• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính sách của Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể giúp Iran và Pakistan gần nhau?

Thế giới 25/11/2020 16:51

(Tổ Quốc) - Tờ National Interest đang đưa ra các nhận định về quan hệ giữa Iran và Pakistan trong chính quyền mới của ông Biden vào thời gian tới.

Tờ National Interest đưa ra các phân tích quan hệ giữa Iran và Pakistan kể từ khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Chính sách của Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể giúp Iran và Pakistan gần nhau? - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: Reuters

Sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại bầu cử Mỹ 2020, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã có chuyến thăm Islamabad trong hai ngày. Quan hệ chính trị giữa Iran và Pakistan hiện vẫn duy trì trong thời gian qua. Ngoại trưởng Iran và lãnh đạo đồng cấp Pakistan đã có các trao đổi cách thức thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước. Động thái này một phần xuất phát từ động thái Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung JCPOA) vào năm 2018 và tiếp tục áp dụng lại các trừng phạt đối với nước này.

Giai đoạn chuyển giao quyền lực tại Mỹ đang diễn ra, ông Joe Biden sẽ trở thành tân Tổng thống của nước Mỹ trong năm sau cùng với đó là các thay đổi về chính sách mới của Mỹ đối với Iran. Về lý thuyết, việc nới lỏng trừng phạt đối với Iran sẽ là vấn đề cần phải cân nhắc nếu Mỹ xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Theo National Interest, giới quan sát nhìn nhận thấy khả năng quan hệ giữa Iran và Pakistan sẽ cải thiện trong chính quyền ông Biden vào thời gian tới.

Đầu tiên, các khả năng phỏng đoán về việc ông Biden có thể tham gia lại JCPOA. Tổng thống Iran – ông Hassan Rouhani là một chính trị gia từng tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran trong khoảng thời gian 2013-2015 nhưng lại có thể phải rời vị trí này trong năm sau. Nhiều khả năng một chính trị gia mới có lập trường cứng rắn hơn với Mỹ sẽ đảm nhận vị trí này.

Thêm vào đó, thỏa thuận hạt nhân Iran hiện tại không hoàn toàn được người Iran quan tâm trong bối cảnh kinh tế suy thoái và người dân không nhìn thấy các lợi ích kinh tế như mong đợi. Và niềm tin của người Iran vào nước Mỹ rất thấp kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi JCPOA. Tehran bắt đầu vi phạm một số quy định trong thỏa thuận hạt nhân từ năm 2019. Các nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân không phải là điều đơn giản ngay cả khi vẫn là thành viên của thỏa thuận. Mỹ đã ra khỏi thỏa thuận và quyết định cân nhắc việc tham gia lại chắc chắn không phải là điều dễ dàng đối với chính quyền mới của ông Biden.

Bất kỳ nỗ lực nào nhằm kiềm chế khả năng hạt nhân của Iran liên quan đến chương trình tên lửa hay việc sử dụng lực lượng ủy quyền đều có lý do để Iran lên tiếng từ chối. Tehran có thể sẽ yêu cầu Mỹ phải bồi thường sau các động thái áp đặt trừng phạt đối với nước này.

Thêm vào đó, một số đối tác khu vực của Mỹ bao gồm Israel, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất có lẽ sẽ không thấy thoải mái với nỗ lực Mỹ tham gia lại thỏa thuận hạt nhân. Iran sẽ khó chấp nhận điều này đối với chính quyền ông Biden trong bối cảnh dịch bệnh nghiêm trọng cũng như khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Các nhà phân tích đưa ra gợi ý tiếp cận phương hướng phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran. Cả Washington và Tehran sẽ từng bước quay lại JCPOA vào năm 2021. Hai nước sẽ có các tiến trình đối thoại mở rộng về tên lửa và an ninh khu vực. Tuy nhiên, giới phân tích cũng khẳng định việc phục hồi JCPOA không phải là liều thuốc chữa bách bệnh. Thỏa thuận chỉ nới lỏng các trừng phạt thứ cấp – hiện đang áp dụng đối với các bên thứ ba liên quan với Iran mà không hề xóa bỏ hoàn toàn các trừng phạt ban đầu - liên quan đến giao dịch của các công ty Mỹ với Tehran.

Điều này lý giải lý do tại sao thương mại giữa Iran và Pakistan vẫn duy trì ở mức độ thấp từ trước đến nay. Vào năm 2015, hai nước đã cam kết thúc đẩy thương mại lên tới 5 tỷ đôla vào năm 2020 nhưng cả hai chưa từng đạt được mục tiêu. Pakistan sẽ chỉ nhìn thấy các lợi ích kinh tế ít ỏi từ việc nới lỏng các trừng phạt của JCPOA. Tất nhiên vẫn còn các yếu tố khác hạn chế thương mại hai nước, bao gồm các rào cản thuế quan tại Iran và quá trình di chuyển không được thông suốt giữa hai nước.

Một rào cản khác với Iran là Saudi Arabia. Vương quốc này có quan hệ kinh tế và an ninh thân thiết với Pakistan đồng thời thúc đẩy ảnh hưởng đáng kể ở đây.

Theo giới quan sát, Pakistan và Iran có thể hợp tác nhiều hơn nữa nếu chính quyền ông Biden theo đuổi chính sách đối thoại an ninh khu vực trong thỏa thuận JCPOA. Bởi vì Islamabad có quan hệ chính trị tốt với cả Tehran và Riyadh nên nước này có thể làm trung gian giữa hai đối thủ, xoa dịu khủng hoảng khu vực trong những năm gần đây và có thể làm như vậy một lần nữa.

Trong khi kỷ nguyên ông Biden có thể chứng kiến sự cải thiện trong quan hệ giữa Iran và Pakistan nhưng khó có thể đạt được triển vọng lớn.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ