• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chi Phan: Một nhà giáo - nhà văn xuất sắc

17/11/2017 17:03

(Tổ Quốc) - Nói đến tên ông, nhiều người nhớ ngay đến những bản tin chiến sự (cùng PV Cao Nham) của chương trình Quân đội nhân dân ngày chiến tranh, những chương trình truyền hình quân đội từ buổi đầu phát sóng, và là người thầy giáo văn học hằng tiếp lửa cho bao tâm hồn thơ trẻ của những lớp học sinh trường Văn hóa quân đội (Thiếu sinh quân) Nguyễn Văn Trỗi năm xưa...

Tôi gặp ông lần đầu cách đây ít năm khi cùng những người bạn là đại tá Bế Minh Ngọc, đại tá NSƯT Dương Minh Đức... một chuyến về thăm Lạng Sơn. Cùng đi còn một đại tá nữa, hơn tuổi chúng tôi, ngồi lặng lẽ khiêm nhường ở băng ghế sau. Ngọc giới thiệu với tôi, đây anh rể của Ngọc, còn Dương Minh Đức thì giới thiệu đấy là thầy giáo của Ngọc và Đức ở trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi năm xưa. Tên ông là Chi Phan - một cái tên thoạt nghe tôi đã thấy âm vang của một thời khói lửa, của một thời cứ buổi phát thanh QĐND mỗi 9 giờ tối lại sang sảng tên ông và tên ông Cao Nham trong những bản tin chiến sự thu hút hàng triệu người nghe. Nghĩa là ông rất sớm nổi tiếng và từng nổi tiếng lắm. Sau này, ông làm truyền hình, là trưởng phòng truyền hình quân đội nhiều năm, và viết văn- từng có 30 tác phẩm văn học được in, một số lượng có thể nói khá đồ sộ, và có sách gần như ở thư viện khắp các đơn vị, các đại đội trong toàn quân. Và hôm nay tôi lại biết thêm ông còn là, và trước hết là một nhà giáo của một ngôi trường khá đặc biệt những năm chiến tranh: Trường Văn hóa quân đội, hay còn gọi trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, từng nhiều năm truyền kiến thức và ngọn lửa tình yêu văn học, cũng là ngọn lửa tình yêu đất nước cho những thế hệ học sinh có cha anh đang cầm súng, góp phần nuôi dưỡng họ lớn lên sau này trở thành những vị tướng, những sỹ quan quân đội, những liệt sỹ hy sinh cho đất nước, mà tên tuổi của họ khi về làm truyền hình, ông vẫn thường nhắc đến với bao niềm tự hào: như Liệt sỹ Võ Dũng (con trai đồng chí Võ Văn Kiệt) , hay Nguyễn Thiện Nhân, nay là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM...

Tác giả và nhà văn Chi Phan (bên phải) (ảnh nvcc)

Ngày trước mình học ở khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội- Ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy - Học một lớp với những Ma Văn Kháng, Nghiêm Đa Văn, Tô Hoàng, Phạm Tiến Duật, Vương Trí Nhàn... Học xong, cũng là lúc chiến tranh bùng nổ, anh em hăng hái tình nguyện nhập ngũ, mình được phân công về dạy văn ở trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi, một ngôi trường đặc biệt dành cho con em những sỹ quan quân đội, những gia đình có công với cách mạng, để cha anh họ yên tâm chiến đấu, công tác, trong đó có nhiều các em quê hương ở miền Nam, bố mẹ còn đang chiến đấu ở miền Nam... Mình dạy ở đây suốt 8 khóa học, bao nhiêu tình yêu và kiến thức văn học đều mang trao lại hết cho các em, và thật hạnh phúc khi những lứa học sinh ấy sau này đều rất trưởng thành...

Sau thời gian làm thầy, ông Chi Phan có 24 năm làm phát thanh- truyền hình quân đội, mang quân hàm đại tá, được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú. Và khi về hưu rồi, ông lại tiếp được mời 10 năm liền làm Phó Tổng biên tập báo Cựu chiến binh Việt Nam và hiện vẫn đang tiếp tục làm biên tập báo. Có nghĩa là chính ông là một con người làm việc không ngừng nghỉ, một sức sáng tạo dường như khôn cùng. Bởi song song với công việc viết báo đó, là viết văn, công việc mà ông yêu thích từ thuở còn ngồi trên giảng đường đại học với những Ma Văn Kháng, Phạm Tiến Duật, Vương Trí Nhàn... Kể từ tập truyện ngắn đầu tay “Chiến công kỳ lạ” của ông được xuất bản năm 1983, thì suốt 35 năm qua, ông còn in tiếp 30 cuốn sách khác, trong đó có nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu thích và khen ngợi như các tiểu thuyết “Giai điệu xanh”, “Trái tim thắp lửa”, các tập truyện ngắn: “Màu tình yêu”, “Chuyện lạ trên đồi không tên”, “Tình muộn”; các tập kịch: “Đường vào”, “Chiếc khăn choàng của Seo Ly” và đặc biệt là các tập ký sự chân dung vốn là mặt mạnh của ông như “Chuyện đời và tác phẩm”, “Tố chất người anh hùng xứ Nghệ”, và “Chuyện thường ngày của Võ Đại tướng”… Những tập sách này minh chứng Chi Phan là một cây bút xông xáo, cần mẫn, đa dạng, một cây bút giàu tình yêu với cuộc sống, với quân đội và những cuộc kháng chiến của dân tộc, một cây bút có trách nhiệm rất cao với sự nghiệp văn chương báo chí (Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng văn nghệ NXB Quân đội nơi xuất bản không ít tác phẩm của nhà văn Chi Phan cho tôi hay rằng: Nhà văn Chi Phan là Nhà báo- Nhà văn nêu kỷ lục đã đi thực tế sáng tác ở Trường Sa tới 11 lần!)

Mới đây, tôi được gặp lại nhà văn Chi Phan tại Trại sáng tác tại Nha Trang. Ông vẫn như xưa, mảnh mai, dịu dàng, thường khiêm tốn lặng lẽ ngồi một góc khuất. Ông nhắc nhớ lại chuyến đi Lạng Sơn ngày nào, nhắc nhớ những người bạn của tôi từng học ở Trường Trỗi, từng là học sinh của ông mà tâm hồn ông mãi vương vấn họ nhiều thời gian qua... Và ông ký tặng tôi tập sách mới nhất của ông mang tên “Điều kỳ diệu” do NXB Quân đội mới in xong còn thơm mùi mực. Đấy là tập sách thứ 31 của ông, và ở trại viết lần này, ông lại đang lặng lẽ và chuyên cần viết tập sách thứ 32 của đời mình...

Trương Nguyên Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ