiệp nợ đọng BHXH thì nên quy định để người lao động được biết thông tin về BHXH bất cứ lúc nào, thông qua cơ sở dữ liệu của ngành BHXH. Có thể giao tổ chức Công đoàn cấp tỉnh làm đầu mối cung cấp thông tin cho người lao động, cung cấp bằng nhiều cách thức khác nhau. Qua đó, người lao động biết được doanh nghiệp đã thu tiền bảo hiểm của mình có nộp cho BHXH hay không. Với những doanh nghiệp nợ BHXH thì người lao động có thể xin nghỉ để áp dụng các biện pháp cần thiết. Điều này có thể có hiệu quả lớn hơn trong tổng thể nền kinh tế.

 

Thành Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ