• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến trường IS tại Iraq và Syria: Mỹ - Thổ chưa ra hồi kết

Thế giới 29/03/2018 16:02

(Tổ Quốc) - Lực lượng của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hiện diện tại Iraq và Syria bất chấp những lời kêu gọi rút quân.

Iraq và Syria đã tuyên bố chiến thắng trước nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) – nhóm khủng bố đã thu hút một mạng lưới quân sự địa phương và quốc tế quy mô lớn tới diệt trừ - hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên, cho tới nay, lực lượng của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hiện diện tại hai nước này – bất chấp những lời kêu gọi rút quân.

Trong khi Mỹ nói rằng sự hiện diện của họ là cần thiết để ngăn IS hồi sinh, thì Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng cơ hội này để khởi động một chiến dịch mới chống lại các lực lượng dân quân người Kurd – vốn được Mỹ hỗ trợ để chống IS. Khi Ankara phát động những cuộc tấn công mới vào người Kurd tại Iraq và Syria, cả hai nước này đều cố gắng giảm bớt hoặc trục xuất hoàn toàn lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.

“Oằn mình” sức mạnh Thổ Nhĩ Kỳ

Trong một cuộc họp báo hôm thứ ba, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã khẳng định với các phóng viên rằng quân đội Iraq đã "kiểm soát hoàn toàn tất cả các khu vực biên giới của nước này" và rằng chính phủ đã có "lịch trình giảm số lượng lính ngoại quốc ở Iraq. "

Tại nước láng giềng Syria, chỉ có Nga và Iran được coi là đồng minh hợp pháp từ nước ngoài. Một tuyên bố của chính phủ Syria ngày thứ 2 cũng nhấn mạnh, "yêu cầu lực lượng chiếm đóng Thổ Nhĩ Kỳ rút quân ngay tức thời và vô điều kiện ra khỏi lãnh thổ Syria".

Syria đã có nhiều tuyên bố chỉ trích sự hiện diện quân sự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này.

Hôm thứ ba, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari đã lên án "các cuộc tấn công chống lại chủ quyền, an toàn và toàn vẹn lãnh thổ của Syria" của liên minh do Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel dẫn đầu.

Quyết định của Hoa Kỳ năm 2015 về việc thành lập các Lực lượng Dân chủ Syria SDF– do người Kurd dẫn đầu đã làm phật lòng Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara lâu nay luôn nói rằng, các lực lượng dân quân người Kurd, như Các Đơn vị bảo vệ nhân dân YPG có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd PKK- đang đòi quyền tự trị tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi IS hầu như đã bị đánh bại ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một cuộc tấn công mới chống lại người Kurd ở Afrin, Syria vào tháng 1 và đã thành công chiếm được thành phố này vào đầu tháng 3.

Chiến dịch này cũng gia tăng thêm căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ - vẫn từ chối rút lực lượng đặc nhiệm đang hoạt động cùng với người Kurd ở phía bắc Manbij, một trong ít nhất sáu thành phố ở Syria và Iraq nằm dọc theo tuyến đường viễn chinh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, trong một tuyên bố gửi cho Newsweek hồi đầu tháng này, thừa nhận "việc lực lượng SDF rời khỏi thung lũng sông Euphrates và  tiếp tục chỉ ra cái giá phải trả cho mọi sự chia rẽ trong chiến dịch chống IS".

Phức tạp thế trận Mỹ - Thổ

Mỹ cũng đã từ chối ủng hộ người Kurd – đang rời cuộc chiến chống IS để tham chiến chống lại Thổ Nhĩ Kỳ - trong việc đi tới một thỏa thuận với Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm đưa quân Syria vào hỗ trợ người Kurd chống lại Ankara.

Khi chính quyền Assad đang giành lại hầu hết các lãnh thổ từng bị phe nổi dậy và IS chiếm đóng, ông và các đồng minh Nga và Iran đã yêu cầu Hoa Kỳ rút lui. Tuy nhiên, chính quyền của ông  Trump đã từ chối đưa ra thời gian và kế hoạch rút quân lui.

Jennifer Cafarella, một chuyên gia tình báo cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, nói với Newsweek rằng "Hoa Kỳ cần được chuẩn bị để bảo vệ các vị trí của mình ở Syria và Iraq bằng vũ lực." Bà lưu ý rằng, "Nga, Iran và Assad đang tìm cách trục xuất Mỹ ra khỏi Syria, và đã tấn công Hoa Kỳ và các lực lượng đối tác nhiều lần" kể từ khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh phóng  tên lửa hành trình nhằm vào một căn cứ không quân Syria hồi năm ngoái.

Tại Afrin, nhóm nổi dậy Quân đội Syria tự do (FSA), từng được CIA hỗ trợ, đã chuyển sang “chạy cờ” cho Thổ Nhĩ Kỳ, và đang nhắm tới giành quyền kiểm soát thị trấn Tel Rifaat gần đó. Tel Rifaat trước đó được chuyển từ tay SDF sang chính phủ Syria. Động thái này  báo hiệu sự hiện diện tiềm ẩn lâu dài của Ankara tại Syria.

Các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đánh vào các mục tiêu quân sự của người Kurd ở miền bắc Iraq, nơi Ankara cũng cảm thấy PKK dễ dàng thâm nhập vào. Không giống như Assad, Abadi đã cố gắng duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là do mối quan hệ đồng minh của Iraq với Mỹ. Washington cho tới nay đã là năm thứ 15 hiện diện liên tục tại Iraq.

Tuy nhiên, một số chính trị gia địa phương ngày càng trở nên phản ứng giận dữ với sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Ông Abadi đã bảo đảm các nhà báo hôm thứ Ba rằng, ông đã nói với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim về việc các lực lượng Iraq có thể giải quyết các hoạt động quân sự của người Kurd ở miền bắc Iraq.

Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Ibrahim al-Jaafari cũng nói với người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tuần rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên rút khỏi thành phố Bashiqa.

Ngoài việc bực mình về sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq, ông Abadi cũng phải đối mặt với áp lực gia tăng từ các lực lượng dân quân người Shitte quyền lực để đẩy quân đội Hoa Kỳ rời khỏi đất nước này.

Lực lượng dân quân người Shitte tại Iraq – được cho là có Iran hỗ trợ - đã nổi lên từ năm 2014 và sát cánh cùng quân đội Iraq và Syria để đánh bại IS. Hồi đầu tháng này, họ đã trở thành một phần chính thức của lực lượng vũ trang Iraq. Khi Abadi chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào cuối năm nay, lực lượng Hồi giáo Shiite – cũng có cả nhiều người Hồi giáo Sunni, Kitô hữu Yazidi và các cộng đồng khác - đã hối thúc ông ta buộc Mỹ rút quân và đe dọa gây ra một cuộc xung đột mới nếu quân đội của Washington không rời khỏi.

Hồi đầu tháng này, liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo chống IS đã nói với Newsweek trong một tuyên bố riêng rằng, "là những vị khách được mời ở Iraq, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Iraq và các lực lượng an ninh của họ" và rằng, liên minh này "cam kết đánh bại Daesh [ từ viết tắt tiếng Ả Rập cho IS] ở Iraq và Syria. "

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ