(Tổ Quốc)-Đài Loan muốn mở rộng quan hệ kinh tế tới Đông Nam Á, tránh lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
(Tổ Quốc)-Đài Loan muốn mở rộng quan hệ kinh tế tới Đông Nam Á, tránh lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Chính quyền mới tại Đài Loan của bà Thái Anh Văn đề ra “chính sách Hướng Nam mới” trong nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế của Đài Loan, nhằm đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại trong tình hình kinh tế Đài Loan những năm qua quá phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc và cùng với điều đó là phụ thuộc về chính trị.
Chính sách Hướng Nam mới chú trọng đào tạo tay nghề và hội nhập của người Việt vào xã hội Đài Loan
Làn sóng đầu tư Hướng Nam đầu tiên
“Chính sách Hướng Nam” là tên gọi một chính sách kinh tế và ngoại giao của nhà đương cục Đài Loan đưa ra vào những năm 1990, nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch kinh tế đầu tư của Đài Loan xuống các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam và Brunei.
Làn sóng đầu tư Hướng Nam đầu tiên diễn ra vào năm 1993, và đã đạt được những kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, đến nửa sau nhiệm kỳ của Tổng thống Lý Đăng Huy, chính sách này yếu dần, do Trung Quốc đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Đài Loan, đặc biệt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khiến cho các nhà đầu tư Đài Loan rút vốn nhiều hơn.
Năm 2002, Tổng thống Trần Thủy Biển khởi động lại chính sách này, đưa tổng đầu tư của Đài Loan tại Đông Nam Á đạt khoảng 15,2 tỷ USD trong giai đoạn 2001-2007. Nhưng sau đó chính sách này cũng mất động lực dưới thời ông Mã Anh Cửu. Sau năm 2010, các nhà đầu tư Đài Loan lại dần dần quay trở lại khu vực Đông Nam Á.
Chính sách Hướng Nam mới
“Chính sách Hướng Nam mới” được bà Thaí Anh Văn - ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân tiến - đề cập tháng 9/2015. Tại lễ nhậm chức Tổng thống ngày 20/5/2016, bà Thái Anh Văn đã phát biểu về Chính sách Hướng Nam ngay trong phần đầu của bài diễn văn nhậm chức về chuyển đổi mô hình kinh tế Đài Loan.
Việc chính phủ bà Thái Anh Văn thêm chữ “mới” vào tên gọi của chính sách này cho thấy mối quan tâm mới đối với phát triển quan hệ kinh tế với các nước ASEAN và 6 nước Nam Á.
Bài phát biểu của bà Thái đề cập như sau: “Bước đi đầu tiên trong công cuộc cải cách kinh tế đó chính là tăng cường sức sống và tính tự chủ của nền kinh tế Đài Loan, tăng cường liên kết khu vực và quốc tế, tích cực tham gia các hợp tác kinh tế song phương, đa phương cũng như các vòng đàm phán thương mại tự do như TPP, RCEP. Đồng thời, thúc đẩy chính sách Hướng Nam mới, gia tăng sự đa dạng hóa và bố cục của nền kinh tế, “nói lời từ biệt” với hiện tượng quá phụ thuộc vào một thị trường như trước đây”.
Năm 1991, trong tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan, thị trường Trung Quốc chiếm 15.6%, đến năm 2012, con số này lên đến 73%.
Chiến lược kinh tế đối ngoại mới của Đài Loan lấy con người làm trọng tâm, kỳ vọng trong thời gian 5 năm sẽ tích cực thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác song phương giữa Đài Loan và các quốc gia ASEAN và Nam Á trong các lĩnh vực: nhân lực, sản xuất, đầu tư giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp.
Một số biện pháp đang được triển khai, như thành lập “Văn phòng Chính sách Hướng Nam mới” tại phủ Tổng thống; tổ chức quyên góp để thành lập “Viện Nghiên cứu ASEAN và Nam Á” cấp quốc gia; thúc đẩy giao lưu ngoại giao chính thức, ở các cấp khác nhau với các nước ASEAN để có thể vượt qua rào cản nguyên tắc “Một nước Trung Quốc”; thành lập “Taiwan Desk” tại các quốc gia ASEAN, với mục đích cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư liên quan đến ngành nghề, pháp luật cũng như thuế quan cho các doanh nghiệp Đài Loan.
Đài Loan và các nước Đông Nam Á có mối quan hệ kinh tế thương mại từ lâu. Theo một thống kê, dưới nhiệm kỳ Tổng thống Mã Anh Cửu, tổng vốn đầu tư của Đài Loan vào 7 nước Đông Nam đã tăng lên con số 29,5 tỷ USD trong các năm 2008-2014. Mức độ hiểu biết và tiếp nhận của xã hội Đài Loan đối với các tân di dân mới từ Đông Nam Á có sự thay đổi lớn, đặt nền móng vững chắc cho chính sách mới này của chính phủ.
Tuy nhiên, Chiến lược Hướng Nam mới vẫn còn nằm trên giấy. Hơn nữa Đài Loan lại có vấn đề chính trị với Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á cũng không thể “bỏ Trung Quốc để lựa chọn Đài Loan”. Nếu như các doanh nghiệp Đài Loan không có năng lực cạnh tranh cốt lõi của mình thì cũng khó mà phát triển.
Xuất khẩu và đầu tư của Đài Loan sang thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ giảm mạnh trong thời gian đầu của chính phủ mới. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế hai bờ vẫn chiếm vị trí quan trọng, tuy không đến mức phụ thuộc như vừa qua.
Việt Nam là một đối tác quan trọng. Số lượng lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan đã vượt qua Thái Lan và Indonesia. Đài Loan lập một số tổ chức dân sự để hỗ trợ người Việt hội nhập vào xã hội Đài Loan. Tại Việt Nam, họ cũng thành lập các Hiệp hội Thương gia Đài Loan để trợ giúp nhau trên cả ba miền bắc, trung, nam của Việt Nam.
Việt Nam nên tận dụng cơ hội đón đầu nguồn tư bản từ Đài Loan đang chuyển dịch từ Trung Quốc, cũng như các công ty, các sáng kiến khởi nghiệp start-ups, các công nghệ cao hàng đầu thế giới đang có kế hoạch đầu tư vào ta. Nguồn tiền của các công ty Đài Loan cũng không hề thua kém các công ty của Hàn Quốc hay Hong Kong.
Đồng thời ta cũng nên đặc biệt sàng lọc các dự án trước khi cấp phép đầu tư để tránh trở thành bãi rác công nghiệp, công nghệ, dây chuyền sản xuất cũ kĩ của các doanh nghiệp Đài Loan./.
Nguyễn Nam