• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam qua điện ảnh

Du lịch 28/10/2015 10:38

(Toquoc)-Điện ảnh là một kênh quan trọng để quảng bá du lịch. Việt Nam để lỡ nhiều cơ hội qua kênh quảng bá hiệu quả này.

LTS: Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch nhưng làm cách nào để khách du lịch quốc tế biết đến thì đó vẫn là bài toán đang trên đường tìm lời giải. Có một thực tế là trong khi các nước bạn như Thái Lan, Campuchia… đã thành công khi tận dụng các hình ảnh trong phim để quảng bá các danh thắng của mình thì Việt Nam lại để lỡ nhiều cơ hội qua kênh quảng bá hiệu quả này.

Vậy, làm cách nào quảng bá du lịch qua điện ảnh một cách hiệu quả? Câu trả lời sẽ có trong loạt bài Chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam qua điện ảnh do Báo Điện tử Tổ Quốc thực hiện.

 

Nhà của Pao trong bộ phim tạo được làn sóng du lịch “Chuyện của Pao” (ảnh minh họa)



 
TẠO DẤU ẤN VỀ HÌNH ẢNH VIỆT NAM TRONG ĐIỆN ẢNH

 

(Toquoc)- Sở hữu nhiều lợi thế về cảnh đẹp nhưng Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng trong quảng bá, thu hút du khách đặc biệt là qua điện ảnh.

Điện ảnh là một kênh quan trọng để quảng bá du lịch. Câu chuyện tận dụng cơ hội quảng bá du lịch qua điện ảnh đã được những người làm điện ảnh bàn tới từ lâu, song trong thời gian qua, những bộ phim có dấu ấn về cảnh đẹp, góp phần thu hút khách du lịch chưa nhiều. Gần đây, một số đoàn làm phim nước ngoài muốn quay phim tại Việt Nam khiến vấn đề này một lần nữa lại được quan tâm.

Có lỡ cơ hội quảng bá qua phim nước ngoài?

Câu chuyện có nhiều hình ảnh Việt Nam tươi đẹp trên các phim nước ngoài song gần như ít khán giả biết đến đây là hình ảnh được các đoàn làm phim thực hiện ở Việt Nam được nhắc đến nhiều. Từ đó, cho rằng chúng ta bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước ra nước ngoài qua các bộ phim của họ tiếp tục được bàn luận. Nếu như nhìn từ bộ phim “Đông Dương”, sau khi vịnh Hạ Long xuất hiện trong bộ phim năm 1994, lượng khách Pháp tăng đột biến, thậm chí hãng hàng không Pháp (Air France) đã phải tăng chuyến bay đến nước ta. Thì rõ ràng, các bộ phim đã góp phần không nhỏ vào việc thu hút khách du lịch đến các địa danh mà phim đề cập.

Du khách đã đổ xô đến đền Angko của Campuchia sau khi bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” do nữ diễn viên nổi danh Angelina Jolie thủ vai chính được phát hành. Tương tự, những bộ phim như “Chúa tể những chiếc nhẫn”, “Trò chơi vương quyền”, The Habit… đã tạo đột phá cho du lịch Newzeland khi các bộ phim xuất hiện những cảnh quay  tuyệt đẹp ở đây. Theo khảo sát của cơ quan du lịch Newzeland, hơn 13% khách du lịch cho biết, nhờ những cảnh quay đẹp trên phim mà họ tới đất nước này.

Nói như vậy để thấy, thật là tiếc, nếu chúng ta không tận dụng cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước qua các bộ phim.

Bà Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: “Theo quy định của Luật Điện ảnh và các văn bản pháp quy liên quan, Cục Điện ảnh là cơ quan được giao nhiệm vụ giám định các kịch bản phim có yếu tố nước ngoài quay tại Việt Nam, sau đó trình Bộ VHTTDL ra quyết định cho phép quay phim (đối với phim truyện)”. Bà Lan cũng khẳng định: “Thủ tục vào Việt Nam làm phim cũng thông thoáng và đơn giản, các nhà làm phim chỉ cần nộp kịch bản và đơn xin phép tới Cục và sau 30 ngày, nếu kịch bản hợp lệ là có giấy phép”.

Lý giải việc các nhà làm phim quốc tế vẫn chọn Thái Lan hoặc Campuchia để thay thế cho việc làm phim tại Việt Nam, bà Lan cho rằng: “Dịch vụ phục vụ các đoàn làm phim của chúng ta còn kém. Nhiều nhà làm phim khi thực hiện làm phim ở Việt Nam phải tự đưa trang thiết bị vào trong khi chúng ta cũng chưa có chính sách ưu đãi cho dịch vụ này, nên khó cạnh tranh với các nước bạn”.

Bà Lan cũng khẳng định: “Tại nhiều hội thảo quốc tế về điện ảnh hay các liên hoan phim quốc tế, Cục Điện ảnh đã và đang cố gắng giới thiệu các quy định rất căn bản và đơn giản khi các đoàn phim vào quay phim tại Việt Nam. Cục cũng từng tiếp đón và sẵn sàng tiếp đón đại diện của các hãng phim nước ngoài để họ hiểu hơn và yên tâm vào Việt Nam quay phim”.

Thế nhưng, với những bộ phim được quay tại Việt Nam, nếu không có tài liệu quảng bá giới thiệu, liệu khán giả trên thế giới có thể biết được, đó là cảnh đẹp của Việt Nam? Bộ phim của Hollywood được công chiếu tại Việt Nam mới đây mang tên “Pan và vùng đất Neverland” có hình ảnh Tam Cốc (Ninh Bình), Hang Én, vịnh Hạ Long… nhưng các tài liệu quảng bá chính thức cho phim không hề nhắc đến hai chữ “Việt Nam”.

Rõ ràng, ngoài việc cởi mở hơn cho các đoàn làm phim vào Việt Nam thì điều quan trọng nhất là sự kết hợp với các đoàn làm phim trong quảng bá cho du lịch Việt.

Thiếu những bộ phim thu hút khách nội địa

Chúng ta vẫn nói đến việc lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước qua những bộ phim nước ngoài và lấy làm tiếc. Song chính những nhà làm phim trong nước vẫn chưa chú trọng đến việc làm phim với những hình ảnh đẹp để quảng bá du lịch, thu hút người dân trong nước. Những bộ phim có thể quảng bá du lịch ở trong nước không nhiều.

Ngoài “Chuyện của Pao” (2006) đã tạo nên một làn sóng “du lịch bụi” đến Hà Giang để chiêm ngưỡng những ngôi nhà sau hàng rào đá, cho đến nay, điện ảnh Việt chưa tạo được thêm được một làn sóng nào tương tự. Mới đây, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ thực sự trở thành hiện tượng với 3, 4 suất chiếu mỗi ngày, doanh thu hơn 100 tỉ đồng. Rất nhiều khán giả trong nước ngỡ ngàng trước những cảnh quay tuyệt đẹp ở Phú Yên và đã bày tỏ khao khát đến vùng đất của những cảnh đẹp trong phim. Mặc dù trước đó, đạo diễn Victor Vũ cũng từng làm “bom tấn” “Thiên mệnh anh hùng” với những cảnh quay đẹp lung linh, khiến nhiều người ngỡ ngàng của vùng núi non Ninh Bình, Cổ Loa (Hà Nội)… Nhưng sức hút để người xem muốn đến các cảnh đẹp đó thì bộ phim “bom tấn” này lại chưa đạt được. Bởi thế, hình ảnh thể hiện dù đẹp nhưng nếu bộ phim không có nội dung hấp dẫn thì hiệu quả quảng bá vẫn không thể cao.



Một cảnh trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thực hiện tại Phú Yên (ảnh Internet) 

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: “Trong năm 2016, Cục sẽ đặt hàng các tác giả trong nước thực hiện phim theo thể loại tài liệu, với độ dài chừng 10-12 phút để chiếu ở các hội nghị, liên hoan phim quốc tế. Các phim sẽ gắn với sản phẩm du lịch cụ thể, như du lịch homestay, du lịch sinh thái, du lịch biển, hay các làng nghề truyền thống… Tiêu chí làm phim cũng đang được Cục Điện ảnh phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng. Tất cả nhằm giới thiệu Việt Nam là đất nước cởi mở, cảnh quan tươi đẹp, con người mến khách nhiệt tình”.

Đây có thể coi là cái bắt tay giữa điện ảnh và du lịch trong nước. Hy vọng, sự vào cuộc và bắt tay giữa điện ảnh với du lịch trong tương lai không xa, sẽ đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới và đưa du khách thế giới tới Việt Nam.

Dạ Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ