• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Công ty Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam: Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và kịp thời có điều chỉnh phù hợp

Văn hoá 14/09/2017 11:15

(Tổ Quốc) - Sau một năm cổ phần hóa, câu chuyện giữ thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam, việc nghệ sĩ không có việc làm, không được trả lương...đang làm nóng dư luận.

Tháng 4/2016, câu chuyện Tổng công ty vận tải đường thủy mua 65% cổ phiếu của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã làm “nóng” dư luận bởi lo ngại về vấn đề làm phim, về việc giữ “thương hiệu” anh cả đỏ của ngành điện ảnh. Sau một năm, những lo ngại này vẫn đang canh cánh trong lòng các nghệ sĩ, trong khi Ban lãnh đạo mới đang bước đầu triển khai công việc.

Tuy nhiên, những luồng thông tin về việc không trả lương nghệ sĩ, việc không tôn trọng quá khứ, vứt bỏ huy chương, trang thiết bị biểu diễn… như vừa qua có đúng sự thật?

“Đất vàng” vẫn đang thuê

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về cổ phần hóa, việc cổ phần hóa các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã được triển khai, trong đó, có Hãng phim truyện Việt Nam. Theo phương án cổ phần hoá VFS đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt thì Công ty Cổ phần phải tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh. Ngoài ra, Nhà đầu tư chiến lược đã cam kết và đưa vào Điều lệ hoạt động của Công ty Cổ phần là vẫn tiếp tục phát triển kinh doanh điện ảnh (sử dụng một phần vốn tối thiểu (bằng 20%) vốn đầu tư của chủ sở hữu công ty cổ phần và cam kết khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất do Công ty hiện đang quản lý, sử dụng cho lĩnh vực sản xuất phim và văn hóa điện ảnh). Hiện Công ty đang được giao quản lý và sử dụng khu đất tại số 4 Thuỵ Khuê theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Phòng làm việc của VFS 

 

Theo ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam thực tế đến nay, Công ty chưa ký được Hợp đồng thuê đất mới với cơ quan có chức năng quản lý nhà đất của UBND thành phố Hà Nội. Ngoài ra, tại thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hoá, UBND thành phố Hà Nội chưa chính thức thoả thuận Phương án sử dụng đất (tại địa chỉ số 4 Thuỵ Khuê) vì liên quan đến quy hoạch tại khu vực này và do Công ty chưa hoàn thành các thủ tục về thuê nhà đất. Do vậy, sau khi chuyển sang Công ty cổ phần, Công ty cổ phần có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đóng thuế tại địa chỉ trên và việc quản lý sử dụng khu đất tại số 4 Thuỵ Khuê sẽ theo quy hoạch của thành phố và theo Hợp đồng thuê đất được ký với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội. “Vừa qua, Công ty mới hoàn thành việc thanh toán nợ 21 tỷ đồng và mới nộp được hồ sơ tiếp tục thuê đất” - ông Thắng cho biết.

Không chỉ đạo không trả lương

Sau khi có những thông tin trên mạng xã hội về điều hành của HĐQT, Ban lãnh đạo và hoạt động của công ty như không trả lương cho nghệ sĩ, không tiếp tục phát triển điện ảnh…, ông Thắng khẳng định, đó là những thông tin sai lệch và cho biết: “Ngày 6/9, tôi có mời Ban Tổng giám đốc và khối nghệ thuật lên họp, trong cuộc họp có ý kiến đề xuất đã đầu tháng 9 nhưng chưa có lương tháng 8. Tôi đã trao đổi và chia sẻ hiện nay công ty đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, công ty phải trả nợ thuế 21 tỉ trước đây… và kêu gọi toàn thể nghệ sĩ và CBCNV cùng chia sẻ khó khăn trước mắt với công ty và Ban lãnh đạo. Tạm thời, tôi đã chỉ đao Ban Tổng giám đốc và phòng Tài vụ lập danh sách tạm ứng lương tháng 8 cho CBCNV hiện đang làm việc tại hãng, hoàn toàn không có lời nói hay chỉ đạo là không trả lương tháng 8 cho CBCNV do không có việc làm. Tuy nhiên, ngay sau cuộc họp, đã có nhân viên đưa thông tin là tôi chỉ đạo không trả lương tháng 8 cho CBCNV do không có việc làm. Thông tin đã tạo nên dư luận xấu, gây tâm lý hoang mang và mất đoàn kết trong nội bộ CBCNV trong công ty”.

Ông Vũ Đức Tùng, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Anh Thắng- Chủ tịch HĐQT nói chính xác 100%. Tại cuộc họp ngày 6/9, anh Thắng chỉ đạo Ban Tổng giám đốc và phòng Tài vụ lập danh sách tạm ứng lương tháng 8 cho mọi người hiện đang đi làm tại Công ty, không có chỉ đạo nào là không thanh toán lương tháng 8 do không có công việc”.

Tuy nhiên, ông Vũ Đức Tùng cũng chia sẻ: “Sau khi cổ phần hóa, anh em nghệ sỹ- CBCNV đều hy vọng lương và các chế độ ổn định hơn trước, về việc chia sẻ khó khăn với Công ty, một số anh em vẫn chưa được thông. Việc cổ phần hóa là một bước ngoặt lớn đối với anh em. Tôi mong muốn có thời gian để đả thông dần, tránh gây sốc cho nghệ sỹ”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh- Chủ tịch Công đoàn, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Trong cuộc họp ngày 6/9, anh Thắng không nói là không trả lương tháng 8/2017 cho mọi người do không có việc. Trước đó, đã chỉ đạo tôi và phòng Tài chính kế toàn làm danh sách tạm ứng lương cho những CBCNV đang làm việc”.

Chuyển đạo cụ để giữ gìn, bảo quản tốt hơn

Hiện Công ty bắt đầu vận hành với việc nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng. Trước đây, các kho lưu giữ kịch bản, đạo cụ, huân huy chương… đều dột nát, cửa sập xệ không khóa.

Theo thông tin từ Công ty, việc chuyển kho kịch bản là do phòng Biên kịch chuyển sang phòng khác để sửa chữa, cải tạo. Cán bộ phòng Biên kịch đã chuyển bàn ghế, hồ sơ tài liệu qua phòng mới, riêng tủ kịch bản không chuyển mà để trong phòng cũ, cửa không khóa, không người quản lý.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Danh Thắng chia sẻ: “Tôi thấy đây cũng là tài sản lưu giữ, nếu để ở công ty với điệu kiện thực tế hiện nay không đảm bảo vì điều kiện bảo quản ở đây kém, không có người chịu trách nhiệm quản lý, thêm nữa tôi thấy có một số biên kịch đã bán một số quyển kịch bản nên tôi đã liên hệ với Viện phim Việt Nam gửi và lưu trữ hộ toàn bộ kịch bản còn lại của phòng Biên kịch để tạo điều kiện bảo quản tốt nhất, chống thất thoát. Tất cả việc chuyển đều có Biên bản giao nhận trong dó kê chi tiết từng loại kịch bản, số lượng cụ thể”.

Bên trong Hãng phim truyện Việt Nam

 

Đối với kho đạo cụ, ông Nguyễn Danh Thắng cho biết thêm: “Tôi đã chỉ đạo di chuyển tất cả những đạo cụ còn có thể sử dụng sang gửi kho của Tổng công ty vận tải thủy vì bên đó có hệ thống kho an toàn, khô ráo trong thời gian cải tạo lại hệ thống kho của hãng phim, chỉ bỏ đi những gì đã mục nát, không thể sử dụng được. Trong quá trình chuyển kho đạo cụ đã quay lại những hình ảnh để làm tư liệu và có thống kê chi tiết các đạo cụ còn sử dụng, đạo cụ xuất hủy. Tuy nhiên, một số người chưa hiểu lại nói công ty mới xóa sổ điện ảnh”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh xác nhận: “Về việc tủ kịch bản, trong quá trình sắp xếp lại chỗ làm việc của các phòng, ban, tôi đã yêu cầu phòng Biên kịch với chuyên môn của mình phân loại các kịch bản đang lưu giữ trong tủ của phòng, kịch bản nào có giá trị thì chuyển vào phòng làm việc mới để lưu giữ, sau đó, phòng Biên kịch có phân loại và bán một số kịch bản theo dạng giấy vụn”.

Kêu gọi văn nghệ sĩ đoàn kết

Ông Nguyễn Danh Thắng thừa nhận, những dư luận trong câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, có nguyên nhân từ công tác điều hành của HĐQT và Ban Giám đốc. “Tư duy doanh nghiệp có thể là nguyên nhân khiến góc độ tiếp cận và cách ứng xử của chúng tôi chưa được tròn trịa, khiến cho một số văn nghệ sĩ hiểu nhầm và bức xúc, trong đó có việc đóng một trong hai cổng ra vào hãng phim hay thông báo giờ làm việc đối với khách hàng đến giao dịch. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và kịp thời có điều chỉnh phù hợp”.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Danh Thắng cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL về công khai, minh bạch thông tin, Công ty cam kết mở mọi cánh cửa kêu gọi các văn nghệ sĩ hãy cùng đoàn kết, kết nối và đưa về những dự án làm phim, tạo công ăn việc làm cho mọi người.

“Hiện nay, theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt thì mỗi năm Công ty chỉ sản xuất một phim điện ảnh, một phim truyền hình và như vậy, khoảng trống về thời gian, nhân lực đang đặt ra yêu cầu phải nỗ lực đa dạng hóa các hình thức hoạt động, tăng thêm nguồn thu, ổn định cuộc sống cho đội ngũ văn nghệ sĩ, cán bộ đã cống hiến, gắn bó lâu năm với địa chỉ đỏ của nền điện ảnh Việt Nam”- Chủ tịch HĐQT Nguyễn Danh Thắng chia sẻ./.

 

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ