• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội: Tiến hành quy hoạch nguồn nhân sự làm đại biểu hoạt động chuyên trách, cần bảo đảm dân chủ, công khai...

Thời sự 08/07/2020 13:40

(Tổ Quốc) -Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, khi tiến hành quy hoạch nguồn nhân sự làm đại biểu hoạt động chuyên trách, cần bảo đảm dân chủ, công khai, tập trung lựa chọn những người có kinh nghiệm thực tế, được cử tri và Nhân dân tin yêu, quý trọng, đủ khả năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Sáng nay (8/7), tại tỉnh Bình Phước đã khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND khóa IX.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, khi tiến hành quy hoạch nguồn nhân sự làm đại biểu hoạt động chuyên trách, cần bảo đảm dân chủ, công khai, tập trung lựa chọn những người có kinh nghiệm thực tế, được cử tri và Nhân dân tin yêu, quý trọng, đủ khả năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội: Tiến hành quy hoạch nguồn nhân sự làm đại biểu hoạt động chuyên trách, cần bảo đảm dân chủ, công khai... - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên khai mạc (Nguồn: VOV)

Bà Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước khóa IX cho biết, thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh, tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm có những điểm sáng như: tăng trưởng kinh tế đạt 5,31%, nằm trong nhóm các tỉnh tăng cao của cả nước; thu hút đầu tư vốn nước ngoài tăng 5,6%; xuất khẩu tăng 3,36%; thu ngân sách tăng12%...

Về công tác an sinh xã hội và giải quyết việc làm, tỉnh đã giải quyết gói hỗ trợ cho người nghèo, người thất nghiệp, dự kiến gói hỗ trợ là 330 tỷ đồng; chỉ số cải cách thủ tục hành chính đứng thứ 3 và chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 37 so với cả nước; phương thức quản lý, điều hành các các hoạt động kinh tế - xã hội trong tỉnh có sự đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, đổi mới phương thức dạy và học. Thông tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả về phòng chống dịch Covid-19. An ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Đảng bộ, chính quyền, Hội đồng nhân dân và các cơ quan ban, ngành hữu quan; sự đồng lòng, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Bình Phước đã vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện cùng lúc hai mục tiêu vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, GRDP của tỉnh ước tăng 5,31% thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao và cao hơn mức tăng trưởng 1,81% của cả nước.

Đặc biệt, là một địa phương có chung đường biên giới với nước bạn Campuchia (hơn 260 km), có cửa khẩu Quốc tế, cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở, đồng thời có đông đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị cao, đồng tình ủng hộ, tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tỉnh Bình Phước đã làm rất tốt và bước đầu thành công trong tác phòng, chống đại dịch Covid-19, với tổng số trường hợp cách ly 2.098 và chưa có trường hợp nhiễm Covid-19.

Đồng ý với 7 nhóm giải pháp đề ra của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, năm 2020 khác những năm trước của nhiệm kỳ này vì 6 tháng đầu năm, chúng ta phải tăng cường cho công tác phòng chống dịch, sản xuất kinh doanh thu hẹp quy mô, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mặc dù có không ít khó khăn, thách thức, nhưng trong khó khăn có những cơ hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Phước cần phải tập trung để nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế của địa phương nằm trong kinh tế trọng điểm ở phía Đông Nam bộ; Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng; làm tốt công tác giải ngân đầu tư công, nếu giải ngân tốt các dự án đã được duyệt cũng là cách để kích cầu mà không phải chờ dự án mới.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ này và HĐND giám sát để làm sao thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đưa ra giải pháp hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh trên địa bàn, những doanh nghiệp đã đầu tư, đang đầu tư và mở rộng đầu tư để đón làn sóng đầu tư mới vào địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội: Tiến hành quy hoạch nguồn nhân sự làm đại biểu hoạt động chuyên trách, cần bảo đảm dân chủ, công khai... - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND khóa IX tỉnh Bình Phước. (Nguồn: VOV)

UBND tỉnh cũng cần có giải pháp thiết thực, hiệu quả để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, đời sống của người dân đi đôi với công tác phòng, chống, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là những quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện mạnh mẽ quan điểm "miền núi tiến kịp miền xuôi", tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững.

Hiện, tỉnh Bình Phước là tỉnh có 41 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Để sớm đưa các quyết sách quan trọng đi vào cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Uỷ ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, sớm xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương phù hợp, cùng với ngân sách trung ương và huy động thêm các nguồn lực trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua theo thẩm quyền và thực hiện tốt Đề án, Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới.

Với nhiệm vụ và chức năng của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong quá trình thảo luận và ra quyết định. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát và tiếp xúc cử tri; thực hiện các biện pháp đồng bộ, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan báo chí, cùng nhân dân trong việc xem xét, giải quyết triệt để các kiến nghị chính đáng của cử tri...

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, tỉnh quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ