Tôi được nghe câu hát Có người mẹ bàn cờ /Tay gầy tóc bạc phơ / Chuyền cơm qua vách cấm…, ngay sau ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Nhưng lúc ấy, tôi nào biết đó là bài hát được phổ từ bài thơ Người mẹ bàn cờ của Nguyễn Kim Ngân, một nhà thơ sinh trưởng trên đất Phú Yên mình. Và trong Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống Xuân Đinh Hợi trên tháp Nhạn, tôi mới được “diện kiến” Nguyễn Kim Ngân, một con người bình dị, chân chất và luôn hướng thiện.
Tôi được nghe câu hát Có người mẹ bàn cờ /Tay gầy tóc bạc phơ / Chuyền cơm qua vách cấm…, ngay sau ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Nhưng lúc ấy, tôi nào biết đó là bài hát được phổ từ bài thơ Người mẹ bàn cờ của Nguyễn Kim Ngân, một nhà thơ sinh trưởng trên đất Phú Yên mình. Và trong Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống Xuân Đinh Hợi trên tháp Nhạn, tôi mới được “diện kiến” Nguyễn Kim Ngân, một con người bình dị, chân chất và luôn hướng thiện.
Và cũng rất tình cờ, mới đây tôi có được tập thơ Sông chảy bên trời, tập thơ đầu tay ra mắt công chúng sau gần một đời làm thơ của Nguyễn Kim Ngân. Lần giở những trang thơ, điều làm tôi xúc động mãnh liệt là nỗi buồn khi quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh. Những ai đã từng sống ở miền quê trong thời ly loạn ắt có sự đồng cảm với tác giả Nguyễn Kim Ngân khi anh đặt bút viết lên những câu thơ, bài thơ nói về nỗi buồn chiến tranh, về thân phận của mỗi con người bị hủy hoại cả thể xác lẫn tinh thần.
Trong chiến tranh, Nguyễn Kim Ngân sống và cầm bút ở đô thị Sài Gòn. Anh tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Định. Do vậy, anh nhìn chiến tranh bằng cái nhìn của một trí thức trẻ yêu nước, chuộng hòa bình và đầy lòng trắc ẩn, nhất là mỗi khi có dịp về lại nơi chôn nhau cắt rốn, chứng kiến những cảnh tượng hoang tàn, đổ nát do chiến tranh gây ra. Và do đó, bằng những tác phẩm của mình, Nguyễn Kim Ngân đã tạo cho người đọc cảm giác đau đớn khi nghĩ về quê hương đang chìm ngập trong khói lửa. Và cũng chính từ cảm xúc đó, người đọc càng yêu quê hương bản quán mình hơn. Toàn bộ các tác phẩm thơ viết về quê hương trong chiến tranh của Nguyễn Kim Ngân đều mang tâm trạng u uẩn, đau buồn, như bài Quê hương chìm đắm:
Cha tôi chết một mùa chinh chiến cũ
Mười lăm năm hồn lạc lõng Tây Nguyên
Những chiều mưa như thác đổ triền miên
Người có biết quê hương giờ tan nát
………
Mưa tháng năm buồn dâng lên tắc nghẹn
Ngại nhà xưa trong một phút mưa bong
Không biết mẹ tôi nay còn sống?
Và thằng em chạy trốn cuộc hành quân
Nửa làng tôi, nửa người thân khuất bóng
Chiều ra đi sóm vắng ngủ ven rừng
Tôi sợ ngày về không còn gì nữa
Con đường xưa đón nhận kẻ không hồn
Trong đêm nay nhìn trăng như lệ ứa
Tôi nguyện cầu đất nước bớt đau hơn.
Phải là người yêu quê hương hết mực mới viết nên những câu thơ như thế!
Khuya vắng (1966) là một bài thơ viết về tình yêu đôi lứa rất đẹp. Có thể đây là mối tình đơn phương, người con trai thầm yêu trộm nhớ cô thôn nữ nhưng không dám ngỏ lời. Đọc đến cuối bài thơ, ta thấy rõ bàn tay lạnh lùng, tàn bạo của chiến tranh đã can thiệp vào mối tình này:
Năm xưa quê anh còn yên lành
Đêm đêm em nằm ngủ dưới trăng
Tóc huyền trôi bóng cây vờn ngã
Hơi thở thơm mùi hoa nửa đêm
………
Giặc đến đốt làng tập trung dân
Mình ra đi lòng đau vô cùng
Em lấy chồng giàu quên trở lại
Tôi về vườn cũ lá đầy sân.
Chiến tranh đã làm đảo lộn cuộc sống của hết thảy mọi người, nhất là ở vùng nông thôn. Hay nói cách khác, nông thôn là vùng phải hứng chịu những hậu quả tàn khốc nhất của cuộc chiến.
Tôi lớn lên bằng lời ru chinh phụ
Chiều mưa giông cùng tiếng súng Tây Nguyên
Đêm suối reo buồn biển động triền miên
Khuya thức giấc mõ thuyền Tây đổ bộ
Những buổi học trong đình hoang ngói đổ
Cha đến trường đào hầm trú cho con
Rồi ra đi tiếng võng mẹ mỏi mòn
Đứa con lớn theo chiến tranh còn đó…
(Lớn từ đỉnh núi -1967)
Lúc thiếu thời, Nguyễn Kim Ngân sống ở làng quê Xuân Thọ, Sông Cầu. Chiến tranh bùng nổ, và cậu học trò Nguyễn Kim Ngân buồn đau, ngán ngẩm, căm hờn. Đến tuổi thanh niên, Nguyễn Kim Ngân chạy trốn chiến tranh bằng cách lìa bỏ quê hương vào Sài Gòn để học. Bài thơ Còn một đêm nay sáng tác năm 1968 mang tâm trạng u hoài của người trí thức trẻ Nguyễn Kim Ngân khi về thăm quê và chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát do đạn bom gây ra trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn thương yêu của mình:
Ngày mai mình lại ra đi
Tóc tang quê mẹ còn ghi tủi hờn
Đường xưa lá phủ cô đơn
Hoàng hôn vắng ngắt chập chờn bóng đêm
Về thăm chỉ thấy buồn thêm
Từng nền đất cũ thời êm ấm nào
Rồi đây đời sẽ ra sao
Nghe thời gian đổ, lòng xao xuyến lòng
………
Cho tôi về với hồn tôi
Những đêm mưa gió hay ngồi buồn thương
Đọc Vườn hoang (1968), Quê nhà (1968), Chiều quê hương (1974), ta thấy mạch cảm xúc chảy trong tất cả thi phẩm của Nguyễn Kim Ngân lúc này là lòng yêu quê hương thiết tha của anh. Tình yêu quê hương, nguồn cội ấy được nhân lên gấp nhiều lần khi thấy quê hương ngập chìm trong khói lửa. Và người thanh niên trí thức Nguyễn Kim Ngân đã hình thành một nhận thức mới, đó là phải tích cực đóng góp công sức và trí tuệ nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng quê hương bằng cách tham gia phong trào học sinh sinh viên đang rầm rộ ở Sài Gòn. Điều đó thể hiện rõ nét ở những bài thơ anh sáng tác trong thời gian này. Nó chấm hết sự ủy mị, buồn thương. Cảm xúc thơ anh lúc này thật mạnh mẽ và đầy tinh thần lạc quan, trong đó điển hình là bài thơ Người mẹ bàn cờ.
Chiến tranh đã lùi xa trên 30 năm. Bây giờ ngồi đọc lại những bài thơ của Nguyễn Kim Ngân viết về nỗi buồn chiến tranh trên quê hương thân yêu của mình, ta càng hiểu hơn về một nhà giáo - nhà thơ chân chính, một người luôn nặng lòng với quê hương.
Theo báo Phú Yên