• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chồng chéo trong hoạt động thẩm định, kiểm tra, giám sát an ninh mạng

Thời sự 05/04/2018 07:41

(Tổ Quốc) -Tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 04/4, thảo luận về Dự thảo Luật An ninh mạng, nhiều đại biểu cho rằng cần quy định rõ ràng, tránh chồng chéo trong hoạt động thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Việc thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là rất cần thiết, nhất là các biện pháp thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng và đây chính là các biện pháp quan trọng, hữu hiệu trong bảo vệ an ninh mạng. Việc áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng tất yếu phát sinh thủ tục hành chính, bắt buộc các chủ thể có liên quan phải thực hiện một số hoạt động cụ thể. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch và khả thi của dự thảo luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý cụ thể tại các điều 11, 12 và 13 về thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin theo hướng:

Đối với hoạt động thẩm định an ninh mạng tại Điều 11 quy định rõ, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia do lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trong thiết kế thi công dự án đầu tư xây dựng hoặc đề án nâng cấp hệ thống thông tin; đối với hệ thống thông tin khác thì do cơ quan chủ quản hệ thống thông tin thực hiện hoặc đề nghị lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện.

 Toàn cảnh phiên họp.

Về hoạt động kiểm tra, đánh giá an ninh mạng thể hiện tại Điều 12, hoạt động này do cơ quan chủ quản hệ thống thông tin thực hiện trước khi vận hành, sử dụng hoặc khi có thay đổi hiện trạng; còn lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá trong trường hợp đột xuất khi xảy ra sự cố an ninh mạng, hành vi xâm phạm an ninh mạng, khi có yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh mạng hoặc khi có đề nghị của cơ quan chủ quản hệ thống thông tin.

Hoạt động giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia quy định tại Điều 13, sẽ do cơ quan chủ quản hệ thống thông tin chủ trì, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện trong suốt quá trình hoạt động; còn lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành giám sát chung đối với toàn bộ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong cả nước.

Tuy nhiên, qua hoạt động tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, các bộ chức năng cho rằng, việc thực hiện cả hai loại thủ tục thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng và an toàn thông tin mạng sẽ gây khó khăn cho cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Do vậy, để tạo thuận lợi cho các cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong việc thi hành các nội dung quản lý nhà nước có liên quan đến thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung cơ chế phối hợp giữa các bộ trong việc thực hiện các nội dung này đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trừ hệ thống thông tin quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ sự tán thành với các quy định về thẩm định, kiểm tra, đánh giá an ninh mạng trong dự thảo Luật; tuy nhiên các đại biểu đề nghị bổ sung đầy đủ đối tượng, nội dung, quy trình, cơ quan chù trì, cơ quan phối hợp thẩm định; bảo mật thông tin khách hàng khi kiểm tra, đánh giá an ninh mạng. Một số đại biểu cũng đề nghị nội dung về hoạt động thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa, quy định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền của các Bộ, Ban, Ngành có liên quan để tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, đảm bảo phối hợp nhịp nhàng trong công tác quản lý, bảo vệ an ninh mạng.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu cũng đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục rà soát lại nội dung, bố cục của Luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung; tính phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, công dân, cũng như quyền bình đẳng trong hoạt động giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông nước ngoài sang đầu tư, hợp tác và cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Việt Nam./.

Theo Quốc hội

NỔI BẬT TRANG CHỦ