Ngay từ ngày bé, tôi đã thường đòi mẹ cho đi cùng lên chợ Đồng Xuân. Nơi đây ghi lại bao kỷ niệm dấu yêu của người Hà Nội.
Ngay từ ngày bé, tôi đã thường đòi mẹ cho đi cùng lên chợ Đồng Xuân. Nơi đây ghi lại bao kỷ niệm dấu yêu của người Hà Nội.
Những ai đã sinh ra và lớn lên, hoặc được trở thành cư dân của “Thành phố trong sông” đều mang trong lòng một niềm tự hào thầm kín về mảnh đất này.Tự hào vì nơi đây có lịch sử nghìn năm văn hiến. Những nét văn hóa lâu đời hiển hiện trên từng địa danh, ẩn chứa trong từng góc phố rêu phong, từng hàng cây trăm tuổi. Cả đến những khu chợ tưởng chừng lam lũ cũng mang một giá trị văn hóa riêng, gắn liền với dòng chảy lịch sử.
Nhắc đến chợ ở Hà Nội, không thể không nhắc đến chợ Đồng Xuân. Đây là trung tâm thương mại lớn nhất, lâu đời nhất ở Hà Nội. Sầm uất, nhộn nhịp nhưng không quá ồn ào, xô bồ. Cách thức buôn bán nhuần nhị của các bà, các mẹ đã phản ánh khá rõ nét phong thái của người Hà thành, tạo nên bản sắc văn hóa đất kinh kỳ.
![]() |
Ngày giáp tết, đặc sản các vùng đều có mặt tại chợ Đồng Xuân. |
Xưa kia, sát sông Tô của kinh thành Thăng Long có hai chợ cổ đông đúc là chợ Cầu Đông và chợ Bạch Mã, lúc nào cũng tấp nập hàng hóa, trên bến dưới thuyền. Ngay từ đầu, chợ đã không giống như các chợ khác ở Hà Nội là họp theo phiên, khu chợ này ngày nào cũng họp mà vẫn đông người mua kẻ bán.
Năm 1889, khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã dồn hai chợ Cầu Đông và Bạch Mã tới bãi đất trống cạch đình Đồng Xuân. Thấy chợ đông người họp nên chính quyền thời đó cho xây kiên cố, khánh thành vào năm 1890. Đến năm 1920 thì xây lại lần nữa, rộng và đẹp hơn.
Với địa thế thuận lợi, chợ Đồng Xuân trở thành nơi tập kết của những người buôn bán từ phía bắc xuống, từ trong nam ra. Do đó Đồng Xuân còn nổi tiếng là chợ có nhiều hàng hóa nhất. Mùa nào thức ấy, sản vật từ khắp các vùng miền trong cả nước đều có mặt ở nơi đây.
Các cô gái Hà Nội xưa hay đi chợ Đồng Xuân giờ đều đã "lên chức" bà nhớ lại rằng, chợ Đồng Xuân nằm trong lòng Hà Nội mà có bán cả tôm, cá, cua miền biển, có măng, nấm, thịt nai vùng núi. Miền bắc mà có cả xoài Nam bộ, thanh trà miền trung, cà-phê Tây nguyên. Thời đi lại giữa các vùng còn khó khăn thì đây quả là một điều hiếm có.
Chợ Đồng Xuân ngày càng trở nên sầm uất, nhộn nhịp. Từ chợ trung tâm này, hình thành hàng loạt các chợ, các phố nghề vệ tinh xung quanh, tạo thành một mạng lưới chợ phong phú, đông vui, trao đổi thuận tiện. Hàng hóa thì “thượng vàng hạ cám” đủ cả. Từ củ hành, củ tỏi cho đến vải lụa đắt tiền, người bán hàng ở đây thường bán buôn với số lượng lớn, hoặc bán cho người ở các tỉnh về đây cất hàng.
![]() |
Hàng hóa nhiều... chật cả lối đi.
|
Dần dần, chợ Đồng Xuân không còn là ngôi chợ đơn thuần như bao chợ khác mà trở thành nơi giao lưu của các nền văn hóa. Các sản vật từ bắc chí nam, từ đông sang tây đều hội tụ về đây rồi tỏa đi khắp nơi. Văn hóa từ những nơi đó cũng theo chân người buôn bán về Kẻ chợ để giao lưu, hội nhập với văn hóa Tràng An, để rồi tỏa sáng như một điểm độc đáo không nơi nào có được.
Còn nhớ ngày bé, chỉ khi nào nhà có cỗ hay gần đến tết, mẹ tôi mới đi chợ Đồng Xuân, còn ngày thường chỉ đi chợ cóc, chợ xanh gần nhà. Mỗi lần nghe mẹ nói “sớm mai đi chợ Đồng Xuân” là tôi lại nằng nặc đòi đi theo cho bằng được.
Lên đến chợ, lần nào tôi cũng bị ngợp bởi không khí tấp nập nơi đây. Cái gì cũng nhiều. Những thúng, mẹt to như cái thuyền đựng đầy hàng hóa được chất cao quá đầu người. Những bà bán hàng oai vệ ngồi cao ngất ngưởng, làm luôn tay, nói luôn miệng. Tôi cứ hít hà cái mùi ngai ngái, nồng nồng của măng khô, của mộc nhĩ mãi không chán để rồi liên tưởng đến mâm cơm ấm cúng ngày tết với đầy đủ các thành viên trong gia đình.
Với những người Hà Nội, chợ Đồng Xuân thật thân thiết, gắn bó. Nó giống như ngôi nhà trong đó chứa đựng bao kỷ niệm dấu yêu. Sau này lớn lên, mỗi lần đi ngang qua cổng chợ, tôi lại thấy lòng mình rưng rưng nhưng ấm áp, thanh thản lạ lùng.
![]() |
Trầu têm cánh phượng - một chút truyền thống còn lại của chợ Đồng Xuân.
|
Tháng 7/1994, chợ Đồng Xuân bị cháy, phần lớn các gian hàng bị thiêu rụi, ai cũng xót xa vì sau vụ cháy, nhiều người mất cả cơ nghiệp. Nhưng trong lòng người Hà Nội còn trĩu nặng nỗi đau vì mất đi một hình ảnh thân thương. Sau khi chợ Đồng Xuân được xây dựng lại gần giống như cũ với mặt tiền có 5 vòm cửa, người Hà Nội mới thở phào nhẹ nhõm.
Ngày nay, chợ Đồng Xuân trở thành trung tâm thương mại lớn vào bậc nhất Hà Nội. Tuy nhiên chợ vẫn đủ các loại hàng có chất lượng từ cao tới thấp. Những ai đi công tác xa về, không kịp mua quà cho người thân, thường tìm đến chợ Đồng Xuân để mua vì ở đây đáp ứng được tất cả yêu cầu của “thượng đế”.
Chợ Đồng Xuân còn là một trong những điểm thu hút du khách tới tham quan, nhất là khách nước ngoài. Không có nhu cầu mua hàng nhưng du khách rất thích thú đến chợ để tìm hiểu phong tục tập quán Việt Nam và ngắm hàng hóa với rất nhiều chủng loại, màu sắc hấp dẫn.
Ít người biết rằng, Chợ Đồng Xuân còn là một chứng tích lịch sử. Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nơi đây trở thành chiến lũy kiên cố ngăn cản sự tiến công của giặc Pháp. Chợ Đồng Xuân là hàng rào phòng ngự phía tây bắc của Liên khu I. Một chiến lũy bằng sạp gỗ, bàn ghế được dựng lên để cản đường xe địch.
Suốt gần 60 ngày đêm, từ ngày 19/12/1946, thực dân Pháp liên tiếp tấn công, nhân dân khu vực chợ Đồng Xuân kiên cường chiến đấu. Nhiều người đã anh dũng hy sinh. Dịp kỉ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, một bức phù điêu “Hà Nội mùa đông năm 1946” được dựng ngay cổng chợ để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Thủ đô năm ấy.
Dẫu không chỉ Hà Nội mới có chợ, nhưng chợ Đồng Xuân có một vị trí đặc biệt trong lòng mỗi người dân Hà Nội. Chợ Đồng Xuân đã góp phần làm nên một phong cách Tràng An. Có ai tới thăm Hà Nội, xin hãy một lần ghé qua nơi này – nơi đã tự bao giờ gắn bó với mảnh đất và con người Thăng Long. Với những gì con người đang tạo dựng hôm nay, đó phải chăng là một phần lịch sử.
Bài và ảnh: Phạm Thu Hà ( Theo DVT)